MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

20 năm phát triển TTCK Việt Nam: Từ chỗ chỉ là "đất trống" đến "cơ ngơi" có vị thế trong nền kinh tế

19-07-2020 - 12:16 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong 20 năm qua, vốn hóa thị trường chứng khoán đã tăng trưởng ở mức trung bình hơn 50%/năm. Đến 30/6/2020, tổng vốn hóa TTCK Việt nam đạt mức 5,5 triệu tỷ, tỷ lệ vốn hóa thị trường/GDP đã tăng từ mức 0,3% năm 2000 lên mức 104% GDP vào tháng 6 năm nay.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
291 bài viết

Ngày 28/7/2020 tới đây đánh dấu chặng đường 20 năm hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Từ một thị trường non trẻ, TTCK Việt Nam đến nay đã phát triển mạnh mẽ về quy mô, trở thành kênh huy động vốn trung dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Hệ thống văn bản pháp luật phát triển đồng bộ, phù hợp với bối cảnh thực tiễn của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế. Thị trường thay đổi nhanh về cấu trúc, đa dạng hóa về sản phẩm – dịch vụ. Năng lực quản lý, giám sát được bài bản hóa; hoạt động của thị trường ngày càng minh bạch, hiện đại, hướng tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. 

Bên cạnh những thành tựu quan trọng đó, TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện để hướng tới xây dựng một thị trường chứng khoán hiện đại, phát triển về cả lượng và chất, ngang tầm với khu vực.

Những thành tựu nổi bật trong 20 năm qua

Có thể đánh giá TTCK Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong 20 năm qua với 7 thành tựu nổi bật.

Thứ nhất, tăng trưởng mạnh về quy mô, góp phần phát triển hệ thống tài chính quốc gia theo hướng cân bằng và bền vững hơn, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế

Theo đó, ước tính trong 20 năm qua, vốn hóa thị trường chứng khoán đã tăng trưởng ở mức trung bình hơn 50%/năm. Đến 30/6/2020, tổng vốn hóa TTCK Việt nam đạt mức 5,5 triệu tỷ, tỷ lệ vốn hóa thị trường/GDP đã tăng từ mức 0,3% năm 2000 lên mức 104% GDP vào tháng 6/2020. Trong đó, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 4 triệu tỷ đồng, gấp 4 nghìn lần so với thời điểm năm 2000, tương ứng khoản 65% GDP năm 2019 (theo UBCKNN). Vốn hóa thị trường trái phiếu đạt khoảng 2,3 nghìn tỷ đồng, tương đương mức 39% GDP năm 2019 (trái phiếu Chính Phủ đạt 29,18%, trái phiếu doanh nghiệp đạt 10,28% ). TTCK phát triển mạnh mẽ đã giúp cơ cấu lại hệ thống tài chính Việt Nam theo hướng cân đối, bền vững hơn. Ước tính tỷ trọng vốn hóa khu vực chứng khoán trong tổng tài sản hệ thống tài chính hiện nay ở mức khoảng 30,6%, không cách quá xa so với mức 68,7% của khu vực các tổ chức tín dụng và cao hơn nhiều so với tỷ trọng 21% vào năm 2010.

Không những vậy, TTCK cũng đã chứng minh vai trò ngày càng quan trọng trong huy động vốn, cung ứng vốn trung dài hạn cho phát triển kinh tế. Vào năm 2006, TTCK mới huy động được 40 nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế thì con số này đến năm 2019 đã đạt 320 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2018 và gấp 8 lần so với năm 2006. Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế qua TTCK vẫn đạt khoảng 107 nghìn tỷ đồng. Ước tính tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm được thực hiện qua kênh TTCK Việt Nam ở mức bình quân 16,5%/năm giai đoạn 2016-2019.

Thứ hai, cấu trúc và thể chế thị trường ngày càng hoàn thiện

Điều này được thể hiện rõ nét qua ba khía cạnh chính. Một là, hệ thống văn bản pháp luật đã được phát triển một cách đồng bộ, phù hợp với bối cảnh thực tiễn cũng như kinh nghiệm và thông lệ quốc tế, từ đó giúp cho TTCK phát triển ổn định, vững chắc. Tiêu biểu nhất là Luật Chứng khoán năm 2019 được Quốc hội ban hành đã dần tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện phát triển của TTCK Việt Nam, khắc phục được những hạn chế bất cập của Luật Chứng khoán năm 2006 và sửa đổi năm 2010. Đặc biệt, Luật chứng khoán, Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư (sửa đổi) đều có hiệu lực từ 1/1/2021, sẽ tạo khung khổ pháp lý khá đồng bộ, góp phần phát triển TTCK nhanh và bền vững hơn trong giai đoạn mới.  

Đối với cấu trúc thị trường, trong giai đoạn từ 2000 đến nay, hàng loạt thị trường mới đã được bổ sung giúp TTCK Việt Nam ngày càng hoàn chỉnh. Tiêu biểu như năm 2000 đưa Trung tâm GDCK Tp. HCM vào hoạt động, năm 2005 đưa Trung tâm GDCK Hà Nội vào hoạt động và năm 2006 Trung tâm lưu ký chứng khoán cũng đi vào vận hành. Các tổ chức này đã vận hành hệ thống giao dịch, thanh toán thông suốt, an toàn, không ngừng hoàn thiện các chính sách, quy trình nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. 

Đặc biệt vào ngày 10/8/2017, thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) Việt Nam đã chính thức được khai trương. Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 có TTCKPS trong khu vực ASEAN bên cạnh Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan và là quốc gia thứ 42 trên thế giới có thị trường tài chính bậc cao này. TTCKPS là bước ngoặt mới cho TTCK nói riêng và thị trường tài chính nói chung, là trụ cột quan trọng thứ ba (cùng với thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu chuyên biệt) trong cấu trúc của một TTCK hiện đại. Đây là bước đệm để tiến tới hình thành các sản phẩm và công cụ đầu tư, quản lý rủi ro mới, hấp dẫn, đa dạng hơn; qua đó góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài và hội nhập kinh tế quốc tế.

Năng lực quản lý và giám sát được bài bản hóa cũng là một trong những thành công nổi bật của TTCK trong 20 năm qua. Mô hình quản lý, giám sát đã từng bước được hoàn thiện, có sự phân cấp rõ ràng. Hoạt động thanh tra, giám sát và cưỡng chế thực thi ngày càng hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định, kỷ cương pháp luật của thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Phương thức quản lý, giám sát thị trường và thành viên tham gia TTCK ngày càng theo cơ chế thị trường nhiều hơn, giúp lành mạnh hóa thị trường, nâng cao chất lượng hoạt động gắn liền với quá trình tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Ngoài ra, hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu về các chứng khoán niêm yết, về giao dịch giữa các thành viên thị trường như các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các công ty đại chúng được xây dựng và hoàn thiện nhằm hỗ trợ và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thanh tra và giám sát TTCK.

Thứ ba, đóng góp quan trọng vào tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nâng cao tính minh bạch và năng lực quản trị công ty

Thông qua cơ chế đấu giá minh bạch, hiện đại và gắn cổ phần hóa với đăng ký giao dịch, niêm yết; TTCK đã góp phần quan trọng vào những kết quả cổ phần hóa và thoái vốn DNNN thời gian qua. Không những vậy, TTCK còn giúp tăng cường tính minh bạch, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp có chứng khoán giao dịch và bảo vệ lợi ích nhà đầu tư. Ngoài ra, với quy định về phát hành, niêm yết, công bố thông tin được sửa đổi theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn, tiệm cận chuẩn mực quốc tế; TTCK cũng như hoạt động của các công ty niêm yết ngày càng công khai, minh bạch, khả năng giám sát của xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp được cải thiện. Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty theo Thông lệ Tốt nhất của Việt Nam do UBCKNN và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) ban hành năm 2019 giúp cung cấp các hướng dẫn và khuyến nghị về thông lệ tốt nhất trong quản trị công ty dành cho công ty đại chúng. Với các hướng dẫn này, hoạt động của các công ty niêm yết, nhất là các DNNN sau cổ phần hóa niêm yết được kỳ vọng sẽ có bước tiến đáng kể khi chấm điểm năng lực quản trị công ty hàng năm.

Thứ tư, loại hình định chế, sản phẩm – dịch vụ ngày càng đa dạng, hướng theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế

Hiện nay, thành viên tham gia TTCK ngày càng đa dạng với 83 công ty chứng khoán (CTCK) có giấy phép hoạt động, trong đó 74 công ty là thành viên của các Sở GDCK và 45 công ty quản lý quỹ đang hoạt động sau quá trình tái cấu trúc. Tiếp đó là việc hình thành các quỹ đầu tư chứng khoán với 31 quỹ hiện nay, tiến tới là quỹ tín thác đầu tư (sẽ hình thành nhất là sau khi Luật chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2021). Thị trường đã phát triển các loại hình quỹ mới như quỹ mở, quỹ thành viên, quỹ ETF, quỹ đầu tư bất động sản; qua đó thúc đẩy tính chuyên nghiệp, sự phân bổ hiệu quả nguồn lực vốn đầu tư, tạo sức cầu bền vững và độ sâu của thị trường. Cùng với đó, các trung gian hỗ trợ như Trung tâm lưu ký, ngân hàng lưu ký, công ty tư vấn, kiểm toán đã ra đời, phục vụ đắc lực cho quá trình vận hành của thị trường. Quan trọng hơn, chất lượng hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán và trung gian hỗ trợ ngày càng cải thiện hơn về quy mô, an toàn vốn, quản lý rủi ro và quản trị doanh nghiệp, tiệm cận thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, trong xu thế phát triển, hàng loạt các sản phẩm – dịch vụ với nhiều ưu điểm, bắt nhịp với xu hướng phát triển của toàn cầu lần lượt ra đời. Ngoài những sản phẩm truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu, các sản phẩm mới gần đây như hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant) ra đời ngày 28/6/2019; sản phẩm trái phiếu xanh đang trong giai đoạn triển khai thí điểm và thực hiện các chương trình tuyên truyền, giới thiệu; sản phẩm cổ phiếu xanh đang được khởi động thông qua việc vận hành chỉ số VNSI đồng thời với quy định yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết cung cấp thông tin về môi trường, xã hội và cộng đồng.

Thứ năm, TTCK Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào quá trình hội nhập quốc tế

Hòa mình vào xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam, TTCK đã phát triển một cách mạnh mẽ, góp phần đẩy mạnh hơn nữa quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Thông qua các cam kết mở cửa thị trường ngày càng ở mức cao, đi kèm với cơ chế minh bạch hóa, đã tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD (tương đương 847 ngàn tỷ đồng). Bên cạnh đó, các cam kết cho phép cung cấp qua biên giới một số dịch vụ chứng khoán đã giúp tăng chuẩn mực về quản trị công ty, tăng chất lượng cung cấp dịch vụ của TTCK Việt Nam. 

Ngoài ra, cơ quan quản lý các cấp cũng đã tích cực, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế trong công tác xây dựng chính sách phát triển thị trường. Theo đó, UBCKNN đã trở thành thành viên của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO) từ năm 2001 và đã chính thức trở thành thành viên đầy đủ của IOSCO năm 2013. Mức độ tín nhiệm của thị trường vốn Việt Nam được nâng cao, góp phần gia tăng khả năng thu hút các nguồn vốn đầu tư, giúp giảm chi phí huy động vốn trên thị trường quốc tế. TTCK Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE Rusell đến năm 2023, nếu quyết tâm và kiên trì thực hiện.

Thứ sáu, hình thành đội ngũ nhà đầu tư chuyên nghiệp

Qua 20 năm hoạt động, đội ngũ nhà đầu tư trên TTCK đã tăng trưởng nhanh về số lượng và đặc biệt là chất lượng. Theo số liệu từ Sở GDCK TP.HCM, năm 2000, TTCK có khoảng 3 nghìn tài khoản nhà đầu tư tham gia, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân (chiếm hơn 99%), tập trung vào hoạt động đầu tư tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn, hoạt động phòng vệ rủi ro còn chưa được chú trọng. Tính đến hết tháng 5/2020, TTCK đã có 2,46 triệu tài khoản nhà đầu tư trên thị trường, gấp 820 lần năm 2000, trong đó có 16 nghìn tài khoản nhà đầu tư tổ chức và gần 36 nghìn tài khoản nhà đầu tư nước ngoài. Đội ngũ nhà đầu tư chuyên nghiệp ngày càng phát triển và mở rộng. Thị trường cũng đã phát triển các loại hình quỹ mới như đã nêu trên, qua đó thúc đẩy tính chuyên nghiệp, giúp việc phân bổ vốn hiệu quả và thị trường phát triển nhanh, bền vững.

