MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021

2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021.

Trong "Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021: Đổi mới để thích ứng", Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã dự báo 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98% theo Kịch bản 1, và 6,46% trong Kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,23% trong Kịch bản 1 và tăng 5,06% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,49 tỷ USD và 7,24 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2021 lần lượt đạt 3,51% và 3,78%.

2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 - Ảnh 1.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021

Theo Viện trưởng CIEM TS. Trần Thị Hồng Minh dự báo này được đưa ra dựa trên ba điểm. Thứ nhất, đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, đúng thời điểm đang hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nên kịp cho việc điều chỉnh những đánh giá, yêu cầu và giải pháp cho giai đoạn chiến lược tới.

Thứ hai, diễn biến phức tạp và kéo dài của đại dịch COVID-19 buộc phải nhìn nhận các yêu cầu cải cách đủ sâu rộng trong thời gian tới, thay vì tư duy "chờ qua dịch rồi mọi thứ sẽ bình thường trở lại". Cuối cùng, nhiều yêu cầu cải cách nhận hậu COVID-19 thực ra không mới; đại dịch COVID-19 ít nhiều giúp đẩy nhanh các cải cách này. Nổi bật và rõ nét nhất là chuyển đổi số, khi những chuyển biến trong năm 2020 được cho là nhiều hơn cả các năm trước cộng lại…

Báo cáo cũng chỉ ra diễn biến kinh tế Việt Nam trong năm 2021 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: Kinh tế thế giới còn bất định, rủi ro; dịch COVID-19 và các biến thể diễn biến phức tạp, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng tiếp theo; Nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối ở cấp độ toàn cầu, có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu; dù kỳ vọng nhiều vào tác động tích cực của EVFTA, Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ…

Trước đó vào cuối tháng 12/2020, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các chỉ tiêu cho năm 2021, trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6%, đã được cân đối, tính toán trên nhiều yếu tố. Tình hình có nhiều thách thức, song Chính phủ quyết tâm điều hành để nâng tăng trưởng GDP thêm 0,5 điểm phần trăm trong năm 2021 (lên 6,5%).

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành công thương vào sáng 7/1, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% thì cần Tiếp tục phát huy "cỗ xe tam mã" gồm xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư trong năm 2021.

Theo Thùy An

VTV.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên