1.700 tỷ tiền vay sắp đến hạn phải trả, Quốc Cường Gia Lai lấy đâu ra tiền trả nợ?
Ngay cuối tháng 2 tới đây, khoản vay 100 tỷ đồng tại Vietcombank sẽ tới ngày đáo hạn và từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 3 là ồ ạt 1.568 tỷ đồng tới ngày đáo hạn.
Tuy không khởi sắc như các ông lớn bất động sản khác, Công ty Quốc Cường Gia Lai cũng có kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2016 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng khá mạnh.
Theo báo cáo tài chính mới được công bố, doanh thu Quốc Cường Gia Lai năm nay đạt 1.588 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 69 tỷ đồng. So với năm trước, doanh thu kỳ này cao gấp 4 lần còn lợi nhuận lớn gấp 3 lần.
Đây cũng là năm Quốc Cường Gia Lai đạt doanh thu kỷ lục, tuy nhiên phần lớn doanh thu có được lại không phải đến từ mảng kinh doanh cốt lõi.
Theo văn bản giải trình của công ty thì, nguyên nhân doanh thu của Quốc Cường Gia Lai mang tính đột phá là nhờ Công ty đã chuyển nhượng đất nền Dự án Hải Châu và bàn giao căn hộ các dự án cho khách hàng.
Dự án Hải Châu mà Quốc Cường Gia Lai nhắc đến không ngoại trừ chính là dự án mà người đồng hương Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã sang tên cho Công ty vào tháng 3/2016. Theo công bố thông tin từ phía HAGL, công ty này đã thông qua công ty con là Nhà Hoàng Anh để chuyển nhượng dự án. Đối tác nhận chuyển nhượng là Quốc Cường Gia Lai với mức giá chuyển nhượng 419 tỷ đồng. Khoản tiền nói trên đã được chuyển đủ vào ngày 17/3/2016.
Sau đó cuối tháng 6/2016, Quốc Cường Gia Lai lại ra nghị quyết HĐQT về việc chuyển nhượng dự án nói trên.
Ngoài ra, có một vấn đề đáng lo ngại với Quốc Cường Gia Lai là các khoản vay sắp tới ngày đáo hạn.
Cơ cấu vay của Quốc Cường Gia Lai đã có sự dịch chuyển mạnh. Cuối năm 2015, vay ngắn hạn của Quốc Cường Gia Lai chỉ 519 tỷ đồng thì đến cuối năm 2016, các khoản vay ngắn hạn đã tăng vọt lên tới 1.692 tỷ đồng. Nguyên nhân là do nhiều khoản vay dài hạn đang dần đến ngày đáo hạn và được chuyển sang. Do đó, vay dài hạn cuối năm 2016 chỉ còn 78 tỷ đồng.
Nếu so với tổng tài sản gần 8.200 tỷ đồng của Quốc Cường Gia Lai, con số nợ ngắn hạn gần 1.700 tỷ không phải là quá lớn, nhưng đây là bài toán về dòng tiền. Chưa năm nào Quốc Cường Gia Lai thu về được khoản tiền lớn như vậy, kể cả năm kỷ lục 2016 vừa qua.
Vì vậy, Quốc Cường Gia Lai sẽ xoay sở ra sao để trả hết số nợ này là một vấn đề được nhiều người quan tâm, bởi tính đến cuối năm 2016, 3/4 số tài sản của công ty là hàng tồn kho, trong khi tài sản lưu động chỉ chiếm khoảng 7% (625 tỷ đồng).
Trong tháng 2 tới đây sẽ có khoản vay 100 tỷ đồng tại Vietcombank tới ngày đáo hạn. Đây là khoản vay được đảm bảo bằng sổ tiết kiệm của 4 người, trong đó có sổ của cả mẹ và em gái doanh nhân Nguyễn Quốc Cường.
Sau đó, giai đoạn từ giữa đến cuối tháng 3, hàng loạt các khoản vay tại các ngân hàng khác sẽ đồng loạt đáo hạn, lớn nhất là 1.377 tỷ đồng vay BIDV chi nhánh Quang Trung.
Năm 2015, Quốc Cường Gia Lai đã phải chi 168 tỷ đồng tiền chi trả nợ gốc vay, sang năm 2016 con số tăng lên 766 tỷ đồng và có thể sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong năm 2017.
Trí thức trẻ