MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'20/11 đi phong bì không'? - câu hỏi gây ám ảnh và chuyện 'để yên cho thầy cô thiện lành'

16-11-2022 - 20:25 PM | Sống

'20/11 đi phong bì không'? - câu hỏi gây ám ảnh và chuyện 'để yên cho thầy cô thiện lành'

Vấn đề quà cáp vốn tế nhị, càng bàn thì càng ít nhiều gây tổn thương đến lòng tự trọng của thầy cô - những người vốn được xã hội quý trọng và kỳ vọng...

Trước Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, nhóm bạn cùng cơ quan tôi tám chuyện, luôn tiện nhắc nhau việc chuẩn bị chút xíu quà để hôm lễ các con đến thăm, tặng thầy cô. Một người đề xuất: "Hay năm nay mình đi phong bì", cô bạn khác lập tức "giãy nãy": Thôi đừng!

Nào có phải riêng cô bạn tôi, năm nào tới tháng 11, nhắc chuyện phong bì mà phụ huynh không chia nhau ra 2, 3 "chiến tuyến". Người muốn biếu thầy cô chút tiền cho tiện lợi lại thiết thực, đỡ lãng phí khi tặng quà giá trị mà lại không dùng được. Ý kiến ngược lại thì lo như thế là "đút lót", không tôn trọng thầy cô, thiếu công bằng với những bạn gia đình khó khăn, không có điều kiện khác.

20/11 đi phong bì không? - câu hỏi gây ám ảnh và chuyện để yên cho thầy cô thiện lành - Ảnh 1.

Ảnh internet.

Đứng ở vị trí của giáo viên mà nói, hẳn không ai thích đề tài này được đem ra bàn luận công khai. Vấn đề quà cáp vốn tế nhị, càng bàn thì càng ít nhiều gây tổn thương đến lòng tự trọng của thầy cô - những người vốn được xã hội quý trọng và kỳ vọng...

Người không được tặng quà chẳng biết có chạnh lòng không. Nhưng nhiều thầy cô nhận quà cũng chưa hẳn thấy lòng vui vẻ mấy. Từ chối thì sợ bị cho là "chảnh", là chê quà nhiều, quà ít. Nhận rồi thì đôi khi bị "bĩu môi", cho rằng "chỉ chờ có thế". Quà tặng lúc này không còn là kỉ niệm, tri ân mà đã thành gánh nặng.

Em gái tôi làm giáo viên. Có năm vào ngày Nhà giáo, tôi buột miệng đùa: "Hôm nay nhận nhiều quá thích nhỉ?" . Nào ngờ liền nhận được câu trả lời đầy hờn trách: "Chị nói gì thế, em có bao giờ chờ quà cáp gì đâu". Câu chuyện khiến tôi nhiều năm nay luôn nhìn lại, rút kinh nghiệm sâu sắc để bớt đi sự vô ý của mình.

Một năm cùng học sinh là cả tuổi trẻ và sức khỏe thầy cô dành cho các con. Nhiều thầy cô từng chia sẻ, nghe... sáo rỗng nhưng thực tâm, rằng món quà họ mong nhận được là sự yêu mến của học sinh và phụ huynh, những ánh mắt chăm chú khi giảng bài, những bài tập về nhà chỉn chu. Các con không chỉ tiến bộ trong học tập mà còn trưởng thành về nhân cách, biết giúp đỡ mọi người.

Nhiều người trong số họ đã mong không được nhận quà trong ngày này để khỏi "dùng dằng", có thể mất lòng phụ huynh còn đẩy bản thân vào cảnh khó xử.

Tặng phong bì - thực dụng hay không thực dụng?

Quay trở lại chuyện "cái phong bì" ngày 20/11. Với vị trí là phụ huynh có con nhỏ đang tuổi đi học, tôi cho rằng, nhận định tặng phong bì thực dụng hay không còn ở góc nhìn của người tặng và người nhận. Cách tặng và sự tôn trọng quan trọng hơn giá trị.

Nhiều người lăn tăn về phong bì, quà cáp như một thứ nghĩa vụ bắt buộc, "a dua" theo phong trào, sợ con bị trù dập rồi gửi đến giáo viên kiểu "ban phát" đến nỗi người nhận không kịp cảm nhận được tình cảm gì. Lúc này, không chỉ phong bì mà dù là thứ quà đắt tiền đến đâu cũng đã mất đi nhiều phần ý nghĩa. Nếu không biết ơn, không xuất phát từ tình cảm mến yêu, tri ân, chỉ "mất tiền" để yêu cầu đổi lại sự quan tâm, chăm sóc của giáo viên đối với con mình thì xin đừng mang quà đến tặng.

Về phía giáo viên, dù có nhận tấm lòng của phụ huynh, xin cũng hãy nhận bằng trái tim vô tư nhất. Đừng nghĩ mình sẽ phải có trách nhiệm hơn để làm thỏa mãn lòng mong muốn của "bên tặng". Trách nhiệm vốn dĩ của giáo viên là dạy dỗ học sinh, không phân biệt học sinh giàu nghèo, phong bì mỏng, dày hay nhiều, ít.

20/11 đi phong bì không? - câu hỏi gây ám ảnh và chuyện để yên cho thầy cô thiện lành - Ảnh 2.

Ảnh internet.

Một người bạn của tôi, thạc sĩ giáo dục Nguyễn Giang Linh (Hà Nội), đồng thời cũng là phụ huynh, từng nói về nghề giáo: "Mỗi một nghề có kèm theo một nghiệp. Nghiệp của nghề giáo là nặng nề, bởi vì thầy cô đối mặt với những tâm hồn trong trắng, sạch sẽ và háo hức chờ đón nhất, có đôi chút sơ sẩy cũng dễ dàng ảnh hưởng đến các con. Nhưng nghề giáo cũng đem đến những thiện lành sâu sắc, các thầy cô sẽ được hưởng những hạnh phúc ấm áp mà không ở trong nghề khó lòng hiểu được".

Vì thế, xin phụ huynh hãy để yên cho thầy cô "thiện lành", để cho họ tĩnh tâm đem tài năng, lòng nhân ái truyền đạt lại cho những "tâm hồn trong trắng" ấy. Họ không nên bị đem ra "mổ xẻ" mỗi năm, vào khoảng thời gian đáng lẽ ra phải được tôn vinh nhất. Những học sinh của họ, con cái của quý vị, cũng không đáng phải dính vào những rắc rối, thị phi mỗi mùa 20/11 xoay quanh chuyện... cái phong bì.

Nên nhớ, với trẻ em, quà chỉ là quà, chỉ có người lớn mới áp đặt đủ thứ phức tạp lên những món quà được so kè từng chút một về sự cao thấp của giá trị. Đó là lý do mỗi khi tới dịp 20/11, những học trò thế hệ 7x, 8x… vẫn thường nhắc lại và tiếc nuối những giá trị ngày xưa cũ. Những ngày cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tình thầy trò thì vô cùng giàu có. Có lẽ chẳng ai quên được hình ảnh từng lớp học trò rủ nhau đến nhà thầy cô, mang theo những đặc sản vườn nhà, tấm thiệp tự làm mà trân quý.

Có những em học trò cũ, dù đã học thầy cô từ nhiều năm về trước nhưng tới ngày lễ cũng gởi thiệp về chúc mừng, có em gọi điện hỏi thăm hay chỉ là vài dòng tin nhắn nhưng bất kì cô thầy nào cũng cảm thấy mừng vui khôn xiết. Niềm vui được nhận quà vì thế không nằm ở giá trị món quà nhiều hay ít. Nó phụ thuộc vào tấm lòng người tặng.


Theo Hiểu Đan

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên