28 lỗi vi phạm bị trừ điểm giấy phép lái xe: Làm rõ quy định trừ điểm để tránh tiêu cực
Để tránh tình trạng 'mua điểm' hoặc xin không bị trừ điểm, cần phải có quy định rõ ràng hơn về số điểm, cách cộng/trừ điểm và cách thức quản lý điểm số của bằng lái xe.
- 04-09-202028 lỗi vi phạm có thể bị trừ điểm trong giấy phép lái xe, hết 12 điểm phải thi lại
- 03-09-2020Chính phủ đồng ý giấy phép lái xe có 12 điểm/năm, vi phạm bị trừ hết điểm phải thi lại
- 16-01-2020Những lỗi vi phạm với xe máy khiến tài xế bị tước giấy phép lái xe ngay lập tức theo Nghị định 100
Mới đây, trong Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ lần thứ 2, Bộ Công an đề xuất 28 hành vi và nhóm hành vi bị áp dụng xử phạt vi phạm hành chính và trừ điểm trong giấy phép lái xe.
Trong Nghị quyết này, Chính phủ thống nhất quy định về điểm giấy phép lái xe (GPLX) là 1 biện pháp quản lý hành chính, không phải là một hình thức xử phạt hành chính.
Dự thảo Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông đề xuất 28 hành vi và nhóm hành vi bị trừ điểm bằng lái.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Đặng Xuân Cường (Đoàn LSTP Hà Nội) đánh giá việc này nhằm khuyến khích tài xế chấp hành tốt quy định của Luật Giao thông và đảm bảo việc công bằng, thưởng phạt phân minh. Chính vì vậy, việc cộng điểm cho lái xe trong 1 năm không có vi phạm là điểm rất tích cực.
“Tuy việc tuân thủ pháp luật là nghĩa vụ của mỗi công dân, nhưng việc cộng điểm này sẽ giúp lái xe có ý thức hơn trong việc chấp hành quy định của pháp luật khi tham giao thông. Một số nước có hệ số an toàn giao thông cao đã sử dụng hệ thống trừ điểm này như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và có hiệu quả tốt.
Quy định này giúp các tài xế nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông tốt hơn để duy trì điểm số bằng lái, tránh mất quyền lái xe”, luật sư Cường nêu quan điểm.
Tuy nhiên, luật sư cũng chỉ ra những điểm chưa phù hợp, đặc biệt là về quỹ điểm.
Theo như dự thảo, 1 năm có 12 tháng, tính bằng 12 điểm; trong thời hạn 01 năm kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu người lái xe không bị trừ hết điểm thì cơ quan chức năng sẽ cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp; hoặc trong 01 năm mà tài xế không vi phạm thì được cộng điểm.
Quy định này dễ gây nhầm lẫn, không rõ quỹ điểm là 12 hay lớn hơn 12. Do đó, cần phải có quy định rõ ràng hơn về số điểm này để tránh xảy ra tình trạng “mua điểm” hoặc người vi phạm có thể sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn hơn để không bị trừ điểm.
Một vấn đề nữa là: Người có giấy phép lái xe (GPLX) có được tra cứu điểm của mình không? Hay việc này chỉ do cơ quan chức năng mới có công cụ quản lý?
Nếu không có quy định rõ ràng, có thể dẫn đến tình trạng điểm số không minh bạch, từ đó nảy sinh các vấn đề tiêu cực.
Trước đây đã từng có biện pháp đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe bằng cách "bấm lỗ".
Trường hợp bằng lái bị đánh dấu 2 lần vi phạm thì phải thi lại Luật Giao thông đường bộ, còn bị đánh dấu 3 lần thì bằng lái hết giá trị sử dụng. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, quy định này bị bãi bỏ do việc bấm lỗ trên giấy phép lái xe dễ phát sinh tiêu cực khi lái xe bị bấm lỗ nhiều thì cũng sẽ tìm nhiều cách để có bằng lái mới.
Mục đích của việc trừ điểm GPLX cũng tương tự như vậy. Khi quản lý hành chính đối với lái xe bằng hình thức này, người lái xe luôn phải tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với lỗi vi phạm và sẽ cẩn thận hơn trong việc tham gia giao thông để tránh vi phạm bị trừ thêm điểm nếu muốn được tiếp tục hành nghề.
Theo luật sư, để đánh giá dự thảo có phù hợp hay không, còn xem xét nhiều yếu tố: từ cơ quan nhà nước trong việc ban hành các quy định đến chế tài quản lý; quy định về thang điểm, cách tính, cách trừ điểm số cho phù hợp, minh bạch; ý thức của mỗi cá nhân khi tham gia giao thông. Ngoài ra, cần có các biện pháp giám sát, ngăn chặn tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình xử lý vi phạm và quản lý hành vi vi phạm.
Infonet