23 nhà đầu tư điện gió, mặt trời lại "kêu cứu" Bộ trưởng vì thiếu hướng dẫn đàm phán mua bán điện với EVN
23 nhà đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên kiến nghị về việc hướng dẫn, chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới, thực hiện thanh quyết toán khi có giá chính thức theo hợp đồng mua bán điện.
- 22-05-2023Trung Nam lần đầu công bố tài chính sau khi rót vài chục nghìn tỷ vào điện gió-mặt trời: Tài sản tăng vọt lên 96.000 tỷ, lãi giảm sâu, nhiều khoản trái phiếu chậm thanh toán
- 20-05-2023Chủ Nhà máy điện gió Phong Liệu báo lãi năm 2022 đạt 124 tỷ đồng
- 08-05-2023Cơn ác mộng khiến hàng loạt dự án điện gió thua lỗ nặng cả trăm tỷ, đó là gì?
Trước đó, ngày 17/5, trong Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp giữa đại diện các bộ, ngành với các nhà đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện:
“Đối với các dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định: Bộ Công Thương khẩn trương có văn bản trước ngày 20 tháng 5 năm 2023 chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đàm phán với các chủ đầu tư với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới. Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện”.
Tuy nhiên, đến ngày 23/5, EVN vẫn chưa nhận được hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Công Thương theo nội dung Thông báo 182. Do vậy trong quá trình đàm phán sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện (PPA) cho các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp trong những ngày qua vẫn tiếp tục gặp vướng mắc.
Theo đó, trong dự thảo Hợp Đồng sửa đổi, bổ sung Hợp đồng mua bán điện, điều khoản về Giá mua điện vẫn chưa có quy định thể hiện rõ nội dung “Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện” như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ. Điều này dẫn tới việc các chủ đầu tư chưa thể ký Hợp đồng sửa đổi, bổ sung khi chưa làm rõ được việc thanh quyết toán sau khi có giá mua điện chính thức sẽ được thực hiện như thế nào.
Để tháo gỡ vướng mắc trên, nhóm 23 nhà đầu tư đề nghị Bộ Công thương có văn bản chỉ đạo EVN đàm phán với các Chủ đầu tư về mức giá tạm thời và cho phép EVN huy động lên lưới các dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định và hướng dẫn, chỉ đạo EVN quy định rõ các nội dung trong Hợp đồng sửa đổi, bổ sung.
“Điều này sẽ góp phần tránh lãng phí nguồn lực xã hội do việc đàm phán tiếp tục kéo dài, sớm sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành xây dựng, đủ điều kiện phát điện, góp một phần giải quyết vấn đề thiếu điện đang rất cấp bách hiện nay”, các nhà đầu tư nhấn mạnh.
Cụ thể, giá mua điện tạm thời Giá mua điện tạm thời: bằng 50% giá trần của khung giá phát điện theo Quyết định số 21, áp dụng cho đến khi có giá mua điện chính thức.
Khi có giá mua điện chính thức, bên mua điện và bên bán điện đàm phán và thống nhất giá mua điện chính thức. Sau khi thống nhất giá chính thức, sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát điện lên lưới.
Bên cạnh đó, một nội dung kiến nghị khác cũng được nhóm nhà đầu tư gửi đến Bộ Công Thương đó là việc sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 15/2022/TT-BCT và Quyết định 21/QĐ-BCT theo Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp ngày 17/5 và ban hành các văn bản hướng dẫn theo quy định để các dự án Điện gió, Điện mặt trời chuyển tiếp sớm có giá mua bán điện chính thức.
Nhịp sống thị trường