MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2 lý do khiến ung thư gan thường phát hiện muộn và dấu hiệu cảnh báo sớm

21-10-2023 - 20:20 PM | Sống

2 lý do khiến ung thư gan thường phát hiện muộn và dấu hiệu cảnh báo sớm

Theo số liệu của GLOBOCAN 2020, ung thư gan đứng thứ 5 về tỷ lệ mắc và thứ 3 về nguyên nhân tử vong do các bệnh ung thư hàng năm.

Tại Việt Nam, ung thư gan là căn bệnh đứng đầu về cả tỷ lệ mắc mới và tử vong. Ung thư gan tại Việt Nam có tỷ lệ mắc cao do có liên quan tới viêm gan virus. Bệnh nhân mắc ung thư gan thường phát hiện ở giai đoạn muộn nên tỷ lệ tử vong do căn bệnh này thường cao.

Theo BSCKII Phạm Thị Quế, Khoa Nội 4 (Bệnh viện K), nguyên nhân của bệnh có liên quan tới virus viêm gan B. Ung thư gan thường xuất hiện trên nền gan xơ khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn và tiên lượng của bệnh nhân ung thư gan xấu.

Hiện nay, ung thư gan thường được phát hiện muộn, thường có liên quan tới 2 lý do: Bệnh nhân mắc bệnh không có triệu chứng ở giai đoạn sớm; Giám sát không đầy đủ ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.

Bác sĩ Quế cho rằng chính 2 lý do trên khiến cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Điều này gây nên gánh nặng bệnh tật và chi phí y tế.

Ung thư gan có đặc điểm lâm sàng khác nhau ở từng bệnh nhân. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không có triệu chứng liên quan đến khối u, đặc biệt những người phát hiện ung thư gan ở giai đoạn đầu. Do vậy, việc tầm soát ở đối tượng nguy cơ cao là rất quan trọng để phát hiện bệnh sớm.

2 lý do khiến ung thư gan thường phát hiện muộn: Dấu hiệu báo bệnh sớm - Ảnh 1.

Ung thư gan (ảnh ST).

Ung thư gan ở giai đoạn tiến triển có thể xuất hiện những triệu chứng như: sụt cân, đau bụng, vàng da, sờ thấy u bụng….

Bệnh ở giai đoạn muộn trên nền xơ gan mất bù có thể gặp tình trạng cổ chướng, nôn ra máu…

Bác sĩ Quế cho hay, hiện nay y học phát triển nên việc chẩn đoán ung thư gan cũng có nhiều tiến bộ, tạo cơ hội để phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm.

Điều trị ung thư gan

Điều trị ung thư gan là đa mô thức phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh gan đi kèm.

Bệnh ở giai đoạn sớm có thể ghép gan, phẫu thuật cắt thùy gan, điều trị tại chỗ như nút mạch hóa chất, vi sóng, tiêm cồn….

Ở giai đoạn tiến triển, khi bệnh đã lan ra ngoài gan (xâm lấn mạch máu, di căn xa) hoặc không phù hợp với điều trị tại chỗ, bệnh nhân sẽ được thực hiện phương pháp điều trị toàn thân. Liệu pháp nhắm mục tiêu phân tử (điều trị đích) sẽ được chỉ định điều trị cho bệnh ở giai đoạn này.

Ngoài ra, ung thư gan cũng có thể điều trị bằng liệu pháp miễn dịch

Bác sĩ Quế cho biết, liệu pháp miễn dịch được thực hiện thông qua việc kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư, liệu pháp miễn dịch đang trở thành một lựa chọn quan trọng trong điều trị ung thư gan.

Các liệu pháp miễn dịch có thể được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân ung thư gan giai đoạn muộn mà chưa được điều trị toàn thân trước đó hoặc đã điều trị với liệu pháp đích.

Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sống thêm cho 50% bệnh nhân ung thư gan giai đoạn muộn với nhóm bệnh nhân châu Á có thể lên tới 2 năm. Bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch thường trải qua ít tác dụng phụ hơn so với các phương pháp truyền thống như hóa trị hoặc điều trị đích và giúp bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Liệu pháp miễn dịch không chỉ hiệu quả trong điều trị ung thư gan mà còn trong nhiều loại ung thư khác như ung thư phổi, ung thư vú, và ung thư đại trực tràng…. Điều này đã làm nổi bật sự quan trọng của phương pháp điều trị này trong lĩnh vực y học.

Theo bác sĩ Quế, qua các nghiên cứu và thực hành lâm sàng tại bệnh viện K, liệu pháp miễn dịch đã gia tăng thời gian sống thêm cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư gan. Tuy nhiên, chi phí điều trị vẫn còn khá lớn so với thu nhập của người Việt Nam, vì vậy còn khá nhiều bệnh nhân chưa tiếp cận được với liệu pháp này.

Phòng ngừa ung thư gan

Theo các chuyên gia để phòng ngừa ung thư gan, cách tốt nhất là tiêm phòng vắc xin viêm gan B; tránh xa những chất độc hại, tiềm ẩn gây ung thư như thực phẩm bị ẩm mốc, nhiễm độc; hạn chế uống rượu bia, sử dụng thuốc lá, chất kích thích…

Kiểm tra khám định kì sức khỏe 6 tháng/lần, tích cực vận động thể chất, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ nướng, bổ sung chất xơ trong trái cây, rau xanh…

Theo Ngọc Minh

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên