18.000 lít xăng nghi kém chất lượng bán ở TP.HCM
Xe bồn chở 18.000 lít xăng nghi kém chất lượng đã bị cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu phát hiện nhưng toàn bộ số xăng này vẫn được bán ra thị trường ngay sau đó.
- 02-11-2023Chuyên gia nói gì về đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu 7 ngày một lần
- 01-11-2023Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít, RON 95 sát mốc 24.000 đồng/lít
- 24-10-2023Chiết khấu giảm, doanh nghiệp xăng dầu lại kêu lỗ
Xăng nghi kém chất lượng?
Trong đơn phản ánh gửi đến VTC News, ông Ngô Tấn Khôi (ngụ phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, ông là cửa hàng trưởng của Cửa hàng xăng dầu số 4 tại địa chỉ 236 Võ Văn Ngân, phường Bình Thọ, TP Thủ Đức. Đây là cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đức (TIMEXCO).
Theo ông Khôi, ngày 10/10/2022, chiếc xe bồn biển kiểm soát 57L - 7283 do tài xế Lê Văn Nghi cầm lái chở theo 18.000 lít xăng A95 từ Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè đến Cửa hàng xăng dầu số 4 để giao hàng.
Trong quá trình kiểm tra trước khi nhập hàng, ông Khôi phát hiện màu xăng A95 của chiếc xe bồn có dấu hiệu nghi vấn. Cụ thể, xăng có màu đỏ bất thường; khi sờ bằng tay, xăng có độ nhớt cao và rất lâu khô. Trong khi đó, xăng bình thường có màu vàng.
Ông Khôi từ chối nhập 18.000 lít xăng A95 này và yêu cầu các bên liên quan như: đại diện Phòng Kinh doanh TIMEXCO, đại diện đơn vị vận chuyển lập biên bản sự việc.
Sau đó, đại diện Phòng Kinh doanh Timexco và đơn vị vận chuyển cùng với ông Khôi đã lấy mẫu xăng từ họng xả (vòi bơm) của xe bồn đem đi giám định.
Trong 3 mẫu được đem đi giám định thì có tới 2 mẫu không đạt tiêu chuẩn về trị số octan (RON) và cặn cuối. Đây là những chỉ số quan trọng nhất khi đánh giá chất lượng xăng.
Cụ thể, theo thông báo kết quả giám định của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 (QUATEST 3), mẫu niêm phong 1157104 có trị số RON chỉ đạt là 93,4. Trong khi đó, theo quy định thì trị số RON nhỏ nhất phải đạt là 95, tức không đạt tiêu chuẩn.
Cặn cuối của mẫu niêm phong 1157104 lên tới 3,5, trong khi quy định tối đa của cặn cuối chỉ là 2, tức không đạt tiêu chuẩn.
“ Mẫu yêu cầu giám định có chất lượng không phù hợp với các yêu cầu quy định tại QCVN 1:2015/BKHCN và Sửa đổi 1:2017 QCVN 1:2015/BKHCN đối với xăng không chì RON 95 – mức 3. Trị số RON và cặn cuối có chỉ tiêu không phù hợp ”, kết quả giám định của Trung tâm QUATEST 3 nêu rõ.
Tương tự, mẫu niêm phong 1157101 cũng có trị số RON chỉ đạt 94,5, cặn cuối là 1, tức trị số RON không đạt tiêu chuẩn. Chỉ duy nhất mẫu niêm phong 1157103 có trị số RON là 95, cặn cuối là 1, đạt tiêu chuẩn.
Dù có 2/3 mẫu xăng được đưa đi lấy mẫu không đạt tiêu chuẩn theo quy định, thế nhưng theo ông Khôi, 18.000 lít xăng này đã được xe bồn chở đến Cửa hàng xăng dầu Phú Hữu (số 579 Võ Chí Công, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức) để tiêu thụ vào ngày 21/10/2022.
Cũng theo ông Khôi, vào thời điểm phát hiện chiếc xe bồn chở 18.000 lít xăng có dấu hiệu kém chất lượng, ông Khôi có liên hệ với một số cán bộ Đội Quản lý thị trường số 9 - Cục Quản lý thị trường TP.HCM để cung cấp thông tin. Tuy nhiên, các cán bộ này không có mặt để xử lý vụ việc.
Đại diện Công ty TIMEXCO nói gì?
Trước phản ánh của bạn đọc, PV VTC News đã liên hệ với Ban lãnh đạo Công ty TIMEXCO để tìm hiểu thông tin vụ việc.
Ông Lại Thế Nghĩa, Giám đốc Công ty TIMEXCO cho biết, qua quá trình kiểm tra 18.000 lít xăng giao cho Cửa hàng xăng dầu số 4, doanh nghiệp này cũng thừa nhận xăng có màu sắc khác với màu nguyên bản. Cửa hàng xăng dầu số 4 nghi ngờ là đúng với "bản năng nghiệp vụ".
Theo ông Nghĩa, trị số RON 94,5 "vẫn nằm trong dung sai cho phép". Tuy nhiên, sau khi Cửa hàng xăng dầu số 4 từ chối nhập hàng thì TIMEXCO đã yêu cầu xe bồn chở 18.000 lít xăng ra Cửa hàng xăng dầu Phú Hữu để chờ phương án xử lý.
Ngày 19/10/2022, đại diện TIMEXCO và đơn vị vận chuyển đã lấy thêm 4 mẫu và gửi cho trung tâm QUATEST 3 để thử nghiệm trị số RON. Điều bất ngờ là trị số RON lúc này "đều đạt tiêu chuẩn là 95,2", khác xa với kết quả khi lấy mẫu có sự chứng kiến của ông Khôi và những người khác.
Cũng theo ông Nghĩa, sau khi xác định trị số RON đạt tiêu chuẩn thì Công ty TIMEXCO đã cho xe bồn đổ 18.000 lít xăng cho Cửa hàng xăng dầu Phú Hữu để bán cho người tiêu dùng vào ngày 21/10/2022.
Ông Nghĩa khẳng định, trong quá trình kinh doanh, công ty không pha trộn bất cứ loại hóa chất nào vào xăng bởi chỉ cần xe bồn chở xăng dừng ở một điểm quá lâu thì lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm tra và xử lý ngay.
PV VTC News đặt câu hỏi: “ Vì sao trong quá trình diễn ra sự việc Công ty TIMEXCO không thông báo đến cơ quan chức năng ?”.
Ông Nghĩa trả lời, đây là nguồn xăng lấy từ nội bộ, do đó, nếu xăng đạt chất lượng thì công ty cho cửa hàng nhập xăng. Nếu xăng không đạt chất lượng thì đơn vị vận chuyển phải chịu trách nhiệm. Bởi, xăng đi ra khỏi kho đều có chứng chỉ cam kết chất lượng và có mẫu xăng đi kèm theo xe giao cho cửa hàng.
PV cũng đặt câu hỏi: “ Tại sao trong quá trình lấy mẫu xăng lần tiếp theo để đi kiểm nghiệm Công ty TIMEXCO không mời ông Khôi - đại diện Cửa hàng xăng dầu số 4, nơi phát hiện vụ việc mà chỉ mời đơn vị vận chuyển? ”.
Ông Nghĩa chia sẻ, ông Khôi là cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu số 4 cũng là nhân viên của Phòng Kinh doanh Công ty TIMEXCO. Chính vì vậy, việc lấy mẫu xăng lần tiếp theo chỉ cần có lãnh đạo Phòng Kinh doanh và đại diện đơn vị vận chuyển. Việc này không cần thông báo với cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu số 4.
Ông Nghĩa cũng cho rằng, việc các nhân viên lấy mẫu xăng đem đi giám định từ vòi bơm của xe bồn là chưa đúng cách, phải lấy mẫu từ trên nắp xe bồn mới chính xác.
Tuy nhiên, chuyên gia ngành xăng dầu Hoàng Văn Thuận khẳng định, việc lấy mẫu xăng từ vòi bơm của xe bồn là hoàn toàn đúng. Khi xe bồn chở xăng đến cửa hàng xăng dầu thì nhân viên cây xăng có thể lấy mẫu ngay từ vòi bơm. Bên cạnh đó, việc lấy mẫu xăng cũng có thể thực hiện từ trên nắp xe bồn múc xuống hoặc vòi bơm đang xả khoảng 50% khối lượng thì dừng đột ngột để lấy mẫu.
Theo ông Thuận, dù lấy mẫu xăng bằng cách nào thì người lấy mẫu cũng lấy trực tiếp từ trong bồn. Do đó, nếu xăng đạt chất lượng thì lấy như thế nào cũng đạt chất lượng. Nếu xăng kém chất lượng thì lấy kiểu nào cũng kém chất lượng.
Quyết định số 457/QĐ-TĐC của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) về việc ban hành lấy mẫu xăng thể hiện, đối với xăng dầu sản xuất, pha chế trong nước và xăng dầu bán lẻ, lưu thông trên thị trường thì lấy mẫu trực tiếp từ cần cấp phát (vòi bơm). Khi lấy mẫu trực tiếp từ vòi bơm thì không cần trộn mẫu như lấy mẫu trong hầm, bồn, bể...
" Khi tiến hành lấy mẫu tại cửa hàng hoặc trạm bán lẻ xăng dầu có thể lấy mẫu bằng cách bơm mẫu trực tiếp từ cần cấp phát (vòi bơm) xăng dầu vào bình chứa mẫu" , Quyết định số 457 ghi rõ.
Còn theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, đơn vị này đã tiếp nhận sự việc và đang trong quá trình thẩm tra, xác minh. Cán bộ quản lý thị trường đã đến làm việc với Công ty TIMEXCO để lấy bản giải trình sự việc cũng như xác minh các khách hàng đầu ra, xem người dân có phản ánh về chất lượng xăng hay không.
Cục Quản lý thị trường TP.HCM nhận định, có rất nhiều người đã tiêu thụ 18.000 lít xăng này. Tuy nhiên, trước mắt, lực lượng chức năng xác định có 19 khách hàng xuất hóa đơn. Dự kiến, việc xác minh khách hàng đầu ra, tiêu thụ xăng phải mất vài tháng. Lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp cùng các bên liên quan để làm rõ vụ việc này.
Ngày 13/10, Cục Quản lý thị trường TP.HCM thông tin tới VTC News rằng: " Do vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần thời gian thẩm tra, xác minh làm rõ nên Đội Quản lý thị trường số 9 đề xuất được kéo dài thời gian thẩm tra, xác minh để tiếp tục làm rõ vụ việc ".
Kết quả thử nghiệm là nguồn chứng cứ
Luật sư Hoàng Thị Thu, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Hoàng Thu nhận định, phiếu kết quả thử nghiệm xăng dầu kém chất lượng tại thời điểm phát hiện là một nguồn chứng cứ.
Theo quy định tại Điều 86 Bộ luật Tố tụng Hình sự và Điều 93 Bộ luật Tố tụng Dân sự, để một tài liệu như Phiếu kết quả thử nghiệm xăng dầu trong trường hợp này (nguồn chứng cứ) là một chứng cứ có giá trị chứng minh thì cần đáp ứng 3 đặc tính cơ bản đó là: tính khách quan (tính có thật), tính liên quan và tính hợp pháp.
Việc cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu số 4 yêu cầu bên công ty vận chuyển và công ty của mình đưa mẫu xăng đi thử nghiệm chất lượng tại các tổ chức có thẩm quyền và giả sử rằng việc lấy mẫu này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật (Theo Quyết định số 457/QĐ-TĐC ngày 06/04/2016 của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng về việc ban hành hướng dẫn lấy mẫu xăng dầu).
Kết quả thử nghiệm này có thể đã đáp ứng 2 đặc tính của chứng cứ là tính khách quan và tính hợp pháp.
Tuy nhiên, luật sư Hoàng Thị Thu cho rằng, để chứng minh được tính liên quan của nguồn chứng cứ này thì không hề đơn giản. Bởi toàn bộ lượng xăng đã được tiêu thụ ngay sau đó, không còn vật chứng để đối chứng.
Chính vì vậy, rất khó để chứng minh được mẫu xăng lần đầu được đem đi thử nghiệm chính là thuộc lô hàng xăng đã được tiêu thụ.
Khi giải quyết vụ việc tại cơ quan có thẩm quyền, cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu vẫn có thể giao nộp phiếu kết quả thử nghiệm xăng để lực lượng chức năng có thẩm quyền xem xét, đánh giá.
“ Cơ quan có thẩm quyền sẽ kết hợp cùng với các chứng cứ khác như đoạn video trích xuất từ camera ghi lại quá trình lấy mẫu và đưa mẫu đến Trung tâm thử nghiệm, quá trình tiếp nhận lô xăng dầu, lời khai của các bên liên quan… Đây cũng là vấn đề gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán xăng dầu giả, kém chất lượng trên thực tế” , luật sư Thu chia sẻ.
Luật sư Hoàng Thị Thu cũng cho rằng, trong những năm gần đây, hiện tượng buôn bán xăng dầu giả, kém chất lượng diễn ra tràn lan. Nhiều chuyên án xăng dầu giả, kém chất lượng có quy mô lớn cũng đã được Bộ Công an, công an các tỉnh thành phát hiện xử lý. Khi phát hiện hành vi buôn bán, sản xuất xăng dầu giả, kém chất lượng người dân nên thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp xử lý theo quy định.
VTC