MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

29 tuổi, tôi mắc kẹt với khoản nợ 60.000 bảng Anh chỉ vì muốn bằng bạn bằng bè: Sống không biết nhìn trước ngó sau chính là đặt 1 chân vào nấm mồ nghèo túng!

19-04-2019 - 13:20 PM | Sống

Vòng xoáy nợ nần khiến con người ta lạc lối không thể tìm ra con đường sống đúng đắn cho chính mình.

Liam, 29 tuổi

24 tuổi, tôi có công việc đầu tiên trong ngành tài chính, và cố gắng hòa nhập vào môi trường công sở. Đồng nghiệp ai nấy đều diện những bộ cánh đắt tiền và dư dả để đi chơi xa vào cuối tuần hay đi ăn quán sang chảnh. Nó khác so với công việc từ thiện trước kia của tôi - nơi lương thấp nhưng mọi người thực sự nhiệt huyết với công việc. Đây là một thế giới hoàn toàn trái ngược - trẻ trung và cạnh tranh. Đột nhiên, tôi nhận ra mình bị bao quanh bởi những con người có xuất thân giàu có.

Làm việc ở bộ phận sale, tôi buộc phải hòa đồng và tập quen biết nhiều người trong ngành. Tôi đi chơi 4 tối/tuần, nhưng quán bar gần công ty không hề rẻ. Những tối đó sẽ tính vào tiền công ty, tuy nhiên phần lớn tôi đều phải trả. Tôi phải đi ra bar mua đồ uống cho đồng nghiệp, lo lắng xem thẻ tín dụng có được chấp nhận không. Chẳng có gì nhục nhã bằng việc thừa nhận mình không thể trả tiền cho đống đồ uống.

Năm 21 tuổi, tôi chính thức trượt dốc. Vừa mới ra trường, lại không tiết kiệm được đồng nào, tôi sử dụng khoản vay thấu chi 1.000 bảng Anh trong 6 tuần thực tập không lương tại một tổ chức từ thiện. Khi chính thức ký hợp đồng, lương của tôi cũng chỉ có 12.000 bảng Anh/năm, chỉ bằng ⅓ mức trung bình. Trả xong tiền nhà, tôi chẳng còn đồng nào để mua thức ăn hay đi lại. Ngu ngốc hơn, thay vì nói thật với mẹ và sếp, tôi lại đăng ký mở thẻ tín dụng với mức hạn mức 4.000 bảng Anh để xoay xở.

Sinh nhật tuổi 23, tôi không trả nổi tiền thuê nhà hay hóa đơn. Nhìn lại, tôi thấy mình thật non nớt và ngu ngốc. Tôi còn chẳng thèm xem mình đã tiêu bao nhiêu tiền. Cuối cùng, mẹ phải trả hộ tôi, dù bà cũng không dư dả gì vì là giáo viên đã về hưu. Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ.

29 tuổi, tôi mắc kẹt với khoản nợ 60.000 bảng Anh chỉ vì muốn bằng bạn bằng bè: Sống không biết nhìn trước ngó sau chính là đặt 1 chân vào nấm mồ nghèo túng! - Ảnh 1.

1 tháng sau, tôi mở chiếc thẻ tín dụng thứ hai. Tôi làm mọi cách để cắt giảm chi tiêu và kiếm thêm thu nhập: đi bộ 1 tiếng đến cơ quan, mang đồ ăn trưa, làm thêm tại quán bar. Thậm chí, tôi còn chẳng thể ngủ ngon vì quá lo lắng chuyện tiền bạc. Thế nhưng, nợ nần vẫn cứ chồng chất.

Không muốn tình hình thêm tồi tệ, tôi nói chuyện với mẹ, nhưng không hoàn toàn thành thật. Tôi ứng tuyển công việc mới với mức lương 37.000 bảng/năm, với quyết tâm làm lại từ đầu.

Tôi đã hy vọng những lo lắng về tiền bạc sẽ chấm dứt, nhưng hóa ra đây chỉ là sự khởi đầu. Khi tôi mới trả được một phần nợ, chủ nhà lại quyết định tăng giá cho thuê. 2 người sống cùng tôi có thể trả được, còn tôi thì không biết phải làm gì ngoài việc "cắn răng" chịu đựng. Tôi định chuyển về sống cùng mẹ nhưng nhà lại ở quá xa, đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải từ bỏ công việc hiện tại.

29 tuổi, tôi mắc kẹt với khoản nợ 60.000 bảng Anh chỉ vì muốn bằng bạn bằng bè: Sống không biết nhìn trước ngó sau chính là đặt 1 chân vào nấm mồ nghèo túng! - Ảnh 2.

Ở tuổi 26, bạn bè của tôi đều đã đính hôn. Trong vòng 3 năm, tôi đã tham gia đến 15 bữa tiệc độc thân và đám cưới. Cái hoành tráng nhất được tổ chức tại Las Vegas và tôi làm phù rể. Chúng tôi đi nghỉ cùng nhau với chi phí lên tới hàng nghìn bảng trả bằng thẻ tín dụng. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ: "Đây là những người bạn thân nhất của mình. Làm sao có thể nói không cơ chứ?".

Càng ngày tôi càng cảm thấy lo lắng về vấn đề chi tiêu. Thay vì đối mặt với nó, tôi chỉ cố mở thêm thẻ tín dụng để xoay xở tạm thời. Tôi dần dần trở nên nghiện mua sắm. Mỗi lần quẹt thẻ trả cho những món đồ nằm ngoài khả năng, như một đôi giày mới hay đồ ăn đắt tiền, tôi lại toát mồ hôi. Càng gần hạn mức, tôi càng lo sợ. Thế nhưng, tiêu tiền làm tôi dễ chịu hơn, khiến tôi có cảm giác mình làm chủ cuộc sống - dù sự thật không phải như vậy.

Lương tăng thì khoản nợ của tôi cũng tăng. Tôi biết mình sẽ vỡ nợ một ngày nào đó, nhưng không muốn nghĩ về nó. Các hóa đơn tôi chưa từng mở ra xem chất đống trong nhà. Tôi còn chẳng nhớ thẻ nào đã tới hạn hay tiền nhà đã trả chưa. Thỉnh thoảng, tôi lại thấy áp lực, ngộp thở trong chính lối sống và lựa chọn của mình. Tôi tự nhủ rằng "mình chỉ đang mệt thôi" hoặc "mọi chuyện sẽ ổn cả".

29 tuổi, tôi mắc kẹt với khoản nợ 60.000 bảng Anh chỉ vì muốn bằng bạn bằng bè: Sống không biết nhìn trước ngó sau chính là đặt 1 chân vào nấm mồ nghèo túng! - Ảnh 3.

Khoảng 2 năm trước, các bạn tôi bắt đầu mua nhà. Chỉ tới khi đó tôi mới nhận ra: mình chẳng có gì trong tay ngoài 6 chiếc thẻ tín dụng - một vài cái đã hết hạn - và 1 khoản nợ ngân hàng. Nếu muốn mua nhà, tôi sẽ cần vay thế chấp để lấy tiền đặt cọc. Tôi không thể dựa mãi vào bố mẹ như bạn bè mình được.

Tôi biết mình không thể sống mãi như thế này. Vì thế, tôi quyết định tìm đến chuyên gia để xin lời khuyên. Các nhân viên tư vấn về nợ nần khuyến khích tôi liệt kê mọi tài sản mình có. Đây là lần đầu tiên tôi thực sự ngồi xuống và nghĩ về mọi thứ. Việc này đã khiến tôi mất cả ngày Chủ nhật, và đến lúc hoàn thành, tôi đã ôm mặt mặt cố không khóc. Tôi quá xấu hổ. Tôi đã không thể nhìn thấy lối ra. Nợ nần khiến tôi cảm thấy cô đơn cùng cực. Thay vì tâm sự với mọi người, tôi uống vodka mọi người tặng nhân dịp sinh nhật cho tới khi say mèm. Tôi nghĩ mình đã cùng đường rồi.

Tôi quyết định phải thay đổi, trước tiên bằng việc chuyển nhà, tìm một nơi khác rẻ hơn để ở. Tôi vay ngân hàng một ít để trả cho vài chiếc thẻ. Dù vẫn còn nợ nần, nhưng tôi đã xử lý mọi chuyện tốt hơn. Mấy tháng tiếp theo, tôi bắt đầu kiểm soát được cuộc sống của mình: Tôi ngừng đi chơi và hủy thẻ tập gym. Thực sự, nó chẳng khác nào tỉnh dậy từ một giấc mơ.

29 tuổi, tôi mắc kẹt với khoản nợ 60.000 bảng Anh chỉ vì muốn bằng bạn bằng bè: Sống không biết nhìn trước ngó sau chính là đặt 1 chân vào nấm mồ nghèo túng! - Ảnh 4.

Lần đầu tiên trong vòng 5 năm, số nợ của tôi không tăng nữa.

Tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc tại sao mình lại rơi vào hoàn cảnh này, tại sao lại phải đồng ý với mọi thứ. Tôi biết mình không cần phải cố hòa nhập. Tôi biết bạn bè sẽ luôn ở bên tôi trong mọi tình huống. Tôi biết bạn gái sẽ không bỏ rơi tôi chỉ vì tôi không mua quà cho cô ấy. Tôi vẫn bị thôi thúc tiêu tiền vô tội vạ, nhưng tôi đã học được cách kiềm chế bản thân. Hầu hết các lần.

Thật may là tôi vẫn giữ được công việc và còn được thăng chức. Nếu không, tôi cũng chẳng biết trả nợ kiểu gì. Bạn bè tôi đều đang sống cuộc đời của riêng mình. Người thì mua nhà, người thì ổn định, còn tôi vẫn mắc kẹt trong nợ nần. Tôi đã có những trải nghiệm tuyệt vời, nhưng phải đánh đổi với cái giá rất đắt - bao gồm việc khiến mọi người thân yêu thất vọng. Tôi đã phí phạm tuổi 20 của mình chỉ để vay tiền và mở thẻ, để rồi dành cả đời để trả chúng.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Ngọc Hà

BBC

Trở lên trên