MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

24 thành phố nghìn tỷ của Trung Quốc chốt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023, ai sẽ “chạy” nhanh nhất?

26-02-2023 - 17:59 PM | Tài chính quốc tế

24 thành phố nghìn tỷ của Trung Quốc chốt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023, ai sẽ “chạy” nhanh nhất?

Là động cơ và trụ cột tăng trưởng kinh tế của vùng và thậm chí toàn quốc, "Câu lạc bộ các thành phố GRDP nghìn tỉ CNY" (1000 tỉ CNY tương đương 145 tỉ USD) đứng đầu “kim tự tháp phát triển” của Trung Quốc mới đây đã tiết lộ mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023.

Trang tin Ifeng (Trung Quốc) ngày 22/2 đưa tin, kì họp thứ nhất của Đại hội đại biểu nhân dân lần thứ 18 của thành phố Thành Đô đã khai mạc vào ngày 21/2, Thị trưởng Thành Đô Vương Phượng Triều đã báo cáo công tác của chính quyền thành phố, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) năm 2023 của Thành Đô dự kiến ​​sẽ tăng hơn 6%. Tính đến nay, tất cả 24 thành phố có GRDP nghìn tỉ CNY của Trung Quốc đã công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Mục tiêu tăng trưởng cao nhất của 24 thành phố là 7%

Các thành phố GRDP nghìn tỉ CNY chiếm vị trí then chốt trong cơ cấu kinh tế Trung Quốc. Theo tính toán của trang Ifeng, tổng GRDP năm 2021 của 24 thành phố này chiếm 38,4% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Trung Quốc. Về quy mô dân số, trong số 21 đô thị siêu lớn (dân số trên 10 triệu người) và đô thị đặc biệt lớn (dân số trên 5 triệu người đến dưới 10 triệu người) của Trung Quốc, có 7 đô thị siêu lớn đều là thành phố có GRDP nghìn tỉ CNY, và 10 trong số 14 đô thị đặc biệt lớn là thành phố có GRDP nghìn tỉ CNY.

Do đó, 24 thành phố GRDP nghìn tỉ CNY đã trở thành đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của vùng và thậm chí cả nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã tác động nặng nề đến kinh tế của các thành phố lớn, đô thị trung tâm. Năm 2022, chỉ có 11 trong số 24 thành phố này có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn hoặc bằng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả Trung Quốc là 3%.

Sau khi chính sách phòng chống dịch bệnh COVID-19 được điều chỉnh tối ưu hóa, nhiều địa phương tại Trung Quốc đang nỗ lực phục hồi kinh tế, và 24 thành phố GRDP nghìn tỉ đã trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của vùng, được kì vọng sẽ gánh vác nhiệm vụ quan trọng ổn định tăng trưởng của địa phương.

24 thành phố nghìn tỷ của Trung Quốc chốt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023, ai sẽ “chạy” nhanh nhất? - Ảnh 1.

Thành phố Quảng Châu đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 6%, GRDP sẽ vượt quá 3 nghìn tỉ CNY (435 tỉ USD) trong năm 2023. Ảnh: Baidu

Ngày 28/1/2023 - ngày làm việc đầu tiên sau kì nghỉ Tết Âm lịch, tỉnh Quảng Đông đã tổ chức hội nghị phát triển chất lượng cao cấp tỉnh.

Tại hội nghị này, tất cả các địa phương của tỉnh Quảng Đông đã xác định rõ mục tiêu của mình: thành phố Quảng Châu sẽ đảm bảo rằng, với tốc độ tăng trưởng hơn 6%, GRDP sẽ vượt quá 3 nghìn tỉ CNY (435 tỉ USD); thành phố Thâm Quyến sẽ hướng tới tốc độ tăng trưởng 6%, trong đó sẽ tiếp tục phát triển chất lượng cao và tập trung vào phát triển ổn định; thành phố Phật Sơn đảm bảo GRDP tăng trưởng 6%, đầu tư công nghiệp tăng 15% và xuất nhập khẩu tăng 5,5%; thành phố Đông Hoản phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 6%.

Trong tuần qua, tại các tỉnh miền Trung và miền Tây của Trung Quốc, các thành phố như Tây An, Thành Đô… đã liên tiếp tổ chức kì họp lưỡng hội năm 2023. Tính đến nay, tất cả 24 thành phố GRDP nghìn tỉ CNY đều đã tổ chức kì họp lưỡng hội tại địa phương và xác định rõ mục tiêu tăng trưởng trong năm nay. Từ đó, chúng ta có thể quan sát tình hình phát triển kinh tế của Trung Quốc trong năm nay.

Trang tin Ifeng thống kê báo cáo công tác của chính quyền ở 24 thành phố này cho thấy, 3 thành phố có mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7% trở lên, 4 thành phố có mục tiêu tăng trưởng từ 6,5% trở lên, 5 thành phố có mục tiêu từ 6% trở lên, 6 thành phố có mục tiêu từ 5,5% trở lên, 4 thành phố có mục tiêu khoảng 5% đến hơn 5%, 2 thành phố còn lại là khoảng 4% đến hơn 4,5%.

Trong số đó, mục tiêu tăng trưởng của các thành phố Trường Sa, Tây An và Trịnh Châu là cao nhất, với khoảng 7%. Trên thực tế, Trường Sa và Tây An cũng là những thành phố phát triển nhanh nhất trong số các thành phố GRDP nghìn tỉ CNY vào năm ngoái. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng của Trường Sa, Tây An lần lượt là 4,5% và 4,4%.

Dưới tác động bất lợi của dịch bệnh COVID-19, nắng nóng bất thường và cắt điện vào năm ngoái, GRDP năm 2022 của Thành Đô chỉ tăng 2,8% so với năm trước. Đối với việc Thành Đô đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 6% trong năm 2023, Thị trưởng Thành Đô Vương Phượng Triều giải thích rằng, Thành Đô là "động lực chính" cho sự phát triển của tỉnh Tứ Xuyên, phải duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, củng cố tiềm năng phát triển giữa các thành phố trực thuộc tỉnh, dẫn dắt sự phát triển chất lượng cao của tỉnh.

Đinh Nhiệm Trọng - Phó trưởng nhóm kinh tế vĩ mô của Ủy ban cố vấn ra quyết định của tỉnh Tứ Xuyên – cho biết, kể từ đầu năm nay, tất cả các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của Tứ Xuyên trong những năm qua thường cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả Trung Quốc hơn một điểm phần trăm, nhưng tốc độ tăng trưởng trong năm ngoái không khả quan và thấp hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước. Bởi vậy, Thành Đô với tư cách là thành phố thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, phải đi đầu và không ngừng tiến lên.

Giống như Thành Đô, các thành phố cũng là thủ phủ của tỉnh như Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) và Tây An (tỉnh Thiểm Tây) chiếm hơn 35% tổng GRDP toàn tỉnh và chịu trách nhiệm nặng nề khi đóng vai trò đầu tàu kinh tế.

Báo cáo công tác của chính quyền thành phố Vũ Hán cũng chỉ ra rằng, việc xác định mục tiêu tăng trưởng kinh tế dự kiến ​​hơn 6,5% không chỉ dựa trên lợi ích đa dạng từ các chính sách lớn của quốc gia, nhu cầu thực tế của thị trường, kì vọng về sự phát triển, mà còn dựa trên trách nhiệm "không thể trốn tránh" của Vũ Hán.

24 thành phố nghìn tỷ của Trung Quốc chốt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023, ai sẽ “chạy” nhanh nhất? - Ảnh 2.

Tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu, đoạn qua thành phố Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên). Ảnh: Baidu

Động lực tăng trưởng đến từ đâu?

Báo cáo công tác của chính quyền thành phố Thành Đô nêu rõ, cần nỗ lực đẩy nhanh phát triển kinh tế chất lượng cao, thúc đẩy phục hồi tiêu dùng mạnh mẽ, tăng cường đầu tư dự án, nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài và ngoại thương.

Theo trang tin Ifeng, sau khi điều chỉnh chính sách phòng chống dịch bệnh COVID-19, phục hồi tiêu dùng trở thành biến số lớn nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thành Đô đề xuất cải thiện không gian tiêu dùng, tạo ra các khu kinh doanh cốt lõi khác biệt, tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu dùng như hội chợ bánh kẹo và đồ uống, khuyến khích người dân chuyển sang dùng xe sử dụng năng lượng mới, đồng thời hỗ trợ các nhu cầu về nhà ở của những công dân mới đến thành phố, những người trẻ tuổi và các gia đình có nhiều con.

Trang tin Ifeng nhận định, về thúc đẩy phục hồi tiêu dùng, các mặt hàng tiêu dùng lớn như ô tô, nhà ở là trọng tâm kích cầu.

Báo cáo công tác của chính quyền thành phố Trịnh Châu đề xuất điều chỉnh hợp lý các khu vực hạn chế mua nhà, hỗ trợ nhóm mua nhà ở thương mại đang bán, đảm bảo cư dân của khu đô thị mới được đối xử bình đẳng, thúc đẩy cả cho thuê và mua nhà, giảm gánh nặng tín dụng khi mua nhà… để giải quyết vấn đề nhà ở của các tài năng trẻ và công dân mới đến thành phố, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng nhà ở một cách ổn định. Đồng thời, thực hiện các chính sách như miễn thuế mua xe sử dụng năng lượng mới, nới lỏng hạn chế nhập khẩu ô tô cũ… để ổn định và mở rộng tiêu thụ ô tô.

24 thành phố nghìn tỷ của Trung Quốc chốt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023, ai sẽ “chạy” nhanh nhất? - Ảnh 3.

Khu phát triển công nghiệp công nghệ cao Tây An. Ảnh: Baidu

Theo trang tin Ifeng, đầu tư dự án là chìa khóa tăng trưởng kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, nên các thành phố đều tập trung đầu tư dự án.

Báo cáo công tác của chính quyền thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) yêu cầu tăng cường vai trò chủ đạo của đầu tư: làm tốt 1.000 dự án trọng điểm của tỉnh và thành phố, hoàn thành khoản đầu tư hàng năm hơn 500 tỉ CNY (72,6 tỉ USD) và tăng tỉ lệ đầu tư dự án công nghiệp lên hơn 48%.

Đinh Nhiệm Trọng - Phó trưởng nhóm kinh tế vĩ mô của Ủy ban cố vấn ra quyết định của tỉnh Tứ Xuyên – cho biết, trong tương lai, cạnh tranh đô thị được xem xét qua hai vấn đề: thứ nhất là "lớn", nghĩa là các dự án lớn; thứ hai là "mới", nghĩa là các ngành mới nổi.

Trần Diệu - Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký của Hiệp hội kinh tế khu vực Trung Quốc- cho biết, sự cạnh tranh giữa các thành phố đã phát triển từ việc cạnh tranh các nhà máy lắp ráp điện tử như Foxconn trong quá khứ đến hiện tại là cạnh tranh các dự án sản xuất xe sử dụng năng lượng mới. Ngành sản xuất xe sử dụng năng lượng mới đang trong thời kì bùng nổ đã trở thành động lực chính cho sự phát triển của một số thành phố.

Theo trang tin Ifeng, Tây An là một trường hợp điển hình và mục tiêu tăng trưởng cao của thành phố này cũng rất đáng tin cậy.

Lý Minh Viễn - Thị trưởng Tây An - trong báo cáo công tác cho biết rằng, thị phần chip nhớ flash và các thành phần đơn tinh thể được sản xuất ở Tây An đứng đầu thế giới, và sản lượng phương tiện sử dụng năng lượng mới vượt quá 1 triệu chiếc, chiếm 14,1% sản lượng cả nước, đứng đầu Trung Quốc.

Trang tin Ifeng nhận định rằng, động lực tăng trưởng của kinh tế Tây An đến từ ba ngành công nghiệp đang bùng nổ là phương tiện sử dụng năng lượng mới, điện tử viễn thông và quang điện mặt trời.

Hữu Hiển

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên