2 ông lớn Trung Quốc Li Ning và Anta nhòm ngó thương hiệu Reebok của Adidas
Anta Sports và Li Ning được cho là sẽ tham gia đấu giá mua lại thương hiệu Reebok vào tuần tới.
- 07-05-2021Dân Trung Quốc ngoài mặt hô hào tẩy chay nhưng lại âm thầm mua, doanh số Adidas tăng 150%
- 05-04-2021Huawei tham gia cuộc chiến với Nike, Adidas?
- 01-04-2021Làn sóng tẩy chay H&M, Adidas tại Trung Quốc khó kéo dài?
2 hãng sản xuất đồ thể thao Trung Quốc là Anta Sports và Li Ning được cho sẽ tham gia đấu giá thương hiệu Reebok của Adidas, theo nguồn tin từ Reuters.
Ông lớn ngành dụng cụ thể thao nước Đức thâu tóm Reebok với giá 3,8 tỷ USD vào năm 2006 trong một phần nỗ lực nhằm đánh bại đối thủ từ Mỹ là Nike. Tuy nhiên, thương hiệu có trụ sở tại Boston đã liên tục công bố những kết quả kinh doanh nghèo nàn, khiến nhà đầu tư thất vọng. Reebok chỉ đóng góp khoảng 7,8% doanh số ròng cho Adidas trong năm ngoái. Doanh số ròng của Reebok trong năm 2020 giảm 16% so với năm trước, còn 1,7 triệu USD. Thương hiệu này hiện được định giá khoảng 1,2 tỷ USD.
CEO Adidas Kasper Rorsted được cho là sẽ tìm cách khôi phục thương hiệu này sau khi nhậm chức vào năm 2016. Tuy nhiên, đến tháng 2/2021, công ty này quyết định bán Reebok. Thương hiệu này được cho là đã dừng hoạt động vào quý I/2021. Adidas sẽ nhận các hồ sơ đấu giá đầu tiên vào tuần tới, theo Reuters. Một số đối tác tiềm năng muốn mua lại thương hiệu này bao gồm Fila của Hàn Quốc, Wolverine của Mỹ, công ty đầu tư tài chính TPG và Apollo.
Adidas và Anta Sports từ chối bình luận về sự việc. Li Ning và các đơn vị còn lại trong danh sách không hồi đáp câu hỏi của Forbes. Vụ đấu giá diễn ra trong bối cảnh hàng loạt thương hiệu quốc tế gặp vấn đề lớn tại thị trường Trung Quốc.
Adidas là một trong số những thương hiệu đa quốc gia nhận làn sóng tẩy chay lớn nhất của người dùng Trung Quốc liên quan đến vấn đề về bông ở Tân Cương. Doanh số của sản phẩm Adidas trên nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc Tmall giảm 78% trong tháng 4 so với một năm trước đó, theo Bloomberg.
Trong khi đó, các thương hiệu nội địa như Anta Sports và Li Ning được hưởng lợi lớn. Cổ phiếu của 2 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong này tăng vọt lần lượt 29 và 51% kể từ khi vụ việc bùng nổ vào tháng 3.
Tham khảo nguồn: Forbes