MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

17 doanh nhân trúng cử đại biểu Quốc hội

09-06-2016 - 11:13 AM | Doanh nghiệp

Trúng cử tại Hà Nội có Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Vietinbank Nguyễn Văn Thắng...

Trong khoá 14 có tới 6 vị ở Hà Nội.

Sáng 8/6 Hội đồng bầu cử Quốc gia đã công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 14. Trong danh sách 496 người trúng cử có 17 vị là doanh nhân.

Đó là hiểu theo nghĩa rộng, tức doanh nhân là những người có vị trí trong một doanh nghiệp và làm công việc quản trị trong doanh nghiệp.

Đứng đầu về số lượng là Hà Nội, với 6 doanh nhân (gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) trúng cử. Một số địa phương còn lại, bao gồm cả Tp.HCM chỉ có một vị được cử tri tín nhiệm.

Cụ thể, trúng cử tại Hà Nội có Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1973, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng.

Ông Dương Quang Thành, sinh năm1962, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng trúng cử tại Hà Nội.

Vẫn ở khối doanh nghiệp nhà nước là ông Phạm Quang Thanh, sinh năm 1981 Phó bí thư Đảng ủy,Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội .

Tái đắc cử là thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, ông Nguyễn Phi Thường.

Hà Nội còn có cái tên khá quen thuộc, đó là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư TNG Holdings Việt Nam. Bà Hường đã là đại biểu Quốc hội hai khoá 12 và 13.

Cũng tái đắc cử là ông Nguyễn Quốc Bình, sinh năm 1959, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Bí thư Đảng ủy Công ty TNHH MTV Hanel.

Ông Phạm Phú Quốc, sinh 1968 Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty đầu tư Tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh là doanh nhân duy nhất trúng cử trong số 30 vị đại biểu của thành phố này.

Trong 9 đại biểu của thành phố Hải Phòng có một doanh nhân là ông Mai Hồng Hải, sinh năm 1972, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xi măng Vicem Hải Phòng.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam, ông Nguyễn Như So là doanh nhân trúng cử ở tỉnh Bắc Ninh.

Trúng cử tại Bình Dương là ông Nguyễn Văn Dành, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - TNHH một thành viên (Becamex IDC).

Sinh năm 1968, ông Huỳnh Thành Chung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất - Xây dựng - Thương mại và Nông nghiệp Hải Vương, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Bình Phước là một trong 6 đại biểu của tỉnh này.

Đồng Nai có một doanh nhân tái đắc cử là bà Đỗ Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Sonadezi Đồng Nai.

Thêm một vị đại diện đến từ ngành ngân hàng, đó là Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang , ông Nguyễn Ngọc Hải, sinh năm 1965.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển hạ tầng Hà Nam, bà Trần Thị Hiền, sinh năm 1974 trúng cử tại Hà Nam.

Ông Lê Minh Chuẩn, sinh năm 1965 Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam trúng cử tại Quảng Ninh.

Một tập đoàn nhà nước lớn khác cũng có lãnh đạo trúng cử. Đó là ông Nguyễn Quốc Khánh, sinh năm 1960, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam , được bầu tại Quảng Nam.

Doanh nhân duy nhất tự ứng cử đã trúng cử là ông Phạm Quang Dũng, sinh năm 1954, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần TASCO. Ông Dũng là một trong 9 vị được bầu tại Nam Định.

Quá trình chuẩn bị bầu cử Quốc hội khoá 14, số lượng và chất lượng doanh nhân được bầu vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước là vấn đề rất được quan tâm.

Bởi, Quốc hội khoá 13 có số lượng doanh nhân rất đông đảo, tới gần 40 vị.

Nhưng một số doanh nhân (gồm cả tự ứng cử) đã gây ra không ít dư luận không tốt, thậm chí bị bãi nhiệm, ảnh hưởng đến hình ảnh của Quốc hội khoá 13 và hình ảnh chung của doanh nhân trong cơ quan đại biểu của dân.

Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

Trở lên trên