22,25 tỷ USD của Việt Nam "xuất ngoại", 1 lĩnh vực nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư
Việc "mang chuông đi đánh xứ người" được coi là một trong những cách để các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi, trở nên xuất sắc.
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 57 dự án mới và 11 lượt điều chỉnh vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt hơn 137 triệu USD (bằng 42,7% so với cùng kỳ).
Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 12 ngành. Trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (chiếm 42,8% vốn), bán buôn, bán lẻ (chiếm 17,4% vốn); công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 14% vốn). Còn lại là các ngành khác.
Có 21 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024. Các nước thu hút đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Hà Lan (39,8%); Lào (25,9%); Hoa Kỳ (13,6%); New Zealand (4,3%);…
Lũy kế đến ngày 20/6/2024, Việt Nam đã có 1.743 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam hơn 22,25 tỷ USD.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,6%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,5%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,7%); Campuchia (13,1%); Venezuela (8,2%).
Trước đây, đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam chủ yếu là do các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thực hiện, với các dự án có quy mô vốn lớn. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của nền kinh tế thị trường, đến nay, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư và gặt hái được thành công tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Một số doanh nghiệp có thành tựu lớn phải kể đến như Tập đoàn Viettel, FPT, Vinamilk, NutiFood…
Chia sẻ về việc "mang chuông đi đánh xứ người" của các doanh nghiệp Việt, tại Hội nghị Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra nước ngoài diễn ra hồi năm 2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đi ra nước ngoài là cạnh tranh với những người xuất sắc nhất. Đây là cách để trở nên xuất sắc.
"Đi ra nước ngoài là mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi. Để thế giới biết đến Việt Nam thì không chỉ vì Việt Nam là nơi đến, mà còn là nơi Việt Nam đến. Đi ra nước ngoài là để Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.
Đi ra nước ngoài là mở rộng không gian, là mở rộng thách thức, cũng là mở rộng hệ tri thức, là học hỏi để xây dựng Việt Nam. Tất cả những cái này là để Việt Nam giỏi lên.
Không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao được", ông nhấn mạnh.
Trong các lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, công nghệ thông tin là ngành nổi trội hơn cả, đã mang về nhiều thành công. Đơn cử như trường hợp của Viettel. Trong 3 tháng đầu năm, viễn thông nước ngoài tổng doanh thu tăng trưởng trên 20% và lợi nhuận tăng trưởng 80% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu đạt 469,2 triệu USD, doanh thu dịch vụ đạt 984,5 triệu USD, lợi nhuận trước thuế đạt 111,8 triệu USD.
Hay như trường hợp của Tập đoàn FPT. Mảng Dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường nước ngoài tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, doanh thu ghi nhận 6.999 tỷ đồng, tương đương với mức tăng gần 29% so với cùng kỳ 2023. Điều này đã góp phần giúp cho FPT báo lãi hơn 2.500 tỷ đồng trong quý 1/2024.
Cổng thông tin Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tàu chính) dẫn lời TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian tới, khu vực Đông Nam Á, Hoa Kỳ và châu Âu là những thị trường mà các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam ưu tiên lựa chọn.
Đời sống pháp luật