Thứ bảy, hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) và cơ sở dữ liệu ngày càng được chú trọng đầu tư, góp phần phát triển TTCK một cách minh bạch và hiện đại

Từ một hệ thống hạ tầng CNTT sơ khai, đến nay TTCK Việt Nam đã xây dựng một hạ tầng kỹ thuật CNTT tương đối hoàn chỉnh, đảm bảo an toàn bảo mật, làm nền tảng cho việc triển khai các ứng dụng cốt lõi ngành chứng khoán. Các thiết bị cảnh báo sớm giúp năng lực quản lý, giám sát TTCK để bảo vệ nhà đầu tư ngày càng được nâng cao. Tính minh bạch, công bằng của thị trường trong việc tiếp cận thông tin công bố cũng được nâng cao thông qua việc xây dựng hệ thống công bố thông tin (IDS) để các công ty đại chúng thực hiện việc báo cáo và công bố thông tin điện tử, thay thế dần cho việc báo cáo bằng văn bản giấy như trước đây. Hơn nữa, hệ thống CNTT để quản lý giám sát các thành viên thị trường ngày càng đầy đủ như hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý công ty chứng khoán (SCMS), hệ thống FMS,…v.v. Đến nay đã có 100% các thành viên thị trường tham gia sử dụng các hệ thống CNTT để báo cáo và công bố thông tin trên cổng thông tin điện tử UBCKNN…v.v. Hệ thống cơ sở dữ liệu cũng đã từng bước được bồi đắp ngày càng đầy đủ, hoàn thiện hơn, phục vụ tốt hơn cho phân tích, dự báo và thống kê thị trường.

20 năm phát triển TTCK Việt Nam: Từ chỗ chỉ là đất trống đến cơ ngơi có vị thế trong nền kinh tế - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua 20 năm phát triển với nhiều dấu ấn (ảnh minh hoạ)

Những điểm cần lưu tâm phát triển và hoàn thiện trong thời gian tới

Khoảng thời gian 20 năm giúp TTCK Việt Nam phát triển mạnh mẽ từ một thị trường sơ khai, non trẻ đã trở thành một thị trường có quy mô đáng kể (so với GDP) trong khu vực. Trong quá trình phát triển đó, những tồn tại bất cập đã dần được khắc phục. Tuy nhiên, 20 năm vẫn chưa phải là dài để thị trường thực sự lớn về quy mô, trở nên chuyên nghiệp, hiện đại, bắt kịp với thế giới, do đó vẫn còn một số điểm cần cải thiện.

Thứ nhất, quy mô và thanh khoản TTCK Việt Nam mặc dù tăng trưởng mạnh qua từng năm, song vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực và tính ổn định chưa cao. Giá trị vốn hóa TTCK của Việt Nam (bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu) năm 2019 tương đương 102,6% GDP ở mức thấp so với các nước (Nhật Bản 337%, Singapore 257%, Thái Lan 161%, Malaysia 215%, Philippines 107%...). Tính ổn định của thị trường chưa cao thể hiện qua việc vẫn còn bị tác động mạnh, biến động nhiều bởi những diễn biến tiêu cực trong và ngoài nước như giá dầu, tỷ giá, giá vàng, biến động trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế hay những tin đồn. Hiện nay, TTCK Việt Nam chỉ mới được Tổ chức tính toán chỉ số chứng khoán toàn cầu (FTSE) đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Cùng với đó, thanh khoản TTCK thể hiện qua tỷ suất vòng quay chứng khoán của Việt Nam dù tăng mạnh trong những năm gần đây, nhưng vẫn ở mức khá thấp so với khu vực và thế giới. Tỷ suất này của Việt Nam năm 2019 là 22,3%, thấp hơn nhiều so với mức 28,3% của ASEAN-5, 29% của Ấn Độ, 130% của Hàn Quốc, 223,7% của Trung Quốc và 87% bình quân thế giới. Theo đó, cần có kế hoạch và giải pháp cụ thể để TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi đến năm 2023 theo yêu cầu của Chính phủ.

Thứ hai, thể chế chi phối hoạt động và tính tuân thủ, minh bạch của TTCK cần hoàn thiện, đồng bộ và tiệm cận thông lệ quốc tế hơn nữa; nhất là các hướng dẫn triển khai Luật chứng khoán sửa đổi (2019) và Chiến lược phát triển TTCK 2021-2030, trong đó cần chú trọng xây dựng chiến lược cấu phần về số hóa ngành chứng khoán (trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối – blockchain và dữ liệu lớn - big data sẽ là những công cụ quan trọng). Ngoài ra, công cụ quản lý, giám sát vẫn chủ yếu là giám sát tuân thủ, chưa tiến đến giám sát dựa trên mức độ rủi ro; quy định về công bố, minh bạch thông tin chưa nhất quán giữa các văn bản pháp luật; chế tài xử phạt, cưỡng chế chưa thực sự đủ mạnh…, khiến hành vi vi phạm vẫn diễn ra và chưa giảm nhiều. Việc thực hiện công bố thông tin, quản trị công ty theo thông lệ tốt đã có sự tiến bộ đáng kể, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một TTCK phát triển. Các SGDCK, Trung tâm Lưu ký đã có nhiều cải tiến về phương thức hoạt động, nhưng nếu không kiện toàn thì khó có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường với quy mô ngày càng lớn, số lượng công ty niêm yết, nhà đầu tư và hàng hóa ngày càng nhiều, và càng khó có khả năng liên thông với các TTCK trong khu vực và quốc tế để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ ba, nguồn cung hàng hóa, sản phẩm trên thị trường còn chưa phong phú, đa dạng, chất lượng các công ty niêm yết và các công ty chứng khoán chưa cao. Trong số 1.723 mã cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở GDCK (Hà Nội và Tp.HCM) vẫn còn một số doanh nghiệp nhỏ, hoạt động chưa hiệu quả, năng lực quản trị còn ở mức thấp. Các mảng khác của thị trường như sản phẩm quỹ đầu tư, sản phẩm liên kết bảo hiểm, hợp đồng quyền chọn, đầu tư có cam kết bảo toàn vốn,… chưa được cung cấp.

Thứ tư, cơ sở nhà đầu tư chưa đa dạng, chủ yếu vẫn là nhà đầu tư cá nhân, các nhà đầu tư tổ chức (nhất là các quỹ đầu tư) còn chưa nhiều. Thị trường cổ phiếu vẫn dễ có những biến động lớn trước nhiều yếu tố như tâm lý, thông tin, biến động trong và ngoài nước. Nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào ngân hàng thương mại, bảo hiểm xã hội, công ty bảo hiểm,…; trong khi đó, vẫn còn thiếu vắng các quỹ hưu trí, công ty quản lý quỹ với tư cách là nhà đầu tư trung dài hạn.

Thứ năm, nguồn nhân lực mặc dù đã được chú trọng phát triển, song vẫn còn thiếu cả về số lượng và chất lượng khi so với tiêu chuẩn quốc tế. Số lượng chuyên gia, cán bộ hoạt động trong ngành chứng khoán đạt được các chứng chỉ hành nghề quốc tế (như CFA…) vẫn còn ít so với yêu cầu; trình độ ngoại ngữ và quản lý của các tổ chức kinh doanh chứng khoán còn nhiều hạn chế. Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực vẫn còn bị động; cơ chế đãi ngộ chưa tương xứng với đặc thù của lĩnh vực kinh doanh hàng hóa cao cấp này. Cơ quan quản lý cũng như các tổ chức kinh doanh chứng khoán và các trung gian hỗ trợ chưa có nhiều nơi xây dựng Khung năng lực chuẩn cũng như áp dụng KPI trong giao việc và đánh giá hoàn thành nhiệm vụ…v.v.

Cuối cùng, hệ thống CNTT và cơ sở dữ liệu mặc dù được chú trọng đầu tư, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập của TTCK. Các ứng dụng chỉ mới được xây dựng ở mức cơ bản; rủi ro bảo mật, an toàn, an ninh mạng vẫn còn là thách thức, nguy cơ. Cơ sở dữ liệu đã phong phú hơn nhưng còn manh mún, chưa cập nhật đồng bộ, chưa được sắp xếp, lưu trữ một cách hệ thống, khoa học. Nội dung trang tiếng Anh của cơ quan quản lý và tổ chức kinh doanh chứng khoán chưa phong phú, chưa cập nhật thường xuyên, khiến độc giả và nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các thông tin, sữ liệu và chính sách về chứng khoán và TTCK Việt Nam. Rõ ràng là cần có chiến lược cấu phần về số hóa ngành chứng khoán chứa đựng các yếu tố quan trọng nêu trên.

Lời kết: 20 năm chưa phải là dài nhưng cũng đủ để chúng ta nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của TTCK Việt Nam với những bước tiến vượt bậc, từ chỗ chỉ là "đất trống" đến nay đã là một "cơ ngơi có vị thế" trong nền kinh tế thị trường nói chung và hệ thống tài chính nói riêng. Cơ ngơi này có khang trang, bề thế hay không còn tùy thuộc vào tầm nhìn, chiến lược, sách lược và hành động của các bên liên quan. Mặc dù vậy, chúng ta có quyền tin tưởng rằng TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục vươn xa hơn nữa để 20 năm sau ta nhìn lại sẽ thấy một "cơ đồ khang trang và vững chắc hơn".


                                                                                                                        TS. Cấn Văn Lực

                                                            Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV

                        Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia

Theo công bố của Bộ Tài chính Việt nam và ADB

TS. Cấn Văn Lực

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên