2 năm trước vẫn là kẻ vô danh, bằng cách này hai hãng điện thoại nội địa đã đánh bật Apple trên thị trường Trung Quốc
Từng làm mưa làm gió trên khắp thế giới nhưng điện thoại iPhone lừng danh của Apple lại thất bại ở Trung Quốc trước những thương hiệu “vô danh” nhưng có cách bán hàng hết sức linh hoạt và mức chiết khấu cao.
- 23-11-2016Trụ sở Samsung ở Hàn Quốc đột ngột bị thanh tra
- 22-11-2016Công nhân, nông dân bán rau, hoa quả, chủ nhà trọ quanh nhà máy Samsung Bắc Ninh khốn khổ vì sự cố Note 7 phát nổ
- 21-11-2016Tiết kiệm đến 3 triệu đồng khi "lên đời" smartphone Samsung tại FPT Shop
- 05-11-2016Samsung thu hồi 2,8 triệu máy giặt có nguy cơ nổ
- 01-11-2016Bằng chiến lược khôn ngoan, OPPO Việt Nam đang khoét sâu vào thị trường smartphone của Samsung và cho thấy mình "không phải dạng vừa đâu"
Muôn vàn phương án lấy nông thôn bao vây thành thị
Hai năm trước, điện thoại Oppo và Vivo còn không nằm trong danh sách 5 thương hiệu điện thoại lớn nhất ở Trung Quốc và càng chẳng có danh tiếng trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, sự bứt phá ngoạn mục của chúng ở Trung Quốc đã đánh bại cả Apple hay Samsung - những thương hiệu điện thoại nổi tiếng thế giới. Góp công lớn vào thành công đó là những người như Cheng Xiaoning.
Cheng có một cửa hàng điện tử lớn ở thị trấn nông thôn Miaoxia của Trung Quốc. Cheng tiếp cận khách hàng thông qua việc khai thác mạng xã hội Wechat và phương pháp đó rất thành công. Phân phối chủ yếu các sản phẩm của Oppo và Vivo, Cheng nỗ lực như chính một đại sứ thương hiệu của họ. Khoản hoa hồng lớn từ những chiếc điện thoại thương hiệu Trung Quốc chính là động lực.
Các hãng điện thoại Trung Quốc cạnh tranh mạnh mẽ với Apple trên sân nhà. Ảnh: Getty
Cheng và hàng chục nghìn hộ kinh doanh khác đang trở thành các đại sứ tình nguyện của các thương hiệu điện thoại Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại sự chiếm lĩnh của Apple và Samsung. Họ chọn khu vực thị trường chính là những khu vực xa xôi ở Trung Quốc, nơi Apple và Samsung không coi trọng. Đã từ lâu, các thương hiệu Trung Quốc rất thành công với chính sách lấy nông thôn bao vây thành thị.
Việc lựa chọn vùng nông thôn xa cách các đô thị lớn như Thượng Hải hay Bắc Kinh mang lại nhiều hiệu quả. Đây là nơi người dùng khó tiếp cận sản phẩm của Apple vì giá cao. Họ cũng là những người nói không với thương mại điện tử, phương thức thanh toán 75% số điện thoại thông minh trên toàn thế giới. Không giống như những nơi khác, sức mạnh thương hiệu không thể giúp Apple chiến thắng ở những thị trường này.
“Oppo và Vivo sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận với người bán tại các địa phương. Phần thưởng của việc đó là mạng lưới phân phối trên toàn quốc với những người tích cực và trung thành. Thậm chí, họ còn trở thành những người tiếp thị mẫn cán vì cùng chung lợi ích”, Jin Di, một nhà phân tích tại Bắc Kinh, nhận định.
Quá khứ lẫy lừng, tương lai chật vật của Apple
Trong nhiều năm, Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, có nhiều đóng góp cho tăng trưởng của Apple và Samsung. Công ty của Mỹ thu được 59 tỷ USD doanh thu từ Trung Quốc trong năm tài khóa 2015, cao gấp đôi so với 2 năm trước đó. Trong thời gian này, cổ phiếu của hãng tăng 60% và trong lúc cao điểm, Trung Quốc đóng góp tới 30% doanh thu của Apple.
Ở thời điểm iPhone gặp khó khăn tại thị trường Mỹ, CEO Apple Tim Cook đã coi Trung Quốc là cứu cánh đồng thời khẳng định sẽ tăng cường đầu tư tới khu vực này trong tương lai. Tuy nhiên, những dự tính của Apple đang gặp thách thức lớn. Khi nhà chức trách Trung Quốc can thiệp, ngăn chặn iTunes Movies và iBooks cũng là thời điểm báo hiệu cho giai đoạn khó khăn của Apple.
Doanh số iPhone sụt giảm nghiêm trọng trong vòng 2 năm qua. Ảnh: Bloomberg
Cùng lúc này, lựa chọn chi phí thấp, chất lượng tạm ổn trở thành xu thế của một bộ phận người dân Trung Quốc. Đó cũng là lúc Oppo và Vivo trỗi dậy. Không chỉ chiếm lĩnh phân khúc giá rẻ, điện thoại thương hiệu Trung Quốc cũng đang nỗ lực lấn át trên các thị trường điện thoại thông minh cao cấp, vốn thuộc về những ông lớn như Apple.
Cùng với những chiếc Xiaomi, Oppo và Vivo là 3 dòng điện thoại bán chạy nhất ở Trung Quốc trong 3 quý đầu năm qua. Trong khi đó, iPhone 7, mẫu điện thoại mới nhất của Apple, đang bị bỏ rơi. Người mua điện thoại iPhone đang ở mức thấp nhất trong 3 năm qua dù mẫu điện thoại này vẫn là hàng hot trên khắp thế giới.
Tính riêng quý 3/2016, Oppo và Vivo đã giao 40 triệu chiếc điện thoại thông minh, chiếm 34% tổng số điện thoại được bán tại Trung Quốc. Đây thực sự là kỳ tích nếu so với cả năm 2012, Oppo và Vivo chỉ chiếm 2,5% thị phần. Cũng trong thời điểm này, iPhone giảm 1/3 số máy bán ra, tụt xuống 8,2 triệu chiếc, chưa bằng một nửa số máy Vivo bán được. Samsung, từ hãng điện thoại tiên phong, giờ đã tụt xuống rất thấp với số máy bán ra chỉ chiếm 5% thị phần.
Trong khi đó, Apple cũng thất bại với các mẫu iPhone 5C cũng như iPhone SE. Người Trung Quốc chọn cách tránh xa những mẫu thiết bị mang tiếng thua kém dù cấu hình của chúng tương đối cao và giá thành rẻ. Apple cũng không xây dựng được những cộng đồng người dùng như các đối thủ địa phương làm được.
Cạnh tranh về giá cũng khiến tập đoàn Mỹ gặp nhiều thách thức tại Trung Quốc. Cấu hình cao, thiết kế đẹp nhưng Oppo và Vivo bán những chiếc điện thoại thấp hơn rất nhiều so với các ông lớn. Tại Trung Quốc, iPhone 7 có giá 784 USD, đắt gấp đôi so với những chiếc điện thoại cấu hình cao nhất của đối thủ. Với những tín đồ của táo khuyết, những chiếc điện thoại không thương hiệu sẽ chẳng có gì để so sánh. Tuy nhiên, với nhiều người khác, Oppo và Vivo là lựa chọn xứng đáng vì hiệu năng chúng mang lại.
Ngoài ra, các hãng điện thoại Trung Quốc có tới hàng chục nghìn cửa hàng trên khắp cả nước trong khi Apple chỉ có 40 cửa hàng ở quốc gia hơn 1 tỷ dân, hầu hết là ở các thành phố lớn. Mạng lưới bán lẻ của các hãng điện thoại Trung Quốc tạo ra sự khác biệt lớn khi tiếp cận tới từng người mua kèm với đó là những lời giới thiệu khó cưỡng. Hỗ trợ sau bán hàng cũng được các thương hiệu điện thoại Trung Quốc chú trọng.