200 ngàn đồng tội “cưỡng hôn”: Phụ nữ trông cậy vào đâu khi sự an toàn đang bị chính cộng đồng xem nhẹ?
Không bàn đến mức phạt 200 ngàn cho kẻ tấn công tình dục, cưỡng hôn cô gái trong thang máy chung cư có nhẹ hay không. Nhưng dường như thực tế an toàn tình dục của phụ nữ, trẻ em đang bị chính cộng đồng xem nhẹ là có thật.
- 16-03-2019Cô gái 20 tuổi mắc bệnh tiểu đường chỉ vì thói quen mà giới trẻ hay mắc phải vào buổi sáng
- 14-03-2019Giao tiếp giỏi là chìa khóa mở trái tim mọi cô gái mà đàn ông nên biết: Biết cách ứng xử, cuộc đời chắc chắn "nở hoa"
Mấy ngày nay, rất nhiều cư dân mạng chia sẻ ảnh chân dung Đỗ Mạnh H ., người có hành vi dùng vũ lực để ôm và hôn một cô gái trẻ xa lạ trong thang máy chung cư Golden Palm (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vào tối ngày 4/3. Những người đăng tải bức ảnh cho rằng đây là một "hình phạt bổ sung" đối với người đàn ông này, sau khi ông ta chỉ bị công an quận Thanh Xuân xử phạt hành chính 200 ngàn đồng cho hành vi của mình .
Cư dân mạng thực sự nổi giận khi hành động gây nguy hiểm với an toàn thân thể của một cô gái trẻ, gây ra những tổn thương nghiêm trọng về tinh thần và tạo sự bất ổn đối với an ninh trật tự của một khu dân cư lại chỉ bị quy vào hành vi "Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác" với khung phạt cao nhất lên đến 300 ngàn đồng.
Trong giới luật sư, nhiều người thể hiện sự không đồng tình với cách nhìn nhận, đánh giá và giải quyết vấn đề của cơ quan chức năng. Song đồng thời họ cũng thừa nhận những hạn chế của pháp luật hiện hành đối với hành vi tấn công tình dục. Từ đó đưa ra những đề xuất về việc phải sửa luật, có những quy định rõ ràng hơn, nghiêm khắc hơn để ngăn chặn được vấn nạn quấy rối, tấn công, lạm dụng tình dục tại Việt Nam.
Nhưng đó là câu chuyện vĩ mô.
Câu chuyện sát sườn với chúng ta hơn là: phụ nữ và trẻ em gái đang bị đe dọa an toàn tình dục với mức độ ngày càng nghiêm trọng trên diện rộng tại bất kể khu vực kinh tế xã hội nào, trong bất kì không gian sinh sống nào và ở bất kì độ tuổi nào.
Cô gái trong vụ việc là người trưởng thành (20 tuổi), có trình độ học vấn cao (sinh viên một trường đại học), có điều kiện kinh tế (sinh sống ở một chung cư bậc trung), có trí thông minh và sức phản kháng (thoát được ra khỏi thang máy và lập tức tìm đến tổ bảo vệ đề nghị trích xuất camera làm bằng chứng).
Nhưng sau khi tố cáo ra cơ quan chức năng, cô không những không được bảo vệ thỏa đáng mà còn bị gã đàn ông kia tiếp tục bỡn cợt, xúc phạm bằng lời nói. Cụ thể, theo lời kể của nạn nhân với báo Người Lao Động, trong buổi làm việc đầu tiên tại cơ quan công an, Đỗ Mạnh H. đã nói với cô rằng: "Em thích quà gì để anh đi Singapore anh mua tặng em".
Đáng tiếc, câu nói này đã bị bỏ qua mà không được ghi nhận như một bằng chứng thể hiện thái độ thách thức, đe dọa đối với nạn nhân.
Truyền thông những ngày qua sử dụng nhiều cụm từ như "cưỡng hôn" "sàm sỡ" để mô tả hành vi vụ việc này. Trên thực tế, cô gái bị chặn cửa, bị đẩy vào góc thang máy, bị tác động thô bạo vào môi - bộ phận nhạy cảm nằm trong 4 khu vực riêng tư không được phép động chạm (miệng, ngực, vùng giữa hai đùi và mông), bị trầy xước ở mũi và tay trong quá trình phản kháng, và sau đó là bị nhắn tin đe dọa.
Rõ ràng những từ "cưỡng hôn" và "sàm sỡ" không thể hiện được mức độ nghiêm trọng của hành vi tấn công tình dục này. Đồng thời cách dùng từ ngữ đó phản ánh một thực trạng khác trong tâm thức người Á Đông. Đó là tâm thức xem nhẹ phụ nữ, coi phụ nữ là công cụ thỏa mãn dục tính của đàn ông, xem những hành động quấy rối, đe dọa an toàn tình dục hay tấn công không đạt mục đích giao cấu chỉ là hành vi tán tỉnh, trêu ghẹo không có gì bất thường.
Thế nên, từ văn phòng làm việc tới quán karaoke, người ta không khó khăn để thi thoảng lại bắt gặp những cái nhìn thô lỗ của nam giới dành cho đồng nghiệp nữ, những cái ôm không đúng vị trí, những câu chuyện bông đùa tục tĩu quá giới hạn về chuyện làm tình, những cú ép rượu phụ nữ trên bàn tiệc. Phần lớn đều được xem là bình thường, liệu có phải vì quan niệm: Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu?
Thậm chí, dù Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc được Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội công bố năm 2015 nhưng 4 năm qua chưa có bất kì trường hợp nào bị xử lý về hành vi này được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Không khó hiểu khi hiện tại, chuyện kín công sở đã lan ra cái thang máy, nơi mà bất kì người trưởng thành nào cũng biết có đặt camera giám sát. Nhưng những kẻ có ý định xấu với phụ nữ không hề sợ hãi. Và với mức xử phạt tối đa chỉ có 300 ngàn đồng, chúng lại càng dương dương tự đắc.
Tờ 200 ngàn để trước túi ngực có lẽ là hình ảnh hot nhất trên mạng xã hội trong vài ngày gần đây. Nhiều câu chuyện cười từ án phạt 200 ngàn được cư dân mạng chế lại với vô số bình luận, trong đó rất đông đấng mày râu trào phúng rằng họ sẵn sàng mất thêm 200 ngàn đồng nữa để được ôm hôn sờ soạng 1 phút bất kì cô gái nào họ muốn.
Có lẽ với đa số, việc chia sẻ câu chuyện hay bức ảnh này chỉ là trêu đùa với tư tưởng "cho vui". Có điều dường như những đàn ông chia sẻ bức ảnh ấy không nhận ra một điều rằng: Những lời đùa tưởng như vô hại ấy đang càng khoét sâu hơn vào nỗi đau bị lạm dụng của phụ nữ và bất công bằng của xã hội. Còn nếu nói nhẹ nhàng cũng là cả một sự hời hợi, thiếu cảm thông trước là với cộng đồng, sau là với chính những người phụ nữ quanh mình.
Mà những người phụ nữ ấy có thể là vợ, là con cái, chị em, bạn bè của họ. Dường như họ không nhận ra rằng, trong cuộc chiến giành lại công bằng, bình đẳng và được tôn trọng của phụ nữ vốn rất cần đến sự "không thờ ơ" của một nửa của thế giới mang tên đàn ông.
Câu chuyện cô gái bị tấn công tình dục trong thang máy rất vô tình diễn ra trùng thời điểm với câu chuyện bé gái 9 tuổi bị xâm hại trong vườn chuối. Dù bé gái bị tấn công tới chảy máu âm đạo, gãy răng, gãy tay, tinh thần hoảng loạn, nhưng cơ quan công an huyện Chương Mỹ ban đầu lại chỉ xác định hành vi của kẻ tấn công là dâm ô và cho bị cáo tại ngoại.
Việc nhìn nhận, đánh giá hành vi một lần nữa cho thấy đang tồn tại một quan điểm trong xã hội, rằng người đàn ông có quyền động chạm vào cơ thể nữ giới trong một phạm vi nhất định mà không cần sự đồng ý, và cứ chưa dẫn đến hậu quả giao cấu là không hoặc ít nghiêm trọng. Suy nghĩ này đã, đang và sẽ gây tổn hại đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em gái, nhóm yếu thế trong xã hội.
Rất ngẫu nhiên, năm 2019 là năm phụ nữ và trẻ em. Ngày 6/3 vừa qua, đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các bộ ban ngành đã xuống đường đi bộ giương cao khẩu hiệu "chung tay vì sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em".
Luật pháp chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh, thay đổi trong tương lai để thích ứng với thực tế cuộc sống. Nhưng điều tiên quyết không nằm ở những văn bản quy định pháp luật khô cứng, mà ở trong thái độ, góc nhìn của nam giới nói riêng và của xã hội nói chung về phụ nữ. Phụ nữ cần phải được tôn trọng hơn. Bởi họ sinh ra bình đẳng với nam giới về tự nhiên.
Không ai được phép có những hành vi tấn công bằng lời nói hoặc hành động, cũng như không ai được phép động chạm vào cơ thể của họ mà không được sự cho phép của họ. Đó là quyền của phụ nữ được ghi rõ trong Công ước CEDAW - công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1979.
Người Pháp có câu "Không được đánh phụ nữ, dù chỉ bằng một nhành hoa". Nhưng có lẽ cần sửa lại câu phương ngôn nổi tiếng ấy thành: Không được động chạm vào cơ thể phụ nữ khi chưa được sự đồng ý của họ, dù chỉ bằng một nhành hoa.
Trí thức trẻ