MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

25/26 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong tháng 5, hàng loạt mã tăng trên 25%

28-05-2021 - 07:30 AM | Tài chính - ngân hàng

25/26 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong tháng 5, hàng loạt mã tăng trên 25%

25/26 cổ phiếu ngân hàng tăng giá từ đầu tháng 5 đến nay. Trong đó, có 7 mã tăng giá trên 25%. Chỉ một mã cổ phiếu ngân hàng giảm giá nhưng cũng chỉ giảm nhẹ 1,3%.

Tính đến kết thúc phiên giao dịch ngày 27/5, 26 mã cổ phiếu ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM đã tăng giá bình quân 17,4% so với cuối tháng 4/2021.

Trong đó, 25/26 mã tăng giá và chỉ một mã sụt giảm nhẹ 1,3% là cổ phiếu VCB của ngân hàng Vietcombank. Cụ thể, chốt phiên 27/5, cổ phiếu VCB đứng ở mức 98,7 nghìn đồng/cp, giảm 1.300 đồng so với phiên cuối cùng của tháng 4 (29/4/2021). So với đầu năm, cổ phiếu VCB chỉ tăng giá chưa đến 1%, dù vậy vẫn đang là cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao nhất.

Trong khi đó, có hàng loạt cổ phiếu ngân hàng tăng trên 25% trong vòng 1 tháng qua, nổi bật là những cổ phiếu của ngân hàng nhỏ tăng giá rất mạnh.

Mã BVB của ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất, tăng tới 47% lên 20.300 đồng/cp. Hiện BVB đang được giao dịch trên UPCoM. Diễn biến giá cổ phiếu này gây chú ý trong 3 phiên liên tiếp 20/5, 21/5, 24/5, khi tăng tổng cộng tới 30% trong đó có 1 phiên tăng trần (21/5).

Ngoài ra, SSB của SeABank tăng 38% lên 37.050 đồng/cp; SGB của ngân hàng Saigonbank tăng 32,8% lên 17.800 đồng/cp.

Cổ phiếu SSB mới chỉ lên sàn HoSE từ 24/3 nhưng đến nay đã tăng gấp hơn 2 lần, cũng là cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất từ đầu năm đến nay.

Nhiều mã khác tăng trên 25% trong tháng 5 như TCB của Techcombank (tăng 25,4%), ABB của ABBank (tăng 25,7%), TPB của TPBank (tăng 28,1%), VBB của VietBank (tăng 29,3%).

Các cổ phiếu của ngân hàng lớn như VPB của VPBank, STB của Sacombank, CTG của VietinBank, MBB của MBBank cũng tăng giá khá mạnh: VPB tăng 15%, STB tăng 24,7%, CTG tăng 23%, MBB tăng 20,3%.

25/26 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong tháng 5, hàng loạt mã tăng trên 25% - Ảnh 1.

Cổ phiếu ngân hàng đã liên tục hút dòng tiền trong thời gian qua. Tính từ đầu năm đến nay, 26 cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá tới 43,5%; trong đó có 3 mã tăng gấp hơn 2 lần là SSB (tăng 120%), LPB (tăng 111%), VPB (tăng 107%); ngoài ra có VIB và NVB tăng xấp xỉ 2 lần (tăng 97% và 98%).

Động lực tăng giá chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh khả quan, lợi nhuận tăng mạnh và kế hoạch chia cổ tức, tăng vốn, phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài của các nhà băng trong năm nay.

Trong báo cáo phân tích mới đây, chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) nhận xét, kết thúc quý 1, kết quả kinh doanh của các ngân hàng đều tích cực so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận các ngân hàng tăng nhờ 4 yếu tố. Thứ nhất là nền lợi nhuận thấp của cùng kỳ năm trước. Thứ hai là tăng trưởng tín dụng cao so với quý 1/2020 - giai đoạn nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng cho vay âm. Thứ ba là biên lãi thuần mở rộng nhờ chi phí huy động giảm mạnh hơn lãi suất cho vay khách hàng. Cuối cùng là tăng cường cắt giảm chi phí hoạt động và chất lượng tài sản vẫn được kiểm soát tốt.

Ngoài ra, IVS cho rằng, nợ xấu đang được các ngân hàng kiếm soát tốt. Tổng nợ xấu các ngân hàng tăng 5,3% so với cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu tại một số ngân hàng tăng (ACB, MB, Vietcombank) có thể do việc hạch toán một phần nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ.

Thông tư 03/2021 thay thế Thông tư 01/2020 có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các ngân hàng giúp giải tỏa áp lực dự phòng trong ngắn hạn. Tại các cuộc họp cổ đông thường niên của ngân hàng năm nay, vấn đề tăng vốn thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu được nhiều nhà băng đề cập.

Dựa trên kết quả kinh doanh quý I và năng lực kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam cùng các chính sách hỗ trợ từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất, TT03/2021, IVS cho rằng hầu hết các ngân hàng sẽ hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2021.

Một số ngân hàng được dự báo có kết quả kinh doanh nổi bật như VPBank với dòng tiền về từ bán FE Credit, VietinBank hồi phục sau giai đoạn tái cấu trúc, Vietcombank không còn áp lực dự phòng.

Cùng với kết quả kinh doanh tích cực, hoạt động tăng vốn và tìm kiếm đối tác chiến lược (LienVietPostBank, OCB, SHB, Vietcombank, TPBank, VPBank) hay ký kết hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền (HDBank, LienVietPostBank), sẽ là một trong những động lực tích cực thúc đẩy đà tăng của các cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn 2021-2022.

Thu Thủy

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên