MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

25 - 30 tuổi, vé hai chiều trở thành vé một chiều: Không còn điểm dừng chân, không còn nơi quay về, ít nhất phải biết mình đang đi về đâu

23-03-2019 - 22:59 PM | Sống

Xin đừng lười biếng lúc này, nếu không, sau này có muốn làm biếng cũng không được!

(1)

Những trọng trách mà bất kì người nào trong độ tuổi từ 25 đến 30 phải gánh vác.

Trọng trách 1: Gia đình

Gia đình là nền tảng giúp bạn có được ngày hôm nay. Bây giờ, bạn đã đủ khả năng và có trách nhiệm phải vun vén, xây dựng tổ ấm của mình.

Nếu đến độ tuổi này, bạn vẫn còn mải mê vui chơi và không dành thời gian suy nghĩ về gia đình của mình, bạn nên xem xét lại. Nếu như bạn đã có một công việc với mức thu nhập ổn định, một người vợ xinh đẹp và những đứa con thơ, câu hỏi bạn cần phải đặt ra cho bản thân mình là: "Gia đình mình cần gì?". Cụ thể hơn, mình phải làm những gì để có thể phụng dưỡng cha mẹ già, trở thành trụ cột vững chắc cho gia đình. Và để làm những điều đó, sự nghiệp của mình cần phát triển như thế nào?

Khi bạn trong độ tuổi 25 – 30, nếu con đường công danh phía trước còn chưa rõ ràng, mức thu nhập không thấy khả năng tăng lên, áp lực đặt trên vai bạn sẽ trở nên cực kì nặng nề. Nỗi băn khoăn không biết nên đi tìm một công việc mới hay ở lại sẽ hạn chế bạn trong việc tìm kiếm một cơ hội phát triển tốt hơn.

Khi bạn trong độ tuổi 25 – 30, mọi quyết định bạn đưa ra đều dè dặt. Nếu ở, bạn không biết liệu tương lai mình có thể tốt hơn, hay cứ tiếp tục thế này. Nếu đi, bạn sợ đối diện với những bất ổn ở môi trường làm việc mới, và không biết khi chấp nhận công việc mới với mức thu nhập thấp hơn, bạn có nắm chắc trong tay cơ hội phát triển trong tương lai?

Gia đình phụ thuộc vào bạn, vì vậy, bạn nào có dám làm càn?

Vì vậy, hãy tranh thủ lúc mình còn trẻ, đầu óc chưa bị chật kín trong những suy nghĩ về gia đình, vợ con, nỗ lực tiến hết mình về phía trước.

Xin đừng lười biếng lúc này, nếu không, sau này có muốn làm biếng cũng không được!

25 - 30 tuổi, vé hai chiều trở thành vé một chiều: Không còn điểm dừng chân, không còn nơi quay về, ít nhất phải biết mình đang đi về đâu - Ảnh 1.

Trọng trách 2: Mài dũa năng lực

Tại sao trong các tin tuyển dụng, công việc với mức lương càng cao, yêu cầu về kinh nghiệm làm việc càng nhiều? Lí do là ở thời gian làm việc.

Người ta quan niệm rằng, thời gian làm việc tỉ lệ thuận với hiệu suất làm việc. Nghĩa là, tuổi đời càng cao, kinh nghiệm càng nhiều, yêu cầu công việc đối với bạn càng khắt khe hơn.

Những công việc mà bạn dễ dàng nhận được ngày xưa bây giờ không dành cho bạn nữa. Bây giờ, bạn phải chấp nhận làm việc mang tính chuyên môn cao hơn, không thì bạn sẽ nhận được cái lắc đầu phũ phàng từ nhà tuyển dụng.

Nếu sau nhiều năm làm việc, kinh nghiệm của bạn không nhỉnh hơn những người có một năm kinh nghiệm là bao, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khan trong việc phát triển sự nghiệp sau này.

Nhưng tại sao kinh nghiệm của bạn không tăng tỉ lệ thuận với số năm làm việc. Có hai lí do chính:

Lí do thứ nhất: Bạn không ngồi yên được ở một công ty nào. Nay bạn ở vị trí này, mai bạn ở vị trí khác. Mỗi công việc bạn biết một tí, nhưng năng lực chuyên môn ở một lĩnh vực cụ thể, bạn lại không có.

Lí do thứ hai: Bạn không chịu đột phá trong công việc, thực hiện đi thực hiện lại công việc của mình ngày qua ngày như những cỗ máy vô tri.

Khi bạn đến tuổi 30, bạn đã đủ chín chắn, và cũng đủ thời gian cần thiết để nhìn lại mình: Mình có thay đổi gì so với mình khi vừa mới tốt nghiệp, chân ướt chân ráo đi làm không?

Nếu câu trả lời có chữ KHÔNG, cho dù là "không" hay là "không đáng kể", bạn phải cẩn thận trước những gì mình làm trong tương lai, phải nghĩ xem mình cần làm gì để bù đắp khoảng thời gian bị lãng phí, để không bị tụt hậu với những lực lượng trẻ thiện chiến, sẵn sàng cạnh tranh để giành lấy vị trí cua mình.

25 - 30 tuổi, vé hai chiều trở thành vé một chiều: Không còn điểm dừng chân, không còn nơi quay về, ít nhất phải biết mình đang đi về đâu - Ảnh 2.

(2)

Trước tuổi 30 cần làm gì?

Bạn cần tìm cho mình một mục tiêu để có thể bền bỉ theo đuổi trong thời gian tối thiểu 5 năm. Làm được điều này, bạn đã trả lời được câu hỏi mà nhiều người vẫn còn mù mờ: Tôi là ai? Tôi muốn tương lai thành người thế nào?

Khi đã có một mục tiêu rõ ràng, mọi hành động tiếp theo bạn thực hiện sẽ tự động hướng về mục tiêu đó. Cũng chính những hành động này sẽ tạo đà cho sự thăng tiến của bạn trong tương lai, vạch một đường ranh giới giữ bạn an toàn với những ứng viên xuất sắc trực tiếp cạnh tranh với bạn. Những hành động bạn làm sẽ giúp bạn có kinh nghiệm, và mặc dù kinh nghiệm càng nhiều không đồng nghĩa với năng lực càng cao, nhưng sự thiếu vắng kinh nghiệm sẽ không giúp bạn có thể có được một năng lực nổi trội.

Biết đích của mình ở đâu, bạn đi chậm hay đi nhanh, sau cùng bạn vẫn sẽ chinh phục được mục tiêu của mình. Nếu không, bạn tưởng mình đi nhiều, nhưng thực chất bạn chỉ đang đi lòng vòng mà chẳng về được nơi nào cụ thể.

Bạn có biết đến quy luật 10.000 giờ. Quy luật đấy phát biểu: Nếu bạn muốn thành chuyên gia trong lĩnh vực gì, bạn phải bỏ ra tối thiểu 10.000 giờ cho lĩnh vực đó.

Ai cũng biết Cristiano Ronaldo là một cầu thủ xuất chúng. Nhưng mấy ai biết rằng, để được như ngày hôm nay, Ronaldo đã dành bao nhiêu thời gian cho việc tập luyện?

Ai cũng biết Steve Jobs là một bậc thầy trong công việc của mình. Nhưng mấy ai biết rằng, để được như vậy, ông đã phải bỏ biết bao thời gian suy nghĩ, học tập và làm lại từ đầu sau những thất bại?

Theo tôi, bạn chỉ có thể làm tốt được một việc khi bạn chịu gắn bó với công việc đó trong thời gian tối thiểu 5 năm. Bên cạnh đó, việc tích luỹ thời gian này cũng sẽ giúp bạn có đủ kiến thức cần thiết để vững bước trên con đường tương lai của mình.

25 - 30 tuổi, vé hai chiều trở thành vé một chiều: Không còn điểm dừng chân, không còn nơi quay về, ít nhất phải biết mình đang đi về đâu - Ảnh 3.

(3)

Bên cạnh năng lực, điều gì cũng rất quan trọng cần được để ý?

Thái độ trong công việc là yếu tố ảnh hướng rất lớn đến sự nghiệp của bạn. Dưới đây là một số yếu tố quan trọng cần để mắt tới:

1. Các mối quan hệ trong công việc

Trong công việc, bao gồm các mối quan hệ sau: Sếp, đồng nghiệp, đối tác.

Quan hệ không tốt với người đứng đầu công ty là bạn đang tự đào hố chôn mình. Bạn làm được việc cũng sẽ thành không được việc, rất khó để thu nhập của bạn có thể tăng lên khi làm việc tại công ty này.

Quan hệ không tốt với đồng nghiệp, những việc bạn đúng lý có thể giải quyết dễ dàng, sẽ trở nên cực kỳ khó khăn để hoàn thiện. Bạn cũng sẽ không nhận được sự trợ giúp cần thiết từ họ, và vì thế năng lực sẽ cứ mãi dậm chân tại chỗ.

Quan hệ không tốt với đối tác, hậu quả bạn gánh chịu sẽ tương đương với quan hệ không tốt với sếp.

Năng lực bạn có tài giỏi đến mấy, nếu bạn không duy trì mối quan hệ tốt với những thành phần trên, bạn sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong công việc của mình.

2. Sự chuyên nghiệp

Đừng làm mọi thứ cho xong, hãy làm đến hết khả năng của mình. Cho dù bạn muốn hay không muốn, khi được giao một công việc, hãy cố gắng làm hết khả năng của mình. Điểm chung của những người thành công, đó là duy trì được một thái độ chuyên nghiệp, làm việc hết mình, không hời hợt, trớt quớt.

Nếu như bạn phải làm công việc không mong muốn, cũng đừng làm với thái độ chống đối, bởi vì khi đó, bạn đang làm lãng phí thời gian của công ty và cả chính bạn. Và khi đó, không những bạn chẳng đạt được gì, bạn còn mất đi sự tín nhiệm của lãnh đạo công ty mình.

3. Bản lĩnh, sự lạc quan

Nếu thiếu đi bản lĩnh và sự lạc quan trong công việc, bạn sẽ không thể duy trì được một cái đầu tỉnh táo để tìm lối thoát trong những tình huống khó khăn.

25 - 30 tuổi, vé hai chiều trở thành vé một chiều: Không còn điểm dừng chân, không còn nơi quay về, ít nhất phải biết mình đang đi về đâu - Ảnh 4.

(4)

25 – 30 tuổi: Thay đổi hay là chết?

Theo thống kê, khả năng bứt phá trong nghề nghiệp của một người mạnh mẽ nhất trong giai đoạn 25 – 30 tuổi. Sau đó, cứ mỗi năm trôi qua, sức ì của một người càng lớn.

Khi 25 – 30 tuổi, phần đông trong chúng ta sẽ rơi vào một trong hai hoàn cảnh sau:

Một là, giữ một vị trí quan trọng nhất định trong công ty, có thể là trưởng phòng hoặc giám đốc bộ phận, tiền lương tương đối khấm khá.

Hai là, dậm chân tại chỗ ở một vị trí không cao cũng không thấp, tiền lương vừa phải, không bao giờ được lãnh đạo để ý.

Bạn phấn đấu sau này trở thành người thế nào?

Tôi nhận thấy, những người có sự nghiệp phát triển lẫy lừng đều chia sẻ với nhau điểm chung này: Đó là làm những việc họ đã thuần thục trong khoảng thời gian ít nhất là từ 6 năm trở lên. Trong khi đó, những người năng động, hay thay đổi công việc, lại gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển sự nghiệp của mình. Nếu không nhảy việc bao giờ, mà sự nghiệp vẫn mãi dậm chân, thì đó là do họ làm việc trong một quy trình khép kín, không chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những người khác giỏi hơn mình.

30 là cột mốc quan trọng trong cuộc đời một người. Bạn để ý mà xem, trong những bản tin tuyển dụng, rất ít công ty chiêu mộ những người ở độ tuổi trên 30. Nếu như bạn đến độ tuổi này và đang tìm cho mình một công việc mới, bạn sẽ thấy cơ hội dành cho những người như mình ít ỏi đến thế nào.

Vì vậy, vào thời điểm này, bất kể là lựa chọn nào, bạn cũng nên cân nhắc, chuẩn bị thật kĩ lưỡng cho tương lai của mình. Đừng để đến 30 tuổi mới vắt chân lên cổ, kiếm tìm cho mình sự ổn định.

Tài sản giá trị nhất của một người là tuổi trẻ, và sẽ khấu hao dần theo thời gian. Nếu bạn không chịu khó tìm tòi, bạn đã để tuổi trẻ vụt qua một cách lãng phí, và tuổi 30 sẽ đón chào bạn bằng những tiếng nấc nghẹn ngào.

Trước 30 tuổi, hãy cứ làm đi, sai cũng được, vì đó là nguồn vốn quý báu cho tương lai của bạn sau này. Sai lầm của hiện tại sẽ giúp tương lai của bạn không trở nên mông lung, mịt mờ, giúp bạn có một hướng đi rõ rang để phát triển sự nghiệp của mình. Hãy sử dụng khoảng thời gian này thật hiệu quả, vì đây rất có thể là khoảng thời gian tốt nhất của bạn để trưởng thành.

Xã hội có thể rất bao dung khi bạn còn trẻ người non dạ, nhưng khi bạn đã 30 tuổi, mọi hành động của bạn sẽ đều phải trả giá. Một bước đi sai lầm, bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả mà mình không thể tưởng tượng được. Hi vọng khi bạn đến tuổi 30, bạn đã chuẩn bị hành trang đầy đủ, sẵn sàng nghênh chiến và chinh phục cột mốc khó nhằn này.

Theo Đình Trọng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên