28 tuổi, đổi mạng vì công việc: Lấy sức khỏe đổi tiền rất đơn giản, nhưng lấy tiền để cứu lại mạng lại vô cùng khó khăn
Một cuộc sống hối hả và nhộn nhịp, nhưng lại đang nói cho chúng ta một chân tướng phũ phàng nhất: nhân sinh vô thường, không có công việc nào, đáng để chúng ta dùng mạng đổi lấy cả.
- 24-01-2021Bí quyết để trông trẻ trung như độ tuổi 20, có bác sĩ chỉ làm việc này mà 71 tuổi nhưng cơ thể khỏe mạnh như mới chỉ 28
- 16-01-2021Tưởng chỉ bị đau răng thông thường, cô gái 28 tuổi “tá hỏa” phát hiện mình mắc ung thư hiếm gặp: Bất kỳ ai cũng không được phép chủ quan!
- 05-01-202128 tuổi điều hành công ty Holding với bốn công ty con
01
Không có công việc nào đáng để bạn dùng mạng để đổi lấy
Vài tháng trước, ở Nội Mông Cổ, một diễn viên xiếc tên Fan Yun đã ngã từ bậc cao 8m xuống đất trong khi không có bất kì bảo hộ nào, phần đầu bị trọng thương, hôn mê sâu.
Vài ngày sau anh qua đời ở tuổi 28.
Fan Yun theo nghiệp nhào lộn đã nhiều năm, anh nổi tiếng với những màn biểu diễn mang độ khó cao, thậm chí còn được mệnh danh là "hoàng tử nhào lộn".
Đáng tiếc, vô số lần thành công, chỉ một lần thất bại duy nhất lại cũng là lần cướp đi tính mạng của chàng trai tài giỏi.
Đau lòng hơn nữa đó là khi ba mẹ của Fan Yun tới bệnh viện, họ phát hiện ra người phụ trách của đoàn xiếc chỉ chi trả cho anh đúng 3 ngày tiền thuốc thang.
Người nhà bất lực, chỉ còn biết chạy vạy khắp nơi tìm cách giữ tính mạng của con trai.
Anh của Fan Yun nói: "Chỉ cần cứu được em trai, có bán nhà đi tôi cũng bán."
Đáng tiếc, người, cuối cùng vẫn ra đi, để kẻ đầu bạc tiễn người tóc xanh.
Rất nhiều người trẻ, cũng cứ như vậy mà ra đi, họ còn chưa kịp cảm nhận sóng gió của cuộc đời, chưa kịp thực hiện những lý tưởng trong tim, đã lặng lẽ biến mất vào màn đêm.
Một cuộc sống hối hả và nhộn nhịp, nhưng lại đang nói cho chúng ta một chân tướng phũ phàng nhất: nhân sinh vô thường, không có công việc nào, đáng để chúng ta dùng mạng đổi lấy cả.
02
Chẳng ai muốn đứng ra "thanh toán" cho hóa đơn cuộc sống của bạn cả
Mùa đông năm 2019, diễn viên nổi tiếng người Đài Loan, Cao Dĩ Tường đột ngột ra đi khi đang tham gia một chương trình truyền hình thực tế của Trung Quốc.
Nguyên nhân trực tiếp châm ngòi nổ cho bi kịch này đó là kiệt sức sau 17 tiếng ghi hình liên tục.
Trong khi đó, công ty quản lý và bên sản xuất chương trình lại chỉ ra thông cáo thông báo rằng Cao Dĩ Tường ra đi vì "đột quỵ do vấn đề về tim mạch".
Một người rõ ràng đang vô cùng khỏe mạnh, bỗng nhiên rơi xuống và ra đi trong sự bàng hoàng của không biết bao nhiêu người.
Đối mặt với tử thần, chẳng có ai là ngoại lệ cả.
Đó là kết cục của một minh tinh, nhưng đổi lại là người làm công ăn lương bình thường, kết quả cũng chẳng vui vẻ hơn.
Có người nói rằng, "Lời nói dối đẹp đẽ nhất nơi công sở chính là khi ông chủ nói với nhân viên của mình rằng, "cứ nỗ lực hết sức mình vào, kiệt sức thì công ty nuôi."
Bạn cho rằng cứ nỗ lực hết sức, không màng tới sức khỏe, bạn có thể đổi lại được tương lai mà mình muốn.
Đáng tiếc là nếu bạn thực sự tin vào những điều đó, vậy thì bạn đã thua rồi.
Năm 2019, tin tức về một nhân viên bị bệnh bị cho nghỉ việc của NetEase (công ty công nghệ Internet của Trung Quốc cung cấp các dịch vụ trực tuyến tập trung vào nội dung, cộng đồng, truyền thông và thương mại) trở nên phổ biến trên khắp các trang mạng của Trung Quốc.
Đó là một nhà lập kế hoạch trò chơi tại NetEase, anh gia nhập NetEase sau khi tốt nghiệp Đại học Giao thông Thượng Hải vào năm 2014.
Công ty lấy "thăng chức tăng lương" làm "động lực" khiến anh thức đêm tăng ca, trong vòng 5 năm, hầu như tháng nào anh cũng làm việc quá sức, ngay cả vào các dịp nghỉ phép hay lễ tết cũng vẫn làm việc đều đặn.
Nhưng tất cả những nỗ lực ấy đổi lại được cái gì?
Vào tháng 1, anh đi khám sức khỏe và phát hiện ra cơ thể có vấn đề, tháng 3, anh bị quản lý đánh giá thang D cho hiệu suất công việc, và bị thông cáo rằng không thích hợp để ở lại công ty.
Ban đầu, công ty cố tình đánh giá anh hiệu suất làm việc thấp, loại anh ra khỏi các buổi làm việc nhóm, loại bỏ vị trí làm việc của anh.
Sau đó, bên HR trực tiếp đe dọa buộc anh phải tự xin nghỉ nếu không sẽ không được nghỉ phép hàng năm, ngay cả khi anh xin nghỉ làm, họ cũng tìm mọi cách để không cần đền bù khoản tiền đáng lẽ phải thực hiện cho những người xin nghỉ việc, rồi cuối cùng tuyệt tình tới mức yêu cầu an ninh đuổi anh ra khỏi công ty...
Suy sụp tâm lý, anh chỉ còn biết cảm thán: "Lời hứa đã từng nói đâu? Thăng chức tăng lương ở chỗ nào? Hóa ra tất cả chỉ là lừa bịp! Đánh đổi cả sức khỏe để bây giờ đổi lại được gì?"
Khi bạn đã không còn mang lại được giá trị gì cho công ty, dù có làm việc 5 năm, thì đuổi bạn, chỉ cần 5 phút.
Sống ở đời, bạn phải hiểu được một điều rằng, ngoài bản thân ra, không ai tình nguyện che chở, chăm sóc hay thanh toán cho hóa đơn cuộc sống của bạn cả.
Nhận thức rõ vị trí của mình ngay từ ban đầu quan trọng hơn bất kì nhiệt huyết hay ảo tưởng tươi đẹp nào.
03
Lấy mạng đổi tiền rất đơn giản, nhưng dùng tiền cứu lấy mạng lại rất khó
Thực ra rất nhiều người đều hiểu được một đạo lý rằng: Lấy mạng đổi tiền rất đơn giản, nhưng dùng tiền cứu lấy mạng lại không hề giản đơn.
Nhưng trên thực tế, phần lớn chúng ta lại không cách nào thoát ra được khỏi cái vòng lặp này.
Vì sao? Vì cuộc sống mưu sinh quả thực không hề dễ dàng.
Ai chẳng muốn có một cuộc sống đầy ý thơ, ai chẳng mơ ước được đi đó đây, đi tới những chân trời xa xôi, ai chẳng muốn nhẹ nhàng thảnh thơi, thong thả mà sống.
Ngày 23/3/2020, Lý Minh Hoa, một shipper 46 tuổi ở Trường Sa, Hồ Nam, Trung Quốc được tìm thấy qua đời trong căn nhà thuê, giống như một bông tuyết rơi trên mặt đất, âm thầm và lặng lẽ.
Cũng giống như hàng ngàn hàng vạn những người làm công khác, Lý Minh Hoa tới Trường Sa tìm việc làm vào năm 2019, anh từng làm qua rất nhiều nghề như bảo vệ, thợ xây rồi mới chuyển qua làm shipper.
Kể từ sau đó, anh sống trong một căn nhà trọ thuê với giá 700 tệ (khoảng 2,5 triệu), mỗi ngày dậy từ 5h sáng, làm việc tới tối muộn 11h, quanh năm không ngày nghỉ.
"Liều mạng" như vậy chỉ vì muốn kiếm thêm chút tiền, muốn người nhà sống một cuộc sống sung túc hơn một chút.
"Mưa to gió lớn vẫn đi ship hàng, nhiều khi thang máy hỏng, phải trèo tới tận hai mấy tầng cầu thang, cả người ướt nhẹp mồ hôi nhưng cũng không có thời gian thay áo."
Đây chính là cuộc sống của người đàn ông 46 tuổi.
Lần cuối cùng vợ của Lý Minh Hoa gọi điện tới cho anh là vào lúc 22h, hai người nói chuyện với nhau được khoảng 11 phút thì Lý Minh Hoa nói "có đơn tới rồi", rồi lập tức vội vã lên đường.
Không ngờ, đó lại là câu nói cuối cùng Lý Minh Hoa nói với vợ mình.
"Anh ấy luôn nói với tôi rằng mình rất mệt, nhưng muốn xin nghỉ cũng khó". Vợ của Lý Minh Hoa mở điện thoại của chồng, bên trong hiển thị số đơn hàng anh giao trong ngày cuối cùng của cuộc đời mình, 48 đơn hàng.
Còn hàng ngàn hàng vạn những Lý Minh Hoa trong cuộc sống này, họ tranh thủ kiếm từng đồng từng đồng một, nhưng một khi bệnh tật kéo đến, họ lại phải bỏ ra hàng triệu bạc để bù đắp.
Cứ như một vòng luẩn quẩn, dùng tiền để duy trì mạng, tiền duy trì mạng cũng lại là dùng sức khỏe để đổi lấy.
Tôi hiểu được sự bất lực, cũng hiểu được sự vất vả bên trong đó.
Sống ở đời, ai chẳng phải hết mình vì miếng cơm manh áo?
Nhưng tôi vẫn muốn nói với những người đang sống vất vả rằng: Bạn đã mệt quá rồi, nghỉ ngơi một chút đi, dù chỉ là một ngày, một tiếng thôi cũng được.
Thế giới này rất tàn khốc, nhưng cũng chính vì tàn khốc, nên mới cần tới sự thấu hiểu và yêu thương.
Chỉ một câu nói: "Bạn đã làm rất tốt rồi, bạn đã nỗ lực đủ rồi, đừng ép mình thêm nữa, hứa với tôi nhé, được không?"
Cũng có thể khiến ai đó bật khóc như một đứa trẻ trong đêm.
Có một câu nói rất hay rằng: Sức khỏe của một người là số 1, còn tiền bạc, tình cảm, sự nghiệp, gia đình… tất cả đều chỉ là con số 0 đằng sau số 1 ấy. Chỉ khi dựa vào số 1, những số 0 đằng sau mới có ý nghĩa.
Cuộc sống có khó khăn tới đâu thì "sống" mới là rất cả. Sống ở đời, ngoài chuyện sống chết ra, tất cả đều chỉ là chuyện nhỏ.
Một tiểu thuyết gia từng nói:
"Thế gian này, cái gì cũng có thể chọn được, trừ cuộc sống."
Vì vậy, đời còn dài, tương lai còn rộng, ngày qua ngày, hãy đối xử thật tốt với chính mình!
04
Hãy giữ lại sự rực rỡ của mình cho km tiếp theo
Một tác gia nói: "Chúng ta không thể nhìn thấy hết tuyết rơi trong cuộc đời mỗi người. Mỗi người đều phải một mình tự trải qua mùa đông trong cuộc đời của chính mình."
Đời người vốn dĩ là bể khổ, sau khi vén lên bức màn cuộc sống, bạn sẽ phát hiện ra, nỗi buồn thực ra vẫn luôn tồn tại như một điều rất hiển nhiên.
Vậy làm thế nào để cân bằng được bản thân trong một thế giới vốn không như là mơ như vậy?
Chúng ta cần phải có hai thứ.
Một là một nội tâm lộng lẫy, mạnh mẽ và hai là một cơ thể khỏe mạnh.
Cuộc sống quả thực rất khó khăn, nhưng càng cay đắng, càng cho thấy được sự cứng cỏi và rực rỡ của cuộc đời.
Cũng như một tác gia từng nói:
"Vì vậy phải đợi, phải nhẫn nại, đợi tới khi mùa xuân qua đi, tới khi huy hoàng lắng lại, tới khi sấm sét nhẹ nhàng buông tha cho ta, tới khi hạnh phúc không mời tự đến, có như vậy ta mới có thể vững vàng, thản nhiên, nở nụ cười tươi rói trên con đường đời đầy chông gai."
Cuộc sống vốn dĩ không dễ dàng, chúng ta không thể chỉ dán mắt với những lợi ích trong sự nghiệp mà quên đi mất cái vốn vô hình là sức khỏe, chỉ biết cúi đầu, liều mạng xông về phía trước.
Nếu không, bạn nửa đời trước dùng mạng kiếm tiền, nửa đời sau e là không thể dùng tiền mua được lại sức khỏe.
Ăn uống đàng hoàng, ngủ nghỉ hợp lý, những chuyện tưởng chừng như rất bình thường như vậy, thực ra mới là chuyện lớn của đời người.
Dù bạn có đang hô mưa gọi gió tới đâu, ngộ nhỡ gió đột ngột chuyển hướng, sức khỏe xảy ra vấn đề, tất cả sẽ chỉ còn là bong bóng.
Vì vậy, bất kể ước mơ của bạn có to lớn tới đâu, công việc có bận rộn tới đâu, cũng đừng lấy sức khỏe của mình ra làm trò đùa.
Lấy cơ thể ra để đánh cược với tương lại, bạn gánh không nổi, càng không để được thua.
Romain Rowland từng nói: "Thế gian này chỉ có một chủ nghĩa anh hùng, đó là sau khi nhìn rõ được chân tướng cuộc sống, bạn vẫn hết mực yêu thương nó."
Có lẽ chúng ta sẽ phải trải qua rất nhiều thăng trầm trong mấy chục năm cuộc đời, nhưng chỉ cần trong lòng còn có hi vọng, đó chính là nơi ánh sáng soi vào.
Doanh nghiệp và tiếp thị