MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2023 sẽ là mùa cổ tức "lịch sử" của nhiều ngân hàng

20-02-2023 - 11:10 AM | Tài chính - ngân hàng

2023 sẽ là mùa cổ tức "lịch sử" của nhiều ngân hàng

Sau nhiều năm ''ngóng chờ'', cổ đông một số ngân hàng sẽ được nhận cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay. Trong khi số khác cũng được chia cổ tức bằng cổ phiếu sau gần chục năm bị "treo niêu".

Hôm nay (20/2) là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu của Eximbank. Theo đó, cổ đông ngân hàng sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền nhận 20 cổ phiếu mới).

Đây là lần đầu tiên Eximbank chia cổ tức kể từ năm 2014 đến nay. Lần chia cổ tức gần đây nhất là 4% bằng tiền mặt cho năm 2013 và được thực hiện vào năm 2014. Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2021, cựu Chủ tịch ngân hàng là ông Yasuhiro Saitohcho cho biết, năm 2022, Eximbank đã thỏa mãn điều kiện cuối cùng để chia cổ tức sau khi tất toán xong toàn bộ trái phiếu VAMC.

Sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu chia cổ tức, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm gần 2.459 tỷ đồng, lên mức 14.814 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên Eximbank thực hiện tăng vốn điều lệ sau hơn một thập kỷ.

Tại Sacombank, ngân hàng cho biết chậm nhất đến năm 2023 sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc Đề án, qua đó chính thức hoàn thành trước hạn đã được NHNN phê duyệt. Trên cơ sở đó, Sacombank sẽ thực hiện các thủ tục xin phép NHNN để thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông.

Thực tế, trong những năm qua, Sacombank thực hiện Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập thêm Ngân hàng Phương Nam (Southern) nên chưa được phép chia cổ tức. Lần chia cổ tức gần nhất của nhà băng này diễn ra vào năm 2015 với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu.

Không chỉ Eximbank và Sacomabank, đây cũng là một mùa cổ tức đáng nhớ của nhiều ngân hàng khi hình thức chia cổ tức bằng tiền mặt được tái triển khai sau nhiều năm tạm dừng.

Cuối buổi đại hội cổ đông 2022, chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng cũng đã gây bất ngờ cho các cổ đông còn nán lại họp đến phút chót bằng thông báo có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt: "Với nền tảng vốn đạt được vào cuối năm nay không những đủ cơ sở để đảm bảo cho tăng trưởng cao theo kế hoạch trong 5 năm tới, mà Hội đồng quản trị dự kiến từ năm sau sẽ trình Đại hội Cổ đông chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm".

Nếu được NHNN chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên VPBank tiến hành trả cổ tức đại trà bằng tiền mặt cho cổ đông hiện hữu kể từ khi lên sàn vào năm 2017. Trước đó, ngân hàng này mới chỉ trả cổ tức tiền mặt cho hơn 73 triệu cổ phần ưu đãi vào năm 2018 theo tỷ lệ 20%.

ACB cũng dự định chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023, song chưa tiến hành các thủ tục liên quan. Trong kế hoạch phân phối lợi nhuận 2022 đã được đại hội cổ đông thông qua, ban lãnh đạo ACB cũng đề xuất phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (thực hiện trong năm 2023) bên cạnh 15% bằng cổ phiếu.

Như vậy, sau 7 năm, cổ đông ACB mới có cơ hội nhận được cổ tức bằng tiền mặt. Lần gần nhất ACB chi trả cổ tức bằng tiền mặt là vào năm 2015 với tỷ lệ 7% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 700 đồng). Với gần 896 triệu cổ phần lưu hành khi đó, ACB khi đó đã chi hơn 627 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2014.

Trong khi đó, VIB và TPBank là hai ngân hàng tiên phong trong hoạt động trả cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm tạm dừng theo yêu cầu của NHNN.

Mới đây, VIB đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 10/2 để tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng số tiền tạm ứng gần 2.108 tỷ đồng. Thời gian thực hiện chi trả tạm ứng cổ tức dự kiến ngày 3/3/2023.

Theo Nghị quyết ĐHCĐ, dựa trên dự phóng lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 là 8.400 tỷ, VIB có thể chia cổ tức tiền mặt lên đến 28%.

Nói về việc tái khởi động hình thức phân phối lợi nhuận này, lãnh đạo VIB cho biết, trong 3 năm gần đây, xuất phát từ tình hình tiềm ẩn rủi ro do dịch bệnh Covid-19, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt. Tuy nhiên, VIB dự báo sang năm 2023, NHNN sẽ không tiếp tục thực hiện mệnh lệnh hành chính này với tất cả TCTD, mà có thể chấp thuận cho những TCTD được xếp loại cao theo Thông tư 52/2018 được chia cổ tức bằng tiền mặt.

“Liên tục trong 3 năm qua, theo yêu cầu của NHNN, VIB đã không chi cổ tức bằng tiền mặt, chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu. Do vậy, việc chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023 sẽ đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của các cổ đông ngân hàng’’, Lãnh đạo VIB cho biết.

Cùng với VIB, TPBank dự kiến chốt danh sách cổ đông vào ngày 21/3 để trả cổ tức 25% bằng tiền mặt, tương ứng 2.500 đồng/cp. Thời gian chi trả dự kiến là ngày 3/4. Đây là lần đầu tiên TPBank trả cổ tức bằng tiền mặt kể từ năm 2012.

Trong văn bản xin ý kiến cổ đông, TPBank cho biết kể từ năm 2012, ngân hàng phải tái cơ cấu bắt buộc theo yêu cầu của Chính phủ và NHNN. Trong 10 năm tái cơ cấu, ngân hàng đã không chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, mà dành nguồn lực để tăng vốn điều lệ. Đến nay, xét thấy hoạt động kinh doanh của ngân hàng ổn định, có bề dày và phát triển an toàn, lành mạnh, cũng như để tri ân cổ đông, HĐQT ngân hàng đã đưa ra kế hoạch trả cổ tức nêu trên.

Với gần 1,582 tỷ cổ phiếu đang lưu hành và không có cổ phiếu quỹ, ước tính TPBank sẽ chi khoảng 3.955 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.

Hình thức chia cổ tức bằng tiền mặt bắt đầu bị NHNN thắt chặt từ năm 2020 nhằm dành nguồn lực xử lý các khoản nợ xấu, trái phiếu VAMC và phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ngoại lệ duy nhất đối với việc trả cổ tức tiền mặt là đối với các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank) do yêu cầu từ Kho bạc Nhà nước.

Trong bối cảnh dịch bệnh đã qua đi, nền kinh tế đang hồi phục trở lại, NHNN cũng không còn mạnh tay siết chặt việc chia cổ tức của các ngân hàng. Đây là cơ sở để một số ngân hàng có tiềm lực tài chính vững chắc giải tỏa ''cơn khát'' cổ tức tiền mặt cho các cổ đông.

Quang Hưng

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên