1500 nạn nhân chìm dưới đáy biển, một người đàn ông may mắn sống sót trong vụ chìm tàu Titanic: Không ngờ cuộc đời về sau bất hạnh, bị mọi người chỉ trích
Câu chuyện về người sống sót xui xẻo trên tàu Titanic khiến nhiều người phải suy ngẫm.
- 03-08-2023Chuyện buồn của người đàn ông sống sót qua thảm kịch Titanic: Bị cả nước lên án, qua đời trong tủi nhục
- 07-07-2023Cảnh hoang tàn của xác tàu Titanic ở độ sâu gần 4.000m dưới đại dương
- 05-07-2023Loạt ảnh hiếm tiết lộ nhiều điều chưa từng thấy của con tàu huyền thoại Titanic
Vào tháng 4 năm 1912, Titanic - con tàu xa hoa, lớn nhất thế giới bấy giờ đã chìm xuống biển sau khi đâm vào tảng băng khổng lồ, gây nên thảm kịch hàng hải nổi tiếng nhất mọi thời đại. Hậu quả của nó là có gần 1500 sinh mạng chìm xuống đáy đại dương và vĩnh viễn không thể tìm thấy.
Trong cơn hoảng loạn, chỉ có hơn 700 người, tức 1 phần 3 số hành khách có thể may mắn lên thuyền cứu sinh và giữ lại mạng sống cho mình. Masabumi Hosono (1870 -1939), một nhân viên của Bộ Giao thông Nhật Bản là một trong số đó. Thế nhưng với riêng Hosono, việc sống sót này lại chưa chắc là may mắn.
Hành trình thoát nạn trên Titanic của người đàn ông Nhật Bản
Masabumi Hosono sinh ngày 15 tháng 10 năm 1870 tại tỉnh Niigata. Năm 1910, ở tuổi 40, ông làm việc cho Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản và được cử tới Nga để nghiên cứu hệ thống đường sắt ở đây. Chuyến công tác dài ngày đưa ông đến London và ở lại một thời gian ngắn. Sau đó Hosono tiếp tục tới Southampton, nơi ông lên tàu Titanic vào ngày 10 tháng 4 năm 1912 với tấm vé hành khách hạng hai.
Trong đêm ngày 15 tháng 4, khi đang ngủ trong phòng thì ông bị một người quản lý đánh thức và biết con tàu đang chìm. Tuy nhiên, Hosono đã bị chặn không được lên boong thuyền của Titanic nơi có các thuyền cứu sinh vì thủy thủ đoàn nhầm lẫn ông là hành khách hạng ba.
Masabumi Hosono là người Nhật duy nhất có mặt trên Titanic. Không quá thông thạo tiếng Anh, ông gặp khó khăn trong việc giải thích với mọi người.
Trong thời khắc sinh tử, người đàn ông vẫn cố gắng tìm kiếm cơ hội cho mình. Cuối cùng, ông cũng vượt qua được nhiều chướng ngại vật và đi đến boong thuyền, nơi pháo sáng khẩn cấp đang được bắn. Về sau, Hosono miêu tả lại: "Khi đó, pháo sáng báo hiệu trường hợp khẩn cấp liên tục được bắn lên không trung, và màu xanh gớm ghiếc từ những ánh chớp và tiếng động thật đáng sợ. Bằng cách nào đó tôi không thể nào xua tan được cảm giác sợ hãi và hoang mang tột độ".
Hosono nhìn thấy 4 chiếc thuyền cứu sinh được hạ thủy và dự đoán về viễn cảnh một cái chết sắp xảy ra. Ông cho biết mình "đắm chìm trong suy nghĩ tuyệt vọng rằng sẽ không thể gặp lại người vợ và những đứa con yêu quý của mình nữa, vì tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chịu chung số phận với con tàu Titanic".
Khi số lượng xuồng cứu sinh còn lại giảm đi nhanh chóng, Hosono đã cố gắng chuẩn bị tinh thần cho giây phút cuối cùng của mình. Thế nhưng ông vẫn “tìm kiếm và chờ đợi bất kỳ cơ hội nào có thể để sống sót".
