22 cổ phiếu ngân hàng giảm giá tuần qua, khối ngoại gom mua nhiều mã giá rẻ
Trong tuần giao dịch qua (17-21/10/2022), có 22/27 cổ phiếu ngân hàng giảm giá, trong đó nhiều mã mất trên dưới 10%.
Cụ thể, TCB giảm mạnh nhất khi “bốc hơi” 11%, đóng cửa tuần này còn 22.900 đồng/cp. Trong đó, phiên 21/10 cổ phiếu TCB giảm kịch biên độ. Từ đầu tháng 10 đến nay, cổ phiếu này đã giảm tới 30%.
2 cổ phiếu khác cũng giảm gần 10% là MBB (-9,6%) và STB (-9,6%). Tương tự TCB, STB cũng giảm sàn ngày 21/10 trong khi MBB cũng giảm mạnh 6,1% trong phiên này. Chỉ trong 3 tuần giao dịch đầu tháng 10, những cổ phiếu này đã mất 20-23% giá trị.
Các mã giảm mạnh trong tuần qua còn có ABB (-8,8%), PGB (-7,7%), LPB (-6,9%), SHB (-6,8%), MSB (-6,4%),….
Hiện có 5 cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá là VAB (8.200 đồng/cp), ABB (8.300 đồng/cp), VBB (9.400 đồng/cp), NAB (9.500 đồng/cp) và BVB (9.600 đồng/cp).
LPB và SHB sau khi phục hồi lên vùng 11.000-12.000 đồng/cp thì tuần này lại giảm mạnh và về sát mốc 10.000 đồng/cp. 2 cổ phiếu này đóng cửa ngày 21/10 lần lượt ở giá 10.050 đồng/cp và 10.250 đồng/cp.
Các cổ phiếu giảm nhẹ nhất là EIB (-0,3%), VCB (-0,2%),...EIB vẫn tiếp tục có các giao dịch thoả thuận sôi động, trong tuần qua có 70 triệu cp được trao tay theo phương thức này, tương đương khoảng 2.400 tỷ đồng. VCB cũng gần như không bị giảm trong tuần qua, cổ phiếu này có 3/5 phiên tăng giá, góp phần hỗ trợ VNIndex.
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong tuần qua, đa số là các mã giao dịch trên UPCoM như SGB (7,1%), NAB (3,7%), VBB (3,3%), KLB (0,9%). Tuy nhiên, thanh khoản rất thấp, như KLB có phiên chỉ 26 cổ phiếu được giao dịch, SGB cũng chỉ có 1.000-2.000 cp được trao tay trong một phiên.
Ngoài ra, một cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên HoSE là OCB cũng thoát khỏi nhóm giảm giá, đóng cửa tuần này ở mức 13.400 đồng/cp, tăng 0,8% so với cuối tuần trước.
OCB ghi nhận 3/5 phiên tăng giá trong tuần này với thanh khoản ổn định 0,6-1 triệu cp/phiên. Cổ phiếu này cũng là một trong những mã được khối ngoại gom tuần qua, mua ròng 146.250 đơn vị.
Môt số cổ phiếu khác cũng được khối ngoại mua ròng là SHB (2,2 triệu cp), CTG (1,2 triệu cp), TPB (gần 1,5 triệu cp), VCB (gần 2 triệu cp), BID (khoảng 900.000 cp), STB (600.000 cp), ...
Tâm điểm thông tin về các ngân hàng tuần qua là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2022. Hiện đã có khoảng 15 ngân hàng công bố lợi nhuận 9 tháng đầu năm và đều ghi nhận tăng trưởng dương. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, lợi nhuận của nhiều ngân hàng vẫn ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Đến thời điểm này, Techcombank là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất, đạt trên 20.000 tỷ đồng sau 9 tháng. VPBank cũng gần đạt mốc này với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 19.800 tỷ đồng.
Nhịp sống thị trường