MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

18 tuổi quyết tâm không vào Đại học, 20 tuổi lên chức Trưởng phòng kinh doanh, cô gái Sài Gòn: Tôi đang tận hưởng đường đua của mình

27-03-2021 - 08:35 AM | Sống

18 tuổi quyết tâm không vào Đại học, 20 tuổi lên chức Trưởng phòng kinh doanh, cô gái Sài Gòn: Tôi đang tận hưởng đường đua của mình

Mặc dù không nhận 100% sự ủng hộ của gia đình về quyết định không học Đại học nhưng Đặng Thụy Thảo Vy chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Thậm chí, cô gái 20 tuổi luôn tin tưởng vào lựa chọn của bản thân.

“Không ai lên kế hoạch cho thất bại, nhưng nếu không có kế hoạch thì bạn đã lên kế hoạch cho sự thất bại.”

Đó là điều mà Đặng Thụy Thảo Vy, 20 tuổi, sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, học được từ người sếp hiện tại của mình. Không phải là người luôn lên kế hoạch trước cho cuộc đời mình nhưng một khi đã đặt mục tiêu, chắc chắn Vy sẽ quyết tâm cao độ. Trong suốt 3 năm học cấp 3, ý niệm về gap year chưa bao giờ xuất hiện trong thâm tâm Vy nhưng sau khi quyết định không vội vàng vào đại học, bản kế hoạch gap year của Vy đã ra đời.

Hành trình tự trải nghiệm bắt đầu từ việc chưa hiểu mình

Vy nhớ lại: "Hồi học Phổ thông, xung quanh mình thường có hai nhóm học sinh. Một là, chăm chỉ học để đạt điểm thi cao và đậu vào các trường danh tiếng, hoặc tích cực tham gia hoạt động xã hội đồng thời duy trì kết quả học tập tốt để dành suất hỗ trợ tài chính cho việc du học. Hầu hết họ có định hướng nghề nghiệp rõ ràng và sự chuẩn bị chỉn chu về học thuật để đạt lấy mục tiêu. Mình thuộc nhóm còn lại - dù đã có tìm hiểu và trải nghiệm khá nhiều nhưng vẫn chưa rõ ràng biết mình muốn gì. Du học hay theo học đại học trong nước? Nếu lên đại học thì nên học ngành gì? Không muốn nhắm mắt chọn bừa, mình quyết định chưa vào đại học để có thêm thời gian tìm hiểu về bản thân nhiều hơn."

Vậy là, hành trình tự trải nghiệm của Đặng Thụy Thảo Vy bắt đầu. Mặc dù không nhận được sự ủng hộ 100% của gia đình nhưng Vy chưa từng lãng phí một giây phút nào trong quãng thời gian trưởng thành của mình.

 18 tuổi quyết tâm không vào Đại học, 20 tuổi lên chức Trưởng phòng kinh doanh, cô gái Sài Gòn: Tôi đang tận hưởng đường đua của mình  - Ảnh 1.

2018, năm gap year thứ nhất, Vy tham gia khá nhiều các khóa học ngắn hạn để nâng cao kiến thức chung về cuộc sống và xây dựng các giá trị nền tảng phát triển bản thân: học nghiên cứu khoa học từ Trường hè Khoa học Sài Gòn, sự trao đi (Philanthropy) của dự án “Chum và bạn đồng hành”, sự liêm chính (Integrity) của “Vườn ươm liêm chính”... Bên cạnh đó, cô bạn cũng tham gia khá nhiều cuộc thi để học hỏi và thử thách bản thân: như “Én Vàng học đường” trau dồi kỹ năng nói chuyện trước công chúng, rèn luyện tư duy, “International Trade Challenge” tìm hiểu về kinh doanh thị trường quốc tế... Thời gian này, Vy cũng trở thành MC, diễn giả trong nhiều sự kiện của giới trẻ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác để chia sẻ giá trị và kết nối với nhiều người.

2019, năm gap year thứ hai, Vy có nhiều trải nghiệm thực tế về công việc hơn. Cô bạn được nhận làm trợ lý sản xuất cho một công ty Truyền thông nước ngoài sau lần network thành công tại một sự kiện startup. Đồng thời, mẹ đầu tư cho con gái học lấy chứng chỉ HLV Yoga. Vy cũng tìm được nhà đầu tư trong khoá học và khởi dựng một Yoga studio cùng bạn sau đó. Vy bước đầu tập tành kinh doanh khi cùng bạn mở quán trà sữa và cho thuê Airbnb. Đi du lịch và tiệc tùng, Vy cũng không quên dành thời gian cho chính mình, tận hưởng tuổi trẻ.

Sau ngần ấy thời gian, cô bạn hiểu thêm cuộc sống, hiểu hơn chính mình, chủ động việc học của bản thân, biết mình cần gì, tự do thời gian, kết nối với nhiều người, và trau dồi kỹ năng thực tế.

Những bài học kinh doanh đầy nước mắt và mồ hôi

Kể về thành quả đầu tiên của mình trong hành trình gap year ấy, Vy nói quy mô Yoga studio không quá lớn, có 3 lầu, lượng khách ổn định và đặc biệt đông vào các ca tối, hoạt động từ tháng 4 năm 2019 đến đầu năm 2020. Bên cạnh đó, Yoga studio còn cung cấp dịch vụ B2B cho một chi nhánh ngân hàng. Khi phải đóng cửa "đứa con tinh thần đầu đời của mình", đương nhiên Vy rất buồn nhưng cô bạn trẻ tuổi vô cùng hài lòng vì những gì mình nhận được: những mối quan hệ làm ăn, những người bạn xuất phát từ học viên của Yoga studio, nhiều bài học và kinh nghiệm nhớ đời. Không phải ai ở độ tuổi của Vy cũng có được những đúc kết đó, nên Vy rất trân trọng.

