MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

18 năm không gục ngã trước số phận của cậu học trò 'tí hon'

31-08-2023 - 22:40 PM | Sống

18 năm không gục ngã trước số phận của cậu học trò 'tí hon'

Mắc bệnh tan máu huyết tán từ lúc lọt lòng nhưng Hiếu không gục ngã trước số phận. Cậu học trò xứ Thanh đã trúng tuyển vào trường Y trước sự cảm phục của mọi người.

Một ngày sau khi biết điểm trúng tuyển, cậu học trò tí hon Hoàng Ngọc Minh Hiếu vui mừng khôn tả. Bởi, với mức điểm 26,05 điểm ở 3 môn khối B0 (Toán: 8,8 điểm, Hóa: 8,75 và Sinh: 8,5 điểm), Hiếu đã trúng tuyển vào ngành Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Hà Nội.

Hiếu là anh cả trong gia đình có 2 anh em ở phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa). Ở tuổi 18 nhưng trông Hiếu chỉ cao 1,4m và nặng vỏn vẹn hơn 30kg, nước da tái nhợt. Song, bù lại cậu có đôi mắt sáng hiền hòa đằng sau lớp kính cận dày cộp.

Cậu học trò chiến thắng bệnh tật

Theo lời kể của chị Lê Thị Nhung (mẹ của Hiếu), gia đình phát hiện Hiếu mắc bệnh tan máu huyết tán bẩm sinh khi mới tròn 8 tháng tuổi. "Lúc nghe bác sĩ chẩn đoán bệnh tình của con, tôi gần như suy sụp hoàn toàn", chị Nhung trải lòng.

Dù đã áp dụng nhiều phương pháp trị liệu từ bệnh viện tuyến tỉnh đến trung ương, song căn bệnh bẩm sinh khiến Hiếu luôn ốm yếu. Cơ thể không hấp thụ được canxi nên cậu không thể phát triển bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa.

Ngoài ảnh hưởng đến chiều cao và cân nặng, căn bệnh mà Hiếu mắc phải còn có nguy cơ chuyển biến xấu. Thậm chí, có thể bị biến dạng khuôn mặt và ảnh hưởng đến xương khớp. Đây cũng là điều chị Nhung lo lắng nhất khi nghe bác sĩ thông báo về bệnh tình của cậu con trai.

18 năm không gục ngã trước số phận của cậu học trò 'tí hon' - Ảnh 1.

Cậu học trò Hoàng Ngọc Minh Hiếu vừa trúng tuyển vào Trường Đại học Y Hà Nội

Để duy trì sự sống, Minh Hiếu buộc phải vào viện truyền máu đều đặn mỗi tháng một lần. Sau gần 2 năm truyền máu tươi liên tục kể từ khi phát bệnh, chị Nhung hoảng hốt khi thấy phần bụng của cậu con trai bỗng to lên bất thường.

Hai vợ chồng lại tất tưởi đưa con vào viện kiểm tra mới phát hiện lá lách bị ảnh hưởng do truyền máu. Lúc này, để đảm bảo sự sống chỉ còn cách phẫu thuật cắt bỏ lá lách.

"Gia đình không có điều kiện ra Hà Nội nên ca phẫu thuật được tiến hành ở bệnh viện tuyến tỉnh. Đứng trước lằn ranh giữa sự sống và cái chết, tôi cũng hấp hối theo con. Thật may, sau 10 ngày phẫu thuật, sức khỏe của con dần ổn định. Tuy nhiên, ca phẫu thuật chỉ đảm bảo sự sống, còn bệnh tình của con vẫn không thuyên giảm", người mẹ nghẹn ngào.

Sau ca phẫu thuật cắt bỏ lá lách, chị Nhung lại bồng con ra Hà Nội truyền máu đều đặn theo y lệnh. Chi phí mỗi đợt điều trị gần 20 triệu đồng, có bảo hiểm hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu đợt điều trị nào mà bệnh viện hết thuốc, gia đình phải tự lo chi phí thuốc thang.

18 năm không gục ngã trước số phận của cậu học trò 'tí hon' - Ảnh 2.

Hiếu và người mẹ của mình

Dù bệnh tật dày vò nhưng thấy con ham học nên chị Nhung cũng cho con đến trường tìm "con chữ" như các bạn. Suốt 12 năm học, Hiếu luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, nhiều lần tham dự học sinh giỏi các môn văn hóa cấp thành phố, từng đoạt giải Nhất môn Vật lý, kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm lớp 8.

Cách đây 4 năm, Hiếu cảm thấy sức khỏe yếu hẳn khi xuất hiện những cơn ho dai dẳng có lẫn máu. Vào viện kiểm tra, nghe bác sĩ giải thích, cậu mới biết mình bị viêm phổi do ảnh hưởng của bệnh.

Sau nhiều tháng điều trị bằng thuốc nhưng không hiệu quả, hè năm ngoái, Hiếu buộc phải nhập viện cắt bỏ hai thùy của phổi. Sau ca phẫu thuật, cậu học trò cũng phải uống thêm thuốc thải sắt, bổ gan và tăng cường sức đề kháng.

Nuôi ước mơ trở thành bác sĩ

Là học sinh khuyết tật nặng của lớp 12B1, Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), Hiếu được đặc cách miễn thi tốt nghiệp. Thế nhưng, cậu học trò vẫn tự tin đăng ký dự thi để khẳng định bản thân.

Hiếu tâm sự: Thời điểm ôn thi tốt nghiệp là giai đoạn vất vả với em. Bởi, thời gian ở nhà thì ít mà ở viện thì nhiều. Vì vậy, Hiếu chỉ còn cách "cõng" theo sách vở vào viện, vừa điều trị vừa ôn thi "vượt vũ môn".

"Thời điểm ấy, em chỉ tranh thủ những lúc cơ thể khỏe mạnh để ôn tập, chỗ nào chưa hiểu thì hỏi thêm thầy, cô và nhờ bạn bè hỗ trợ. Nhiều hôm em cũng phải miệt mài học tới 11 - 12 giờ khuya", Hiếu bộc bạch.

Trước hôm diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, Hiếu được các bác sĩ truyền máu sớm để tăng cường sức khỏe.

Suốt 18 năm chiến đấu với bệnh tật, song cậu học trò xứ Thanh không cảm thấy tự ti hay buồn tủi về số phận của mình. Trái lại Minh Hiếu nói, bản thân thực sự may mắn khi luôn được bố mẹ yêu thương và đồng hành suốt những năm tháng qua.

18 năm không gục ngã trước số phận của cậu học trò 'tí hon' - Ảnh 3.

Ngoài những lúc học bài, thời gian rảnh, Minh Hiếu thường đọc sách để giải tỏa căng thẳng

Chia sẻ lý do chọn ngành Y, Minh Hiếu hồ hởi tâm sự: "Em mong ước trở thành bác sĩ vì muốn tìm hiểu và chữa bệnh cho chính bản thân mình và mọi người. Với em, đây cũng là ngành nghề cao quý!".

Hiện tại, cơ hội để cứu sống Hiếu đó là tìm được tủy tương thích. Nhiều năm qua, vợ chồng chị Nhung đã kiếm tìm từ người thân, bạn bè, thậm chí đưa em gái của Hiếu đến bệnh viện kiểm tra nhưng kết quả không phù hợp.

"Với hoàn cảnh hiện giờ, gia đình tôi không đủ điều kiện để đi tìm tủy tương thích cho con. Tôi chỉ biết chờ đợi một vận may bất ngờ và ước mong, bệnh tình không diễn biến xấu để con tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình", chị Nhung nức nở.

Nhắc tới cậu học trò, thầy Lê Mạnh Hùng (giáo viên chủ nhiệm) không khỏi cảm phục trước nghị lực cố gắng, chiến thắng bệnh tật của Minh Hiếu. Dù bệnh tật dày vò, song Hiếu chưa bao giờ từ bỏ việc học mà luôn nỗ lực trau dồi tri thức.

"Không chỉ kỳ thi tốt nghiệp lớp 12, mà ngay cả trong kỳ thi đầu vào lớp 10 cũng thế, dù được đặc cách nhưng em vẫn dự thi và đỗ với số điểm rất cao. Với thầy và trò lớp 12B1, Hiếu là tấm gương của một con người giàu nghị lực, luôn lạc quan, chiến thắng bệnh tật", thầy Hùng tâm sự.

Theo Nhật Minh

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên