MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2 ông lớn trong ngành tài chính Mỹ đổ bộ vào Trung Quốc

06-09-2020 - 12:30 PM | Tài chính quốc tế

Bất chấp căng thẳng chính trị giữa hai nước đang gia tăng, các đại gia tài chính của Mỹ vẫn đang tiến sâu hơn vào thị trường Trung Quốc.

Vào hôm thứ Tư vừa qua, Citi thông báo rằng họ đã nhận được giấy phép lưu ký quỹ trong nước từ Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc để trở thành ngân hàng đầu tiên của Mỹ và là ngân hàng đầu tiên trong số 5 công ty giám sát toàn cầu hàng đầu được như vậy.

Giấy phép đó sẽ cho phép Citi nắm giữ chứng khoán và bán các dịch vụ lưu ký liên quan cho những quỹ tương hỗ và quỹ tư nhân có trụ sở tại Trung Quốc nếu Citi vượt qua được đợt kiểm tra của cơ quan quản lý vào cuối năm nay, theo thông cáo báo chí từ ngân hàng này cho biết.

"Chúng tôi đã đầu tư đáng kể vào các hoạt động chứng khoán tại Thượng Hải và có kế hoạch tiếp tục nâng cao năng lực ở đây để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng tại Trung Quốc, chẳng hạn như quản lý quỹ và các dịch vụ thuê ngoài khác", David Russell, người phụ trách các dịch vụ chứng khoán khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Citi, cho biết trong bản thông cáo báo chí.

Trong hai năm qua, chính phủ Trung Quốc đã tăng tốc nỗ lực cho phép nước ngoài tiếp cận nhiều hơn với thị trường tài chính trước giờ vẫn đóng cửa của mình. Việc nới lỏng các hạn chế về quyền sở hữu và cấp giấy phép kinh doanh cho những tổ chức tài chính của Mỹ cũng là một phần trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc.

Sự chấp thuận về mặt quản lý của Trung Quốc dành cho Citi diễn ra sau những động thái tương tự đối với các tổ chức tài chính nước ngoài khác lâu nay muốn mở rộng hoạt động của họ tại thị trường đông dân nhất thế giới này.

Theo trang web của cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc, vào ngày 21/08, gã khổng lồ trong lĩnh vực quản lý tài sản toàn cầu BlackRock có trụ sở tại New York đã nhận được sự chấp thuận để thành lập một doanh nghiệp quản lý tài sản thuộc sở hữu hoàn toàn ở quốc gia này. Tập đoàn này có sáu tháng để thành lập công ty, với vốn đăng ký là 300 triệu nhân dân tệ (43,9 triệu USD), hồ sơ cho biết.

Trước đó vào ngày 13/06, liên doanh của American Express với LianLian DigiTech ở Trung Quốc đã nhận được sự chấp thuận của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc để thực hiện những giao dịch thẻ ngân hàng địa phương, theo một thông báo trên trang web của ngân hàng trung ương này cho biết.

Vanguard – một tên tuổi lớn trong lĩnh vực quỹ tương hỗ của Mỹ - cũng đang có kế hoạch đóng cửa các hoạt động tại Hồng Kông và Nhật Bản để chuyển trụ sở chính ở châu Á của mình đến Thượng Hải trong vòng sáu tháng đến hai năm tới.

Trong một email với CNBC vào hôm thứ Tư, Vanguard cho rằng thị trường chứng khoán Hồng Kông sẽ vẫn quan trọng đối với các quỹ đầu tư của họ, nhưng để tập trung vào các nhà đầu tư cá nhân, họ đã quyết định ngừng hoạt động ở Hồng Kông vì nơi đây họ chủ yếu làm việc với các khách hàng là những tổ chức.

Cũng có những dấu hiệu cho thấy ngân hàng đầu tư Mỹ J.P. Morgan có thể tiến gần hơn đến việc mua lại đối tác liên doanh quản lý quỹ hiện tại của mình là China International Fund Management, với mức giá 70 tỷ nhân dân tệ (1 tỷ USD) được công khai vào ngày 25/08 , theo một bài đăng trên trang web của Shanghai United Assets và Equity Exchange.

Trong khi các doanh nghiệp bị thu hút bởi một thị trường tài chính lớn nhìn chung còn trong giai đoạn phát triển ban đầu, các nhà phê bình cho rằng Bắc Kinh vẫn đóng cửa những ngành chủ chốt như ngân hàng và thanh toán cho đến khi các doanh nghiệp địa phương (thường thuộc sở hữu nhà nước) trở thành những gã khổng lồ đủ sức thống trị.

Bốn ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc vẫn là ngân hàng lớn nhất trên thế giới, theo xếp hạng hàng năm từ The Banker. Còn hai gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc là Alibaba và Tencent đang vận hành hai hệ thống thanh toán di động chính tại một quốc gia có việc thanh toán bằng điện thoại thông minh rất phổ biến.

"Thông báo của Citi là một bước phát triển tiếp theo của việc thay đổi quy tắc cấp phép lưu ký quỹ đã xảy ra khoảng một tháng trước. Việc mở cửa lĩnh vực tài chính của Trung Quốc là một bước đi nữa, điều này có nghĩa là sẽ có nhiều cơ hội hơn cho các tổ chức tài chính nước ngoài trong tương lai", Tianjun Wu, chuyên gia kinh tế tại The Economist Intelligence Unit, cho biết trong một email.

"Những thách thức phía trước sẽ là hệ thống tư pháp. Hệ thống tư pháp ở đại lục có thể hỗ trợ một thị trường tài chính sôi động và các giao dịch suôn sẻ hay không thì vẫn còn phải chờ xem. Nếu điều đó không xảy ra thì việc mở cửa sẽ chỉ đưa Trung Quốc trở thành một thị trường mới nổi quan trọng hơn là tạo ra một trung tâm tài chính", Wu nói.

Lê Thanh Hải

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên