2 triệu tỷ đầu tư công đang được sử dụng thế nào?
Sau năm 2020, nếu các bộ, ngành và địa phương thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư công sẽ không còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản...
- 02-10-2017Tổ chức giải trình, làm rõ trách nhiệm trong đầu tư công
- 05-09-2017Kho bạc Nhà nước gửi tới 160.000 tỷ đồng ở ngân hàng vì giải ngân vốn đầu tư công chậm
- 23-08-2017Bộ trưởng nêu 8 điểm vướng trong Luật Đầu tư công
Ngân sách Trung ương đã dành một khoản vốn thích đáng để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước, trong đó thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản là 9.058,719 tỷ đồng, thu hồi số vốn ứng trước là 50.495,849 tỷ đồng.
Đây là thông tin được nêu tại báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên giải trình do Uỷ ban Kinh tế và Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức chiều 2/10.
Tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là chủ đề của phiên giải trình này.
Tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nguồn ngân sách nhà nước được Quốc hội thông qua là 2 triệu tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách Trung ương là 1.120 nghìn tỷ đồng. Gồm, vốn trong nước 820 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả vốn trái phiếu chính phủ là 260 nghìn tỷ đồng và tiền bán vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp là 250 nghìn tỷ đồng). Vốn nước ngoài 300 nghìn tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ giao là 1.605.975,095 tỷ đồng, bằng 89,2% tổng mức kế hoạch được Quốc hội quyết định (không bao gồm 200 nghìn tỷ đồng dự phòng chung).
Số vốn còn lại chưa giao 194.009,225 tỷ đồng, bằng 10,7% tổng mức kế hoạch được Quốc hội quyết định (không bao gồm 200 nghìn tỷ đồng dự phòng chung). Trong đó, 181.967,747 tỷ đồng khi phân bổ tiếp phải trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện. Như các dự án quan trọng quốc gia: đường cao tốc Bắc Nam, dự án chống ngập Tp.HCM, phần vốn bổ sung cho chương trình biển Đông - Hải đảo, phần vốn bổ sung vốn điều lệ và cấp bù lãi suất tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, đầu tư tuyến đường ven biển từ Hải Phòng đến Nghệ An theo hình thức PPP, tiền thu từ bán đất và tài sản trên đất của các bộ, ngành trung ương...
Còn lại 12.041,478 tỷ đồng của các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, được Chính phủ cho phép hoàn thiện đến ngày 30/9/2017, sau thời gian này, toàn bộ số vốn chưa đủ thủ tục đầu tư thu hồi về dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Số vốn phải thu hồi về dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 do bố trí không đúng quy định là 15,68 tỷ đồng - Bộ trưởng Dũng cho biết.
Đánh giá kết quả đạt được, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh đây là lần đầu tiên có thể tổng hợp được bức tranh toàn cảnh về đầu tư công và cân đối ngân sách nhà nước trong 5 năm.
Kết quả tiếp theo được Bộ trưởng nhìn nhận là đã đổi mới căn bản phương thức phân bổ kế hoạch đầu tư công. Theo đó, việc phân bổ kế hoạch vốn trung hạn bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất, tăng cường phân cấp, tăng quyền chủ động, tự chủ của các cấp, các ngành, phù hợp với các mục tiêu, định hướng phát triển của ngành mình, cấp mình trong tổng thể Chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Việc bố trí vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 đã rất tập trung, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải trước đây và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương - Bộ trưởng nói.
Báo cáo của Bộ cũng cho biết đã giải quyết dứt điểm số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương đến ngày 31/12/2014 và thu hồi cơ bản số vốn ứng trước kế hoạch. Sau năm 2020, nếu các bộ, ngành và địa phương thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư công sẽ không còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Nhìn nhận hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu, trong quá trình chuẩn bị kế hoạch đầu tư trung hạn, việc chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư còn chưa được nghiêm túc. Nhiều đơn vị vẫn tiếp tục dự kiến kế hoạch quá nhiều dự án, dẫn tới phân bổ chi tiết kế hoạch vốn bị phân tán, dàn trải, làm giảm hiệu quả thực thi pháp luật cũng như giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Vneconomy