2 điều ít ai biết về ung thư buồng trứng - "kẻ giết người thầm lặng"
Không phải tự nhiên mà ung thư buồng trứng lại được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng".
Mẹ của nữ diễn viên nổi tiếng Angelina Jolie và mẹ của James Dean có ít nhất một điểm chung - là nạn nhân của ung thư buồng trứng. Thật không may, trong hơn 40 năm, tỷ lệ tử vong vì ung thư buồng trứng đã không giảm. Đối với phụ nữ, ung thư buồng trứng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thứ 5 và được coi là "kẻ giết người thầm lặng". Nhưng phụ nữ được chẩn đoán trong giai đoạn đầu có tỉ lệ sống sót cao hơn nhiều trong 5 năm.
Không phải tự nhiên mà ung thư buồng trứng lại được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng". Lý do nó phải nhận "biệt danh khó chịu" này là vì nó có rất ít dấu hiệu nhận biết, nếu có thì các triệu chứng lại thường không phổ biến nên khó nhận ra. Ví dụ như triệu chứng "cồng kềnh" khó chịu trong bụng, kèm theo mệt mỏi, thậm chí đau lưng và cả đau bụng như thể bụng sắp nổ tung... là những biểu hiện thường gặp ở trước kì kinh nguyệt hoặc khi mang thai nhưng chúng cũng có thể là triệu chứng cảnh báo ung thư buồng trứng.
Điều đó có nghĩa là phụ nữ nên được xét nghiệm thường xuyên hơn để phát hiện bệnh. Và dưới đây là kinh nghiệm của chính những bệnh nhân sẽ tiết lộ những điều ít ai biết về căn bệnh đe dọa nhiều chị em phụ nữ này.
Ung thư buồng trứng không phải chỉ là bệnh của "phụ nữ lớn tuổi"
Maggie (35 tuổi) đã được phát hiện bị ung thư buồng trứng từ năm mới 20 tuổi. Khi đó là vào mùa hè và cô có triệu chứng đầy bụng, đau lưng. "Ban đầu, tôi bị chẩn đoán nhầm. Họ nói với tôi rằng tôi đã mang thai. Tôi đã vô cùng ngạc nhiên vì tôi vẫn là một trinh nữ", Maggie nói.
Sau khi thử nghiệm thêm, các bác sĩ phát hiện ra cô bị ung thư buồng trứng giai đoạn 3C. Ngay lập tức, cô đã được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ một khối u có kích thước bằng quả cà tím ở buồng trứng, ống dẫn trứng trái, và các hạch bạch huyết ở bụng cô.
Maggie sau đó đã trải qua thời kỳ mãn kinh và các bác sĩ cảnh báo cô sẽ không thể mang thai trong tương lai. Mặc dù vậy, cô đã bất chấp sự bất lợi của mình và vẫn làm mẹ của 2 đứa trẻ.
Siêu âm có thể không phát hiện ra ung thư buồng trứng
Kristy (41 tuổi) kể lại thời điểm phát hiện ung thư buồng trứng của mình rằng sau khi sinh, cô đã bị đau lưng nghiêm trọng. Hóa ra có một khối u nặng hơn 3kg đè lên lưng cô. Những cơn đau sau sinh khiến cô không thể chịu nổi và cô biết có điều gì đó không ổn. "Sự đau đớn trong quá trình hồi phục của tôi tăng lên. Bụng tôi rất khác so với sau những lần sinh trước. Nó cứng hơn, nhưng các bác sĩ và y tá bảo đảm với tôi rằng tôi đã ổn và cho tôi về nhà" - Kristy chia sẻ.
Một tuần sau thấy vẫn còn đau đớn, Kristy đến gặp bác sĩ của cô. Cuối cùng họ đã phát hiện ra khối u ung thư buồng trứng lớn. "Bạn phải là người lắng nghe chính cơ thể mình. Tôi đã siêu âm khi tôi mang thai và không phát hiện có gì sai, sau đó tôi đã sinh ra một bé trai khỏe mạnh. Nhưng tôi biết có điều gì đó không đúng! Nếu bạn có cảm giác đó, đừng để y tá hoặc bác sĩ nói với bạn một cách khác với cảm nhận của mình. Hãy yêu cầu họ kiểm tra cẩn thận để tìm ra câu trả lời", cô nói.
Ung thư buồng trứng là gì?
Ung thư buồng trứng bắt đầu khi các tế bào phát triển ngoài tầm kiểm soát trong buồng trứng. Buồng trứng là các tuyến sinh sản ở người phụ nữ. Các tế bào ung thư sau đó có thể lan sang các phần khác của cơ thể, từ đó phát triển thành khối u ác tính.
Nguyên nhân phát triển những khối u này chưa được biết rõ ràng nhưng bạn có thể có nguy cơ bị ung thư buồng trứng nếu rơi vào các trường hợp sau:
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh.
- Bị lạc nội mạc tử cung.
- Đã bị ung thư vú.
Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm có chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên sớm, thời kỳ mãn kinh muộn, trên 65 tuổi, và thừa cân hoặc béo phì.
Kiểm tra sàng lọc sớm ung thư buồng trứng
Các bác sĩ có thể sử dụng 3 xét nghiệm để phát hiện ung thư buồng trứng ở giai đoạn đầu:
- Xét nghiệm vùng chậu: Xét nghiệm này cần được thực hiện thường xuyên trong các cuộc hẹn phụ khoa hàng năm. Tuy nhiên, phụ nữ có nguy cơ ung thư buồng trứng có thể yêu cầu bác sĩ của họ đặc biệt chú ý đến kích thước, hình dạng và vị trí của tử cung cũng như buồng trứng.
- Siêu âm qua âm đạo: Xét nghiệm này tạo ra hình ảnh tử cung, ống dẫn trứng và bàng quang. Các bác sĩ có thể kiểm tra các hình ảnh kỹ thuật số cho những bất thường tiềm ẩn.
- Xét nghiệm CA-125: Xét nghiệm này đo lường mức độ kháng nguyên ung thư 125 trong máu. CA-125 là một loại protein được tìm thấy khi các khối u có trong cơ thể. Mức CA-125 cao có thể biểu hiện ung thư, mặc dù các bác sĩ sử dụng các xét nghiệm theo dõi khác để xác nhận kết quả. Tuy nhiên, xét nghiệm này cũng có thể cho kết quả dương tính giả.
Liệu có cách nào sàng lọc sớm ung thư buồng trứng?
Cho đến nay, các xét nghiệm sàng lọc thường xuyên cho ung thư buồng trứng không được khuyến cáo. Điều này là do các thử nghiệm hiện tại gây ra quá nhiều kết quả sai. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2011 của nhóm các nhà nghiên cứu Saundra S. Buys, Edward Partridge, Amanda Black, đăng trên trang Jama cho thấy rằng phụ nữ trong độ tuổi từ 55 - 74 được xét nghiệm tiên tiến có tỉ lệ tử vong cao hơn những người được chăm sóc thường xuyên. Ngoài ra, những phụ nữ không được kiểm tra ung thư buồng trứng có ít ca phẫu thuật hơn và ít gặp vấn đề hơn.
Tuy nhiên, tổ chức U.S. Preventative Services Task Force khuyên rằng phụ nữ có tiền sử gia đình bị ung thư vú, buồng trứng, ống dẫn trứng hoặc ung thư màng bụng nên tiến hành xét nghiệm đột biến gen BRCA để xác định nguy cơ mắc bệnh của mình.
Những điều cần làm để giảm nguy cơ bị ung thư buồng trứng
Như việc phòng ngừa hầu hết các bệnh ung thư khác, có lối sống lành mạnh là cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh. Ăn một chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục đều đặn, tránh hút thuốc và thực hiện các bước để kiểm soát căng thẳng và cân nặng có thể giúp bạn tránh bị ung thư.
Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh hoặc bạn cảm thấy có nguy cơ vì các lý do khác, bạn nên theo dõi các dấu hiệu tiềm ẩn.
Những dấu hiệu này bao gồm:
- Có áp lực hoặc đau ở vùng bụng, xương chậu, lưng hoặc chân.
- Có cảm giác mệt mỏi liên tục.
- Khó thở.
- Chảy máu âm đạo bất thường (kinh nguyệt ra nhiều hoặc chảy máu sau mãn kinh).
- Bụng to lên hoặc hay bị "cồng kềnh" trong bụng.
- Đi tiểu thường xuyên hơn bình thường.
Nếu gặp các triệu chứng này cùng một lúc, kéo dài hơn một hoặc hai tuần, bạn nên hẹn gặp bác sĩ.
Helino