Vào thời khắc tưởng như đã hết hy vọng, một trong những sĩ quan được giao nhiệm vụ xếp thuyền cứu sinh đã la lớn rằng vẫn còn chỗ cho 2 người nữa. Ngay trước mắt Hosono, một người đàn ông lao đến nhảy xuống thuyền, và ông cũng nhảy theo. Nhờ đó mà Masabumi Hosono trở thành 1 trong hơn 700 người được may mắn sống sót.
Bị chỉ trích vì “lỡ” sống sót
Cùng với những người khác, Hosono được một con tàu khác đưa đến New York. Ban đầu không có nhiều sự chú ý dành cho vị khách Nhật Bản này. Sau khi được bạn bè giúp đỡ, ông cuối cùng đã về đến quê hương của mình. Bấy giờ, cả thế giới đang bị chấn động bởi tin tức của tàu Titanic và Nhật Bản cũng không phải ngoại lệ. Rất nhiều phóng viên, báo đài tìm đến tận nhà Masabumi Hosono để phỏng vấn ông. Trên các tờ báo nhiều ngày liền, hình ảnh Hosono đều xuất hiện trên trang nhất với tên gọi “Người đàn ông Nhật Bản may mắn nhất”.
Sự nổi tiếng vô tình này đã kéo theo rất nhiều rắc rối cho người đàn ông. Một thời gian sau, Archibald Gracie, một hành khách hạng nhất ở Mỹ và một người sống sót khác của Titanic đã tố cáo ông là đi lậu vé vì bất bình chuyện ông đã lấy “suất sống sót” của người khác.
Các tờ báo Nhật Bản đã ngay lập tức hùa theo và chỉ trích công khai Hosono. Không ít người buộc tội Masabumi Hosono đã “cướp” quyền được sống của người khác. Chưa hết, ở Nhật Bản vốn rất coi trọng danh dự và đức tính hy sinh vì người khác. Văn hóa này đã ngấm vào “dòng máu samurai”, tức khi một chiến binh bị mất danh dự, anh ta chỉ có thể phục hồi danh dự của mình bằng cách tự kết liễu đời mình. Hành động như vậy được coi là một cái chết anh hùng và được tôn vinh ở xứ sở mặt trời mọc.
Cộng đồng xung quanh cho rằng là một người Nhật Bản, Hosono phải có tinh thần samurai, quyết hy sinh thân mình một cách cao cả vì người khác. Theo tư tưởng thời bấy giờ, hành động chọn cứu lấy chính mình của Hosono là “ích kỷ”, nhất là khi ông là một người đàn ông trưởng thành khỏe mạnh lại không nhường chỗ cho phụ nữ, trẻ em, người già cơ hội lên thuyền cứu sinh.
Sức ép từ dư luận lớn đến mức sau đó, Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản phải sa thải Hosono dù ông không có bất kỳ sai sót nào trong công tác. Chưa dừng lại ở đó, sách giáo khoa còn đề cập đến trường hợp của ông như một ví dụ về hành vi đáng hổ thẹn. Sự tẩy chay của cả Nhật Bản đã khiến Hosono lẫn gia đình của ông khốn đốn. Nhiều năm sau, ông vẫn không thể lấy lại danh dự của mình dù tất cả những gì Hosono làm là “lỡ” sống sót.
Sau khi áp lực hạ bớt, vài năm sau, Hosono đã được tuyển dụng lại với lời giải thích rằng ông là người có chuyên môn rất tốt. Dù lấy lại được công việc nhưng ông phải sống phần đời còn lại trong lầm lũi, tránh tiếp xúc với mọi người xung quanh vì đã bị tẩy chay.
Trước khi qua đời năm 1929, Masabumi Hosono đã giãi bày tâm sự của mình trong một bức thư dài gửi vợ. Về sau, con cháu của ông đã nhiều lần cho xuất bản bức thư xúc động này. Lần xuất bản gần đây của bức thư là do cháu nội của ông - Haruomi Hosono, một nhạc sĩ nổi tiếng thực hiện. Haruomi Hosono cho biết việc xuất bản lại bức thư giúp gia đình họ thấy nhẹ nhõm hơn và mong lấy lại được danh dự cho cả dòng họ Hosono.