2.000 km đường sắt tại Việt Nam chưa được khai thác hiệu quả, doanh nghiệp Trung Quốc ngỏ ý giúp đỡ
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi gặp gỡ và làm việc với Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Đầu máy và toa xe lửa Đại Liên (CRRC) và Phó Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina).
Được biết, CRRC có lịch sử phát triển lâu đời, thuộc Tập đoàn Toa xe Trung Quốc, là doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn trọng điểm duy nhất của Trung Quốc độc lập phát triển và sản xuất đầu máy đường sắt (bao gồm đầu máy diesel, đầu máy điện), phương tiện đường sắt đô thị, tàu tốc hành và đầu máy năng lượng mới, có nhiều công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đường sắt.
Tập đoàn hiện có 8.737 nhân viên và doanh thu năm 2023 là 2,2 tỷ USD, xuất khẩu sản phẩm sang 32 quốc gia, Tại Việt Nam, Công ty đã cung cấp đầu máy toa xe diesel, đầu máy toa xe cho các dự án đường sắt tiêu chuẩn, phương tiện đường sắt đô thị và cung cấp thiết bị năng lượng gió, thiết bị quang điện, đồng thời, từng bước hợp tác để thiết lập các cơ sở sản xuất nội địa hóa.
Theo đó, tại buổi gặp gỡ với Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Đầu máy và toa xe lửa Đại Liên (CRRC), ông Tôn Vinh Khôn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, vận tải đường sắt có nhiều lợi thế so với các loại hình khác như giá thành, phù hợp với một số mặt hàng. Song, Việt Nam hiện có trên 2.000 km đường sắt với hơn 300 nhà ga nhưng những năm qua khai thác chưa thật sự hiệu quả.
Trước tình hình đó, Thủ tướng mong muốn Việt Nam và Trung Quốc có thể đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, kết nối hai nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực đường sắt - đây cũng là lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt sau khi Việt Nam - Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, hai bên sẽ thúc đẩy kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nghiên cứu thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nghiên cứu về các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng vào thời điểm phù hợp.
Ngoài ra, Việt Nam dự kiến tiếp tục phát triển các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, nhất là tuyến kết nối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc và tại TPHCM.
Với năng lực và ưu thế của CRRC, Thủ tướng đề nghị công ty nghiên cứu hợp tác với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam về sản xuất, chuyển giao công nghệ chế tạo đầu máy, toa xe, đào tạo nhân lực, hỗ trợ về nguồn vốn. Đồng thời, tham gia xây dựng các dự án đường sắt chất lượng, hiệu quả, góp phần phát triển công nghiệp đường sắt tại Việt Nam; đồng thời hoan nghênh CRRC tham gia các dự án, lĩnh vực khác như năng lượng mới.
Về phía CRRC, Chủ tịch Hội đồng quản trị CRRC, ông Tôn Vinh Khôn bày tỏ mong muốn tham gia cụ thể hóa các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, dưới chỉ đạo của Chính phủ hai nước.
Bên cạnh đó, công ty sẵn sàng tham gia xây dựng các tuyến đường sắt kết nối giữa hai nước, cũng như các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM cũng như cung cấp các giải pháp tổng thể, công nghệ cao, thúc đẩy nội địa hóa, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo nhân lực. Từ đó, góp phần giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp đường sắt, cũng như phát triển các lĩnh vực như giao thông năng lượng mới, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có buổi gặp gỡ và làm việc với Phó Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina), ông Vương Tiểu Quân. Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina) hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực như: Quy hoạch tổng thể, khảo sát và thiết kế, xây dựng và lắp đặt, sản xuất và vận hành đầu tư các dự án thủy lợi, năng lượng, đường cao tốc, đường sắt, cảng và đường thủy, sân bay, nhà ở, khu công nghiệp, kỹ thuật đô thị, đường sắt đô thị…
Riêng trong lĩnh vực đường sắt, Powerchina có kinh nghiệm phong phú, đã làm hơn 2.000 km đường sắt cao tốc, 800 km tàu điện ngầm và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam. Công ty hiện đang hoạt động tại 130 quốc gia và đạt mức doanh thu 571 tỷ nhân dân tệ (khoảng 80 tỷ USD). Theo bảng xếp hạng năm 2023 của Tạp chí Fortune, PowerChina hiện xếp thứ 105 trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới và đứng thứ 32/500 doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc.
Tại Việt Nam, PowerChina hoạt động tại Việt Nam từ năm 2000 trong lĩnh vực năng lượng. Theo đó, tổng giá trị các hợp đồng của công ty tại Việt Nam đạt hơn 9 tỷ USD và sử dụng hơn 1.000 lao động, chuyên gia…
Đánh giá cao những kết quả hoạt động và hoan nghênh kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam của PowerChina trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng, Thủ tướng đề nghị tập đoàn phát huy những kết quả hợp tác tại Việt Nam, tiếp tục đầu tư nhiều hơn, mở rộng hơn lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là hợp tác, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp đường sắt và lĩnh vực năng lượng tái tạo, cũng như các lĩnh vực thế mạnh khác.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng mong muốn Tập đoàn tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc đề xuất các ý tưởng, dự án đầu tư mới, chuyển giao các giải pháp, kinh nghiệm quản trị, công nghệ hiện đại, thu hút nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển lĩnh vực đường sắt, các dự án đường sắt đã được lãnh đạo hai nước nhất trí thúc đẩy, cũng như các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM.
Đáp lại lời đề nghị của Thủ tướng, Phó Chủ tịch PowerChina Vương Tiểu Quân trước hết cảm ơn sự hỗ trợ của phía Việt Nam trong suốt quá trình PowerChina. Đồng thời, vị lãnh đạo cũng khẳng định PowerChina mong muốn và sẵn sàng tăng cường hợp tác với các đối tác Việt Nam trong phát triển lĩnh vực đường sắt, đường sắt đô thị và năng lượng mới, điện gió (nhất là tại miền Bắc).