Sau khi mở studio được khoảng thời gian, Vy tham gia xây dựng và phụ trách chính việc quản lý một cửa hàng trà sữa do người bạn mở ra. Công việc từ ngành F&B đưa đến cho Vy một bài học "xương máu": không nên kinh doanh lĩnh vực mà mình không hề có chuyên môn hay kinh nghiệm (ở đây là "trà sữa"). Vy tiết lộ, "Bọn mình không nắm được giá thành của các nguyên liệu pha chế cũng như công thức sáng tạo thức uống, mọi thứ đều phụ thuộc vào người pha chế được thuê, rất thiếu linh hoạt. Ngành này cũng khá cạnh tranh trong khi tụi mình chưa tìm được sự khác biệt nào."

Còn về dự án Airbnb, người bạn đồng hành cùng Vy trong Yoga studio và quán trà sữa dư một căn hộ đã lâu không ở. Vì người bạn đó không muốn cho thuê dài hạn nên cho thuê Airbnb và rủ Vy cùng quản lý. Khách đặt phòng khá thường xuyên, đa phần là người nước ngoài. Tuy nhiên, vì sự bùng dịch Covid, căn hộ ngưng không cho thuê nữa để giữ an toàn. Từ dự án này, Vy học được cách tính toán các chi phí, chăm sóc khách hàng và quảng cáo căn hộ.

Kết thúc các dự án, Vy lựa chọn tiếp tục theo học các khoá học ngắn hạn và làm việc cho những ý tưởng khác. Thỉnh thoảng cô bạn cũng áp lực, vì bạn bè đồng trang lứa sắp tốt nghiệp hết rồi còn Vy còn chưa bắt đầu học Đại học, chưa kể môi trường xung quanh có rất nhiều bạn đạt học bổng du học, thực tập tại các công ty, tập đoàn lớn, khởi nghiệp... Nhưng Vy chưa bao giờ hối hận với quyết định của mình.

Trưởng phòng 20 tuổi không sợ "sóng to"

"Nhờ những cú ngã đó mà so với chính mình những năm về trước, Vy trưởng thành và bản lĩnh hơn rất nhiều. Mình không so sánh mình với ai khác bởi mỗi người có một đường đua riêng, Vy đang tập trung và tận hưởng đường đua của mình."

Với tinh thần quả quyết như vậy, cô bạn 20 tuổi luôn tìm được những cơ hội xứng đáng với bản thân mình. Đầu năm 2020, trong một lần đi tập một môn thể thao mới, Vy làm quen được một học viên. Sau buổi tập, hai chị em nói chuyện rất lâu và về sau có thêm nhiều lần gặp gỡ khác. Chính người bạn mới quen này đã dẫn dắt Vy vào FWD.

Tròn một năm tham gia vào ngành bảo hiểm, khi nhìn lại, chính Vy cũng nhận xét mình đã gặp rất nhiều thử thách trong thời gian đầu bởi ngành Bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam còn rất nhiều định kiến.

Có lần mẹ Vy nói với con gái: “Hôm nay người ta bảo mẹ là bé Vy nhà chị học giỏi quá trời nhưng lại trở thành đứa đi bán bảo hiểm”. Lúc đó dù buồn cho nỗi buồn của mẹ nhưng cô vẫn cười đáp: “Lần sau mẹ hãy bảo người ta, rằng ngành này phải có gì hay lắm đến mức một đứa giỏi giang như con tôi phải chọn”.

Làm trong ngành này mới biết bản thân cần học hỏi và ghi nhớ rất nhiều. Vì tệp khách hàng đa dạng nên Vy học cách chia sẻ giải pháp tài chính phức tạp một cách đơn giản nhất, đồng thời trau dồi kiến thức không ngừng mới có thể thiết kế nên giải pháp phù hợp và thuyết phục được khách hàng.

"Thuyền to thì sóng to, đến hiện tại, mình cũng không ngừng gặp thử thách. Ngày nào còn làm việc thì ngày đó còn phải cố gắng. Hiện tại phòng kinh doanh của mình có tầm 30 thành viên. Là một Trưởng phòng, Vy không cho rằng mình được quyền quản lý ai, mà chỉ định hướng phù hợp với điều kiện từng người và hỗ trợ cho sự thành công của họ. Các thành viên trong nhóm đều rất giỏi giang, mình tự gây áp lực lên bản thân mỗi ngày bằng cách cố gắng trau dồi nghiệp vụ, kỹ năng để xứng đáng là người dẫn dắt một tập thể toàn người mạnh như thế", Vy thẳng thắn.

 18 tuổi quyết tâm không vào Đại học, 20 tuổi lên chức Trưởng phòng kinh doanh, cô gái Sài Gòn: Tôi đang tận hưởng đường đua của mình  - Ảnh 2.

Là một trưởng phòng, Vy biết bản thân cần phải nỗ lực hơn cả vì xung quanh cô luôn có rất nhiều anh chị giỏi, kết quả kinh doanh tháng nào cũng xuất sắc và thu nhập "khủng". Vy nói mình "chỉ được cái trẻ tuổi nhưng những cái khác còn thua xa nên còn phải nỗ lực nhiều lắm". Với Vy, áp lực cũng là động lực đưa bản thân tiến xa.

Theo Ninh Linh

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên