MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2 quý liền báo lỗ tổng cộng 35 tỷ USD, Masayoshi Son sẽ lùi về hậu trường, không chủ trì họp báo cáo quý nữa

08-11-2022 - 14:16 PM | Tài chính quốc tế

2 quý liền báo lỗ tổng cộng 35 tỷ USD, Masayoshi Son sẽ lùi về hậu trường, không chủ trì họp báo cáo quý nữa

Mọi người sẽ không còn thấy sự xuất hiện của những bài thuyết trình đầy cuốn hút của Masayoshi Son nữa.

Tờ WSJ đưa tin, Masayoshi Son – ông chủ Softbank nổi tiếng luôn chủ trì những cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý bằng những bài thuyết trình hoành tráng. Một lần, bài thuyết trình của ông xuất hiện một chú ngỗng đẻ ra những quả trứng vàng trị giá hàng tỷ USD và một đàn kỳ lân bay cùng với biểu đồ tăng trưởng của lĩnh vực trí thông minh nhân tạo.

Tuy nhiên, điều tương tự như vậy dường như sẽ không còn xảy ra nữa.

Son đang lên kế hoạch lùi vào hậu trường khi nhà đầu tư công nghệ khổng lồ này tổ chức cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh vào ngày thứ 6 tới đây. Có vẻ như, Son sẽ chào mừng người tham dự với một bài nhận xét ngắn trước khi trao nhiệm vụ chủ trì cho CFO (Giám đốc tài chính) của công ty. Dự kiến những bài thuyết trình của CFO sẽ an toàn hơn bài thuyết trình của Son.

Thay đổi kể trên đến vào thời điểm Softbank – nhà đầu tư startup hoạt động mạnh nhất trên thế giới những năm gần đây đang trong giai đoạn khó khăn. Lĩnh vực công nghệ tiếp tục lao dốc, đặc biệt là tại Trung Quốc – nơi tập trung nhiều khoản đầu tư của công ty.

Softbank báo cáo thua lỗ 35 tỷ USD trong nửa đầu năm, biến đây trở thành lần đầu tiên công ty chứng kiến 2 quý liên tiếp thua lỗ trong 17 năm. Đáng nói là dự kiến thua lỗ sẽ tiếp tục diễn ra mặc dù con số có thể ít hơn trong báo cáo của Softbank vào thứ 6 này.

Phần lớn thua lỗ gần đây nằm ở mảng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, quỹ Vision Fund. Mảng này đã báo cáo thua lỗ 19,9 tỷ USD trong quý vừa qua, giữa bối cảnh giá trị nhiều công ty mà Softbank đầu tư như Grab và công ty BĐS Compass giảm mạnh.

Các cổ phiếu giao dịch công khai mà Vision Fund nắm giữ giảm gần 2,5 tỷ USD trong 3 tháng kết thúc vào tháng 9. Mức thua lỗ này chủ yếu bởi sự sụt giảm cổ phiếu của những công ty gồm WeWork, SenseTime.

Gần đây, SoftBank cũng cung cấp rất ít về kế hoạch của mình cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Thay vào đó, Son cho biết công ty đang ở chế độ phòng thủ, tập trung vào việc huy động tiền mặt.

Trong bài thuyết trình vào tháng 8, Son đã trình bày ảnh của một chiến binh Samurai sau khi thua trận. “Tôi khá xấu hổ và hối hận”, ông nói.

Các cổ đông dường như đang hài lòng với quyết định gần đây của công ty khi tránh xa những khoản đầu tư vào những tài sản rủi ro và mua lại cổ phiếu. Sau khi giảm 50% trong giai đoạn tháng 3/2021 tới tháng 12, cổ phiếu Softbank đã tăng 21% trong năm nay, tăng mạnh nhất trong tháng qua.

“Có thể thấy rõ sự dịch chuyển trong chiến lược rủi ro cao”, theo Paul Golding – chuyên gia phân tích tại Macquarie Capital. Sự dịch chuyển này “được chấp nhận trên thị trường”.

Tiền dùng để mua lại cổ phiếu tới từ quyết định của Softbank khi “hái quả” từ một trong những quả trứng vàng khủng nhất của họ: Cổ phần tại Alibaba. Softbank đã đầu tư vào công ty này khi mới thành lập và sau đó gặt hái được hàng chục tỷ USD.

Hầu hết sự tập trung của Son gần đây là vào chi nhánh Arm – công ty chip có trụ sở tai Anh mà Softbank mua lại với giá 32 tỷ USD vào năm 2016.

Sau nhiều năm doanh thu chững lại, doanh số Arm đã tăng thời gian gần đây khi Softbank nỗ lực sắp xếp lại công ty và có dự định niêm yết lại vào năm 2023.

Son đã xây dựng Softbank từ năm 1981 thành công ty giá trị nhất Nhật Bản và một trong những nhà đầu tư công nghệ lớn nhất trên thế giới. Ông là một doanh nhân nổi tiếng tại Nhật Bản – nơi các vị CEO thường rất kín tiếng.

Cứ mỗi 3 tháng, các phóng viên lại tới phòng họp trong khoảng 1 – 2 giờ để gặp Son. Với bóng đèn flash nhấp nháy, Son thuyết trình một slide dài nhấn mạnh những điểm nổi bật trong quý và những kế hoạch nâng cấp để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh. Tất cả được thể hiện qua các biểu đồ phóng to, mũi tên lớn…

Ví dụ như vào năm 2017, một slide với hình một con ngỗng mô tả: "SoftBank = Ngỗng đẻ trứng vàng". Những quả trứng vàng bên cạnh con ngỗng được dán nhãn là trị giá hơn 100 tỷ USD.

Giai đoạn đầu đại dịch, Son đã trình bày một loạt các slide trong đó những con ngựa trắng chạy xuống một con mương có nhãn "Thung lũng của coronavirus" trong khi một con kỳ lân bay vút qua, biểu thị cách một số công ty khởi nghiệp được gọi là kỳ lân sẽ nổi lên mạnh mẽ hơn sau cuộc khủng hoảng.

Trong một lần khác, sau khi định giá của WeWork giảm mạnh vào năm 2019, Son đã sử dụng hình một vùng biển động có nội dung "vấn đề của WeWork" và "lợi nhuận giảm đáng kể". Bài thuyết trình kết thúc bằng một slide cho thấy vùng biển lặng.

Năm ngoái, Son đã chọn nền slide là ảnh ngoài không gian khi nhắc về Arm, trong đó có một slide nói rằng nó sẽ "cung cấp năng lượng cho mọi cuộc cách mạng" trong công nghệ, bao gồm cả ô tô và vũ trụ ảo. Trong bài thuyết trình tháng 8 của mình, đi sâu vào một cuộc thảo luận về những khoản lỗ của Softbank, Son không còn nhắc nhiều về Arm. "Mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói chắc chắn về Arm ngày hôm nay".

Nguồn: WSJ

Theo Phương Linh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên