MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

20 năm "bằng mặt mà không bằng lòng" giữa Mỹ và Trung Quốc: Một thoả thuận thương mại hoàn chỉnh cũng không thể cứu vãn mối quan hệ này!

14-01-2020 - 09:25 AM | Tài chính quốc tế

Vào ngày 15/1, sau 3 năm chiến tranh thương mại diễn ra mang đến nhiều tổn thất, Mỹ và Trung Quốc sẽ ký thoả thuận giai đoạn 1 nhằm cắt giảm thuế và yêu cầu Trung Quốc phải mua thêm nông sản Mỹ. Đừng để bị lừa vì điều này!

Thoả thuận chưa hoàn thiện này không thể che đậy cho việc mối quan hệ quan trọng nhất thế giới đang ở giai đoạn nguy hiểm nhất, kể từ khi các cựu lãnh đạo Richard Nixon và Mao Trạch Đông tái thiết lập mối liên hệ từ 5 thập kỷ trước. Mối đe doạ đối với phương Tây từ chủ nghĩa chuyên chế công nghệ cao của Trung Quốc đã quá rõ ràng. Tất cả những thứ từ công ty AI tiên phong của họ cho tới vấn đề ở Tân Cương đều gây nên tình trạng báo động trên khắp thế giới.

Điều tương tự có thể thấy rõ ràng là phản ứng không nhất quán của Mỹ - xoay quanh việc yêu cầu chính phủ Trung Quốc mua đậu tương của nông dân Iowa và khẳng định rằng họ phải từ bỏ mô hình kinh tế do nhà nước lãnh đạo. Hai bên từng nghĩ rằng họ có thể cùng nhau phát triển vững mạnh, nhưng giờ đây mỗi quốc gia lại có tầm nhìn về việc mình thịnh vượng còn nước kia tụt hậu phía sau. Sự đổ vỡ một phần trong mối quan hệ của họ đang diễn ra. Ở thập kỷ 2020, thế giới sẽ nhận thấy sự tách rời này sẽ diễn ra bao lâu, hậu quả của nó sẽ là như thế nào, liệu rằng khi đối đầu với Trung Quốc, Mỹ có "mềm lòng" chịu thoả hiệp các giá trị của mình hay không?

Gốc rễ của mối quan hệ bị chia tách giữa 2 cường quốc bắt nguồn từ 20 năm trước. Khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2010, các nhà cải cách ở quê nhà và các quốc gia nước ngoài đều mơ mộng rằng họ sẽ tự do hoá nền kinh tế, và có thể là cả hệ thống chính trị, làm Trung Quốc hoà nhập với trật tự thế giới mà Mỹ lãnh đạo.

Viễn cảnh đó đã bị dập tắt. Phương Tây đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính và trở nên hướng nội. Diễn biến của nền kinh tế Trung Quốc đã có sự cải thiện, ví dụ như thặng dư thương mại đã giảm xuống còn 3% GDP. Tuy nhiên, họ ngày càng có cái nhìn ngờ vực và khinh miệt đối với Mỹ. Như mọi cường quốc mới nổi, Trung Quốc đang có tham vọng lan rộng tầm ảnh hưởng của mình - vốn đang tăng lên cùng tầm vóc của họ. Quốc gia này muốn trở thành một người thiết lập quy tắc toàn cầu, cùng với đó là kiểm soát luồng thông tin, tiêu chuẩn thương mại và tài chính.

20 năm bằng mặt mà không bằng lòng giữa Mỹ và Trung Quốc: Một thoả thuận thương mại hoàn chỉnh cũng không thể cứu vãn mối quan hệ này! - Ảnh 1.

Tổng thống Trump đã đáp trả bằng cách một chính sách đối đầu - đã nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng tại Mỹ. Tuy nhiên, những nhân vật mang quan điểm "diều hâu" với Trung Quốc vốn chiếm đa số tại các cơ quan và hội đồng quản trị của doanh nghiệp vẫn chưa thống nhất về rằng liệu mục tiêu của Mỹ có nên là giảm thâm hụt thương mại song phương, tìm kiếm lợi nhuận cho các cổ đông trong công ty con Mỹ hoạt động ở Trung Quốc, hay một chiến dịch về địa chính trị để kiềm chế sự bành trướng của quốc gia này. Trong khi đó, ông Tập có lúc kêu gọi tự tôn dân tộc, khi lại ủng hộ toàn cầu hoá, còn EU thì vẫn không chắc họ có phải là đồng minh ngày càng xa lạ của Mỹ, mội đối tác của Trung Quốc hay một cường quốc tự do đang tỉnh giấc nhờ vào chính mình.

Suy nghĩ không nhất quán dẫn đến kết quả lộn xộn. Huawei đã phải đối mặt với những chiến dịch gây áp lực như vậy của Mỹ, nên doanh số của hãng vẫn tăng 18% lên mức kỷ lục là 122 tỷ USD trong năm 2019. EU cũng áp lệnh hạn chế đầu tư của Mỹ, trái lại Italy thì tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường. Trong cả năm 2019, Trung Quốc hứa hẹn sẽ mở cửa thị trường tài chính lớn và đầy tiềm năng của mình cho Phố Wall, trong khi đang gây suy yếu cho nền pháp quyền và vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của Hồng Kông. Thoả thuận thương mại giai đoạn 1 cũng đi theo hướng này, nó pha trộn giữa những mục tiêu trọng thương và tư bản, tạm gác lại hầu hết thuế quan để những bất đồng sâu sắc hơn giải quyết sau. Mục tiêu chiến thuật của ông Trump là thúc đẩy nền kinh tế trong năm diễn ra cuộc tái tranh cử, còn Trung Quốc vẫn vui vẻ câu giờ.

20 năm bằng mặt mà không bằng lòng giữa Mỹ và Trung Quốc: Một thoả thuận thương mại hoàn chỉnh cũng không thể cứu vãn mối quan hệ này! - Ảnh 2.

Mỗi bên đang lên kế hoạch để thực hiện động thái giảm bớt sự hợp tác, nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của bên kia và hạn chế mối đe doạ dài hạn của họ, đồng thời giảm thiểu rủi ro đối với nền kinh tế. Việc này cần đến sự tính toán đặc biệt phức tạp, bởi 2 quốc gia này đã có mối liên hệ quá mật thiết. Về công nghệ, hầu hết các thiết bị điện tử của Mỹ được lắp ráp ở Trung Quốc. Và ngược lại, các công ty công nghệ Trung Quốc phụ thuộc vào những nhà cung ứng nước ngoài đối với hơn 55% linh kiện đầu vào chất lượng cao dành cho các sản phẩm robot, 65% trong ngành điện toán đám mây và 90% trong ngành bán dẫn. 

Phải mất từ 10 đến 15 năm nữa Trung Quốc mới có thể tự cung tự cấp chip máy tính và Mỹ chuyển hết các nhà sản xuất ra khỏi đại lục. Ngành tài chính cũng tương tự như vậy. Đồng CNY chỉ chiếm 2% thanh toán quốc tế, các ngân hàng Trung Quốc nắm giữ hơn 1 nghìn tỷ USD tài sản. Việc chuyển các đối tác thương mại sang sử dụng đồng CNY sẽ phải mất ít nhất 1 thập niên, có thể còn lâu hơn. Ở lĩnh vực nghiên cứu, Trung Quốc vẫn đang đào tạo những nhân tài giỏi nhất và tìm ra những ý tưởng tốt nhất ở các trường đại học hàng đầu của Mỹ - 370.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các trường ở Mỹ.

Nếu mâu thuẫn giữa 2 siêu cường vượt ra khỏi tầm kiểm soát thì hậu quả sẽ là rất lớn. Để xây dựng chuỗi cung ứng phần cứng công nghệ hoạt động song song sẽ phải mất thêm khoảng 2 nghìn tỷ USD hoặc hơn, tức là khoảng 6% tổng GDP của 2 nước cộng lại. Biến đổi khí hậu thậm chí còn khó giải quyết hơn nữa. Hơn nữa, hệ thống các đồng minh - vốn là trụ cột của Mỹ, cũng là một rủi ro khác. Khoảng 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đang dựa vào Trung Quốc, bởi quốc gia này cung cấp số lượng hàng nhập khẩu lớn nhất, và nếu phải lựa chọn 1 bên thì không phải tất cả đều đối đầu với "Chú Sam", nhất là khi Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trước tiên". 

Vào những năm 2000, người ta thường đặt ra câu hỏi Trung Quốc sẽ giống Mỹ như thế nào. Còn ở thập niên 2020, câu hỏi lớn hơn là liệu sự chia tách hoàn toàn giữa 2 siêu cường có thể khiến nước Mỹ ngày càng giống Trung Quốc hay không. 

Giang Ng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên