2020- Một năm đầy biến động đối với ngành du lịch toàn cầu
Dịch COVID-19 dường như không đặt dấu chấm hết cho ngành du lịch, mà mở ra làn sóng chuyển đổi không ngừng của tất cả các quốc gia.
MỘT NĂM ẢM ĐẠM VỚI NGÀNH DU LỊCH TOÀN CẦU
Đại dịch COVID-19 biến 2020 trở thành một năm ảm đạm đối với nền công nghiệp không khói trị giá hàng tỷ USD. Nhu cầu đi lại đóng băng khiến du lịch thế giới thiệt hại gần 500 tỷ USD. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), lượng khách quốc tế tính đến hết quý II/2020 năm đã giảm 65%, tương đương khoảng 440 triệu lượt. Nếu chỉ tính riêng tháng 6, con số thậm chí còn tồi tệ hơn nhiều: giảm 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng báo động hơn khi sự giảm sút nghiêm trọng này cao gấp 5 lần những thiệt hại về du lịch mà cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu năm 2009 gây ra.
Mặc dù cho đến nay, một số quốc gia đang dần bước qua thời kỳ đỉnh dịch và nới lỏng các lệnh phong toả, song vẫn khó có thể bù đắp phần nào mức thâm hụt nặng nề. Trong đó, Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất khi bốc hơi khoảng 72% lượng khách quốc tế.
Ổ dịch tại Vũ Hán khiến nhu cầu đi lại trong nước cũng như xuất ngoại của khách Trung Quốc đóng băng (Nguồn: Reuters)
Lệnh phong toả giữa các quốc gia khiến du lịch nội địa trở thành mục tiêu phục hồi hàng đầu của ngành du lịch. UNWTO kỳ vọng du lịch nội địa sẽ sớm giúp phục hồi nền kinh tế và tạo thêm cơ hội cho những lao động bị mất việc làm. Cũng theo số liệu của UNWTO, du lịch nội địa đem lại mức doanh thu cao hơn du lịch quốc tế tại hầu hết các quốc gia. Trong khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chi tiêu cho du lịch nội địa chiếm tới 75%.
Ổ dịch tại Vũ Hán khiến nhu cầu đi lại trong nước cũng như xuất ngoại của khách Trung Quốc – vốn được coi là nguồn đóng góp chính cho du lịch toàn cầu – đóng băng. Theo đó, những điểm du lịch tại châu Á như Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản - nơi du khách Trung Quốc chiếm phần lớn lượng du khách nước ngoài, thiệt hại nhiều hơn cả.
Theo chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Thái Lan, có khoảng 1,3 triệu du khách Trung Quốc đã hủy các chuyến bay tới quốc gia này trong tháng 2 và tháng 3 do các lệnh phong toả. Số liệu từ Hội đồng Du lịch Thế giới (WTTC) cho thấy, trong năm 2018, chỉ riêng Trung Quốc đóng góp tới 51% doanh thu du lịch tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Du khách nước ngoài đeo kính chắn giọt bắn để đảm bảo an toàn (Nguồn: Reuters)
Châu Âu, châu Mỹ - những quốc gia dù ít phụ thuộc vào du khách Trung Quốc nhưng mức độ thiệt hại cũng không hề nhỏ. Thay vì đón 2 triệu du khách Trung Quốc trong năm nay, Hiệp hội Lữ hành Trung Quốc tại Pháp (ACAV) đã phải dừng mọi hoạt động thương mại. Doanh thu của các doanh nghiệp thành viên đã giảm ít nhất 33%.
TRONG "NGUY" CÓ "CƠ"
.Thế nhưng, trong cái "nguy", vẫn có "cơ". Dịch COVID-19 chính là "cái nôi" của một loạt các chương trình du lịch ảo, bong bóng du lịch và hành lang du lịch an toàn. Công ty Walk in Hong Kong (Trung Quốc) – vốn được biết đến với các tour du lịch giới thiệu về lịch sử và văn hóa địa phương là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số.
Walk in Hong Kong đã đưa ra sáng kiến cung cấp các tour du lịch trực tuyến để duy trì hoạt động vốn bị giãn đoạn vì COVID-19 như một phần của chiến lược kinh doanh dài hạn nhằm mở rộng đối tượng khách hàng, chứ không đơn thuần chỉ là nhóm du khách nội địa. Các tour tham quan bằng tiếng Quảng Đông thậm chí còn được tổ chức miễn phí một tuần một lần nhờ sự hỗ trợ của giới chức Trung Quốc và các tổ chức tư nhân.
Ý tưởng này nhanh chóng được du khách đón nhận. Chỉ trong một đêm, có tới 70 điểm đến được đăng ký, trong khi thông thường phải mất đến cả tuần để kín chỗ. Walk in Hong Kong cũng đang có kế hoạch phục vụ các du khách nước ngoài thông qua những chuyến tham quan bằng tiếng Anh được tính phí, với mức giá có thể giao động quanh ngưỡng 13 USD. Du khách sẽ chỉ cần ngồi tại nhà cũng có thể trải nghiệm một chuyến du lịch y như thật.
Thời điểm triển khai "bong bóng du lịch" giữa Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore bị bỏ ngỏ đến năm 2021 (Nguồn: Reuters)
Khái niệm "Bong bóng du lịch" cũng ra đời trong đại dịch. "Bong bóng du lịch" giữa Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore được coi là "bong bóng" đầu tiên trên thế giới, được thiết lập trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. "Bong bóng du lịch hàng không" này cho phép du khách di chuyển giữa hai nơi mà không phải cách ly hay thực hiện các biện pháp hạn chế phòng dịch.
Tuy nhiên, cho đến nay, do Hong Kong (Trung Quốc) vẫn đang nỗ lực khống chế dịch bệnh, thời điểm triển khai "bong bóng du lịch" giữa hai bên đã bị bỏ ngỏ đến năm 2021. Quyết định này sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực phục hồi ngành du lịch vốn đang chịu những thiệt hại nặng nề do đại dịch.
Ngành du lịch toàn cầu vẫn đang dần thích nghi với đại dịch. Dịch COVID-19 dường như không đặt dấu chấm hết cho ngành du lịch, mà đang mở ra làn sóng chuyển đổi không ngừng của tất cả các quốc gia trong cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ này.
VTV