22 triệu thùng dầu của Nga, Iran, Venezuela dồn ứ ngoài khơi Trung Quốc
Các tàu chở 22 triệu thùng dầu Nga, Iran và Venezuela đang “chất đống” ngoài khơi Trung Quốc giữa lúc nước này đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 mới.
- 07-04-2022Thị trường ngày 7/4: Giá dầu thấp nhất 3 tuần, vàng đi ngang, quặng sắt cao nhất 8 tháng
- 06-04-2022Saudi Arabia tăng giá bán dầu cho châu Á lên mức cao kỷ lục do tác động từ cuộc khủng hoảng nguồn cung từ Nga
- 06-04-2022Thị trường ngày 6/4: Giá đồng và cà phê cao nhất 1 tháng, dầu và vàng giảm
Công ty phân tích dữ liệu Kpler (Singapore) cho rằng dịch Covid-19 khiến nhu cầu sụt giảm và làm nảy sinh nhiều vấn đề về hậu cần.
Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, là một trong những khách hàng ít ỏi mua dầu của Iran và Venezuela trong mấy năm qua, khi hai nước này hứng chịu các lệnh trừng phạt. Khi dầu Nga bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt kinh tế liên quan đến cuộc xung đột quân sự ở Ukraine, Trung Quốc vẫn tiếp tục mua dầu thô từ nước này.
Trung Quốc là một trong những khách hàng hiếm hoi mua dầu của Iran và Venezuela - hai nước bị trừng phạt kinh tế trong nhiều năm qua. Ảnh: Reuters
Hiện tại, việc mua dầu giá rẻ của Trung Quốc đang bị gián đoạn do đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng tại nước này, khiến thời gian chờ đợi của các tàu hàng ngày càng kéo dài.
Theo nhà phân tích cấp cao Tạ Trân của Kpler, nhu cầu về dầu sẽ giảm ít nhất 450.000 thùng/ngày trong tháng 4. Điều đó chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ xăng và nhiên liệu máy bay giảm sút.
Bà Tạ nói với trang Bloomberg: "Việc Trung Quốc phong tỏa chống dịch chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn tới nhu cầu di chuyển trong nước, đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ sụt giảm. Thêm nữa, có các điểm nghẽn về hậu cần".
Đầu năm nay, đã có khoảng 10 triệu thùng dầu từ Nga, Iran và Venezuela cũng bị tắc nghẽn ngoài khơi Trung Quốc. Theo tính toán của Bloomberg dựa trên các số liệu chính thức, nhu cầu về dầu của Trung Quốc đạt khoảng 13,7 triệu thùng/ngày vào tháng 1 và tháng 2 trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại.
Kể từ ngày 28-3, trung bình thời gian các tàu chờ đợi tại các cảng của Trung Quốc đã tăng từ 4,46 ngày lên 5,85 ngày. Đối với các tàu Suezmax (loại tàu được thiết kế để đi qua kênh đào Suez) có thể chứa tới 1 triệu thùng dầu thô, thời gian chờ đợi đã tăng từ 4,46 ngày lên 15 ngày.
Nhu cầu về dầu của Trung Quốc đạt khoảng 13,7 triệu thùng/ngày vào tháng 1 và tháng 2. Ảnh: Bloomberg
Còn theo công ty phân tích Vortexa, có khoảng 16 triệu thùng dầu thô của Iran và Venezuela đang xếp hàng chờ đợi ngoài khơi Trung Quốc.
Emma Li, chuyên gia phân tích của Vortexa, cho biết khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày được gửi từ vùng Viễn Đông của Nga đến châu Á vào tháng 3, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 70%.
Bà Emma nói thêm rằng có 10 tàu cỡ lớn có thể chở khoảng 100.000 tấn dầu mỗi ngày từ vùng Viễn Đông của Nga đến Trung Quốc trong nửa đầu tháng 4. Chuyên gia này giải thích Trung Quốc có thể đã mua số dầu này trước khi chiến dịch quân sự tại Ukraine bắt đầu.
Cách nay vài ngày, Bloomberg dẫn một số nguồn tin cho biết nhiều tập đoàn năng lượng nhà nước của Trung Quốc như Sinopec và PetroChina đang thương lượng với các nhà cung ứng để đặt mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay từ Nga với mức chiết khấu cao.
LNG của Nga đang được bán với mức giá thấp hơn 10% so với LNG từ Trung Á. Do đó, mức giá chiết khấu cao này là lựa chọn hợp lý của Trung Quốc để bổ sung cho các kho chứa, trong bối cảnh giá năng lượng được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng do cuộc khủng hoảng Ukraine kéo dài.
Người lao động