18 tuổi đi khám phát hiện 2 quả thận đã teo: Chàng trai giận mình, nhắn nhủ người trẻ điều cần làm
Nam (hiện 32 tuổi) đã có 14 năm gắn bó với chiếc máy chạy thận. Tuần nào cũng đều đặn 3 lần Nam bắt xe từ Hà Nam tới Bệnh viện Nông nghiệp chạy lọc máu chu kỳ.
- 15-02-2024Sáng thức dậy mà làm 5 việc này thận khỏe hơn cả dùng thuốc bổ, 2 cái cuối khiến ai cũng bất ngờ
- 15-02-20246 dấu hiệu cơ thể đang âm thầm béo lên, cẩn thận cân nặng tăng chóng mặt
- 14-02-2024Thận khỏe nhờ 4 loại quả “thần dược”, ngừa ung thư lại ổn định đường huyết: Việt Nam có bán
Lời nhắn nhủ của chàng trai tới người trẻ
Những ngày đầu năm khi mọi người còn đi lễ, đi chơi Tết, Nam (*) lại chuẩn bị đồ để tới viện chạy thận. 14 năm trôi qua, Nam đã quen với cái cảm giác một mình bắt xe đi chạy thận ngay cả vào những ngày Tết.
Trên giường bệnh, Nam nhìn xa xăm vào khoảng không thấy tiếc nuối vì khoảng thời gian trước đã không quan tâm tới sức khoẻ, khiến thận suy teo. Giờ đây, cuộc sống của Nam phải phụ thuộc vào chiếc máy lọc máu.
Nam tâm sự, anh cũng mong muốn ghép thận lắm. Tuy nhiên, vì chạy thận nhiều năm, các cơ quan trong cơ thể cũng bị suy giảm phần nào. Năm vừa rồi Nam gặp vấn đề về tim và đã được phẫu thuật thành công.
"Em chạy thận nhiều năm, các cơ quan trong cơ thể cũng không được bằng người mới chạy thận nên dù có ghép khả năng thành công cũng không cao. Giờ em chấp nhận và hài lòng với cuộc sống hiện tại không mong cầu gì hơn", Nam chia sẻ.
Nam nhớ về thời gian trong quá khứ: "Khi đó em còn rất nhỏ, em cũng không nhớ hết, em hay ốm sốt đi viện suốt".
"Bố mẹ em kể có lần em sốt rất cao, phải đưa ra bệnh viện Nhi khám. Em được chẩn đoán viêm đường tiết niệu. Không hiểu sao sau đó em phải mổ", Nam nhớ lại.
Tới năm lớp 12, Nam thấy mệt mỏi nhiều bố mẹ đưa Nam đi khám. Bác sĩ thông báo thận của Nam đã teo, phải lọc máu cấp cứu.
"Ở quê em mọi người chỉ ốm sốt mới đi khám. Chẳng ai khoẻ lại tự dưng đi khám cả. Em cũng vậy, khi em mệt quá không gắng gượng được mới nói bố mẹ đưa đi khám. Em đâu có ngờ khi tới viện khám thận em đã hỏng rồi, em cũng giận mình lắm. Có lúc em nghĩ giá như em chú ý sức khoẻ của mình hơn, đi khám sớm hơn thì thận đã không teo.
Thời gian đầu, em nghĩ ở viện 1-2 tuần là lại được về đi học. Sau đó, nằm viện em mới biết sẽ phải chạy thận suốt đời một tuần 3 lần", Nam nói.
Nam cho biết thêm, lúc phải chạy thận, nhiều bác lớn tuổi cũng động viên còn anh trẻ, cố gắng giữ gìn để có sức khoẻ tốt và Nam cũng vẫn đang thực hiện điều đó hàng ngày.
Theo Nam, khi phát hiện suy thận thì anh đã phải dừng việc học tập. Thời gian đầu Nam cũng khá suy sụp để có thể quen với việc hàng tuần phải tới viện. Tuy nhiên, nhờ có sự động viên của bố mẹ mà Nam có thêm động lực.
Nam khoe: "Em mặc áo dài tay đi ra ngoài chẳng ai nghĩ em phải chạy thân đâu, vì da vẫn đẹp, người nhìn khoẻ mạnh. Em được như vậy là nhờ có sự chăm sóc của bố mẹ. Nhiều lúc em nghĩ cũng thương bố mẹ lắm. Cho nên em cũng cố gắng giữ gìn để bản thân khoẻ mạnh, để bố mẹ không phải lo lắng".
14 năm gắn bó với máy chạy thận, Nam thấu hiểu rõ được gánh nặng của căn bệnh suy thận mạn. Nam cũng muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ: "Phải quan tâm tới sức khoẻ hơn. Biết thương bản thân mình, đừng để như em rồi mới ân hận", nam nói.
Suy thận mạn là gì?
BSCKII Lê Quang Hải, Khoa Thận - Tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Nông Nghiệp cho biết suy thận mạn có triệu chứng rất âm thầm, tiến triển theo từng năm. Do vậy, để phát hiện bệnh sớm thì cần đi khám sức khoẻ định kỳ. Ngoài ra, để phòng bệnh, mọi người cần có có lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và vận động thể thao vừa sức.
Trước đây khoảng 15-20 năm, bệnh suy thận mạn ở người trẻ tuổi thường gặp chủ yếu ở người mắc viêm cầu thận. Nguyên nhân là do vi khuẩn gây viêm bể thận và làm tổn thương cầu thận.
Hiện nay, suy thận mạn thường gặp ở người có bệnh lý mạn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hoá) chiếm tới 60-70%... Còn lại một phần nhỏ là các bệnh nhân có tổn thương cầu thận nguyên phát không thể tìm rõ nguyên nhân.
Ngoài ra, tình trạng tổn thương thận có thể xảy ra ở các trường hợp bị ngộ độc hoặc mắc các bệnh lý cơ quan khác kèm theo.
(*): Tên nhân vật đã được thay đổi
Đời sống & pháp luật