MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

25 năm TTCK: Lãnh đạo ngành chứng khoán khẳng định vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn

25 năm TTCK: Lãnh đạo ngành chứng khoán khẳng định vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn

Giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đã tăng khoảng 6,5 lần trong vòng 10 năm qua và hiện đạt khoảng 50 tỷ USD.

Chỉ còn ít ngày nữa là tròn 25 năm thành lập UBCKNN (28/11/1996-28/11/2021). Trải qua 25 năm ra đời UBCKNN và 21 năm thị trường chứng khoán, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và những nỗ lực của cơ quản quản lý cũng như là các thành viên, thị trường chứng khoán ngày càng khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Tính đến cuối tháng 10/2021, thị trường chứng khoán đã có tổng cộng 1.651 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán và đăng ký giao dịch trên UPCoM. Trong đó, có 755 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán và 896 cổ phiếu ĐKGD trên UPCoM.  Chỉ tính riêng trong 10 năm trở lại đây, TTCK đã giúp huy động 2,9 triệu tỷ đồng cho đầu tư phát triển. Trong đó, huy động vốn qua thị trường cổ phiếu đạt 365 nghìn tỷ đồng. Tổng giá trị huy động của nhà nước thông qua đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn tại 2 Sở giao dịch chứng khoán là 255 nghìn tỷ đồng, giúp hình thành hệ thống các doanh nghiệp quy mô lớn hàng đầu Việt Nam hiện nay.

25 năm TTCK: Lãnh đạo ngành chứng khoán khẳng định vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn - Ảnh 1.

Tính đến giữa tháng 11/2021, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.678.000 tỷ đồng, tương đương 122% GDP, tăng gấp 7.787 lần so với cuối năm 2.000. Hệ thống công nghệ, hệ thống giao dịch đã đạt một bước phát triển mới, giúp mức thanh khoản bình quân đạt hơn 25.000 tỷ đồng/phiên (tương đương trên 1 tỷ USD/phiên), tăng gấp hơn 18.380 lần so với bình quân năm 2.000…

Talkshow Phố Tài chính đã có bài phỏng vấn lãnh đạo các Sở giao dịch chứng khoán, thành viên thị trường để nhìn lại dấu mốc 25 năm phát triển của ngành chứng khoán thời gian qua.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCK

25 năm TTCK: Lãnh đạo ngành chứng khoán khẳng định vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn - Ảnh 2.

Sau 25 năm phát triển TTCK, chúng ta đã đạt được những kết quả rất tốt, đặc biệt chúng ta đã có một nền tảng pháp lý cho thị trường hoàn chỉnh, cơ cấu thị trường ngày càng được hoàn thiện hơn. Để có được những kết quả của ngày hôm nay, đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính và sự tham gia hết sức tích cực của các thành viên thị trường.

Về mặt cơ bản chúng ta đã đạt được mục tiêu của giai đoạn 2010-2020, hiện nay Bộ Tài chính đã và đang chỉ đạo Ủy ban chứng khoán xây dựng Đề án "Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2021-2030". Hiện nay chúng tôi đang dự thảo, đang chuẩn bị lấy ý kiến của các thành viên thị trường.

Điểm thứ nhất là phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam phải đồng bộ với hệ thống phát triển chung của hệ thống tài chính Việt Nam, đồng bộ với các thị trường khác và cái thứ 2 là chúng ta tiếp tục mở rộng quy mô của thị trường nhưng phải nâng cao độ sâu và độ bền vững của thị trường. Quan điểm thứ 3 là chúng ta phải phát triển thị trường một cách đồng bộ, phát triển thị trường phù hợp theo những sự phát triển chung của nền kinh tế, điểm thứ 4 đặc biệt hết sức quan trọng là cái sự phát triển thị trường trên cơ sở đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch để làm sao cái phát triển dựa trên cơ sở ổn định và bền vững.

Ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc Sở GDCK TP.Hồ Chí Minh (HOSE)

25 năm TTCK: Lãnh đạo ngành chứng khoán khẳng định vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn - Ảnh 3.

Kể từ khi khai trương vào năm 2000 với hai cổ phiếu ban đầu, đến nay  thị trường chứng khoán đã có gần 4 triệu tài khoản giao dịch, quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã vượt 100% GDP và Việt Nam là một trong 4 quốc gia trong khu vực ASEAN có tỷ lệ này, giá trị giao dịch hàng ngày hiện nay cũng đã vượt ngưỡng 1 tỷ đô la Mỹ, những con số đó cho thấy một nền kinh tế cổ phiếu đã hình thành.

Còn thị trường chứng khoán phái sinh tiếp tục là công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả với khối lượng giao dịch bình quân năm 2021 tăng gấp 17,4 lần so với bình quân năm 2017. 

Trong khi đó, thị trường trái phiếu duy trì ổn định với thanh khoản trái phiếu tính đến giữa tháng năm 2021, đạt mức 10,94 nghìn tỷ đồng/phiên, gấp 30 lần so với năm 2009. Lãi suất huy động bình quân giảm từ 8% xuống mức 2,29% trong năm nay, kỳ hạn huy động tăng từ 2-3 năm, góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu và tăng tính bền vững cho danh mục nợ công quốc gia và chủ động nguồn vốn cho đầu tư công.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX)

25 năm TTCK: Lãnh đạo ngành chứng khoán khẳng định vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn - Ảnh 4.

Chúng tôi đã giúp Bộ Tài chính thông qua kênh của Kho bạc phát hành hàng năm khoảng hơn 250 nghìn tỷ đồng, giúp huy động vốn cho Ngân sách Nhà nước, hỗ trợ giảm lãi suất, kỳ hạn trả lãi được kéo dài ra. Có thể nói, giao dịch trái phiếu Chính phủ, đối với cả thị trường thứ cấp, đã tăng trưởng qua hàng năm và cũng đã được ngân hàng ADB đánh giá là một trong những thị trường trái phiếu phát triển tương đối mạnh đối với cả khu vực Châu Á, với tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm trong thập kỷ qua.

Đối với hoạt động về đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ trong 25 năm hình thành và phát triển ngành chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp gần 2.400 mã chứng khoán cho thị trường với tổng số gần 200 tỷ chứng khoán được đăng ký, gấp khoảng 66 lần so với giai đoạn đầu. Từ năm 2006 đến nay, có khoảng 30 triệu tỷ đồng đã được thanh toán qua VSD, gấp 77 lần so với ban đầu. Qua đó, đóng góp quan trọng trong vấn đề hoàn thiện thể chế, cấu trúc của thị trường chứng khoán.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD)

25 năm TTCK: Lãnh đạo ngành chứng khoán khẳng định vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn - Ảnh 5.

Trong giai đoạn sắp tới đến 2025 và 2030, chúng tôi tập trung chú trọng vào phát triển nền tảng công nghệ cho thị trường trên cơ sở các nền tảng của các công nghệ chuỗi khối. công nghệ sổ cái phân tán cũng như các sản phẩm về tài chính mã hóa. Chúng tôi cũng từng bước tiếp cận với các thông lệ quốc tế để đưa vào các sản phẩm mới, đáp ứng yêu cầu cho thị trường. 

Trong khi đó, hệ thống các văn bản pháp luật của thị trường chứng khoán cũng ngày càng hoàn thiện hơn, đặc biệt là Luật chứng khoán sửa đổi được thông qua và đã có hiệu lực thi hành, đã góp phần thúc đẩy chất lượng DN niêm yết, gia tăng tính minh bạch trên thị trường chứng khoán, giúp tiệm cận hơn với các thông lệ quốc tế và với việc nâng hạng thị trường, qua đó thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mạnh mẽ hơn. 

Tính đến tháng 10/2021, số tài khoản Nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường chứng khoán đến là hơn 38.700 tài khoản. Giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đã tăng khoảng 6,5 lần trong vòng 10 năm qua và hiện đạt khoảng 50 tỷ USD.

Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital

25 năm TTCK: Lãnh đạo ngành chứng khoán khẳng định vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn - Ảnh 6.

Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ được nâng hạng từ thị trường MSCI FM (Frontier Markets) lên thị trường mới nổi MSCI (Emerging Markets). Khi vào thị trường Emerging Markets thì sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng ít nhất 100 lần so với quy mô hiện nay.

Châu Cao (ghi)

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên