MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2,8 tỷ USD gạo Thái xả hàng, Bộ Công Thương lập giải pháp ngăn mối đe dọa

Thúc đẩy thị trường xuất khẩu gạo là một trong những giải pháp mà Bộ Công Thương đưa ra trong thời gian tới.

Trước thông tin Chính phủ Thái Lan có thông báo sẽ bán toàn bộ 11,4 triệu tấn gạo dự trữ với mục tiêu thu về hơn 2,8 tỉ USD, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, người phát ngôn của Bộ Công Thương cho biết đang đẩy mạnh các giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu gạo.

Theo đó, Thứ trưởng cho biết Bộ Công Thương sẽ tăng cường công tác thông tin thị trường, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường hiệu quả, thiết thực cho các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu.

Tiếp tục đàm phán về mở cửa thị trường và các biện pháp phi thuế quan đối với mặt hàng gạo; phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến kiểm dịch; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Phối hợp với Bộ Ngoại giao và chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ tăng cường vận động, tháo gỡ khó khăn, rào cản, thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu gạo.

Phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các thương nhân xuất khẩu, doanh nghiệp đầu mối tại các thị trường tập trung tiếp tục tăng cường nắm sát tình hình thị trường, kịp thời có giải pháp điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường.Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại gạo để củng cố các thị trường trọng điểm, truyền thống và mở đường cho xuất khẩu gạo Việt Nam vào các thị trường mới, thị trường tiềm năng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương kiến nghị các Bộ, ngành, Hiệp hội phối hợp, triển khai, thực hiện một số biện pháp. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, VFA rà soát, đánh giá tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đối với sản xuất lúa gạo trong năm 2016, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, có kế hoạch phù hợp cho mùa vụ, đảm bảo nguồn cung trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Thường xuyên rà soát, cập nhật cân đối nguồn cung thóc, gạo hàng hóa để kịp thời phục vụ công tác điều hành xuất khẩu, chủ động trước diễn biến thị trường, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và chỉ số giá tiêu dùng CPI.

Rà soát lại các biện pháp của các nước và các cam kết quốc tế của Việt Nam về kiểm dịch thực vật; có biện pháp, giải pháp tháo gỡ khó khăn, rào cản về kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với gạo nhập khẩu của các nước để tạo thuận lợi cho việc mở rộng, đa dạng hóa thị trường.

Tăng cường chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, sản xuất lúa và chế biến, bảo quản sản phẩm thóc, gạo hàng hóa bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu, khắc phục vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm gạo. Phát triển thương hiệu gạo.

Đối với các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp phù hợp, cần thiết bảo đảm thống kê đúng số lượng gạo thực tế xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới. Xây dựng vùng nguyên liệu, kiểm tra hoạt động thu mua thóc, gạo nội địa, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trái quy định.

- Các địa phương vùng ĐBSCL cần theo dõi sát tình hình, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đối với sản xuất lúa gạo trong năm 2016 để xác định thực tế số lượng và diễn biến giá thóc, gạo dùng trong nội địa và dùng cho xuất khẩu trên địa bàn.

Hiệp hôi Lương thực Việt Nam chủ động theo dõi, nắm tình hình thực hiện quy định về dự trữ lưu thông, lượng gạo có sẵn trong kho khi đăng ký hợp đồng xuất khẩu của các thương nhân. Tăng cường nắm sát tình hình thị trường, kịp thời báo cáo, kiến nghị rõ các biện pháp cần thiết trong công tác điều hành để thúc đẩy xuất khẩu, giữ thị trường; chủ động đề xuất với các hoạt động chương trình xúc tiến thương mại nhằm củng cố, mở rộng và tìm kiếm thị trường mới, thị trường tiềm năng.

M.Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên