3/45 chủ công trình sai phạm tại rừng Sóc Sơn xin tự tháo dỡ
Lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết đã có 3 chủ đầu tư của 3 công trình sai phạm trật tự xây dựng, xâm phạm đất rừng tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) đã tự nguyện xin tháo dỡ công trình…
- 02-11-2018Hé lộ danh tính chủ nhân những công trình 'xẻ thịt' đất rừng Sóc Sơn
- 02-11-2018Vi phạm đất rừng Sóc Sơn: Cưỡng chế, thu hồi sổ đỏ
- 01-11-2018Danh sách bí ẩn sai phạm rừng Sóc Sơn: Cần công khai!
Trao đổi với chúng tôi vào trưa 2-11, một lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết UBND huyện vừa có văn bản chỉ đạo UBND xã Minh Phú phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý dứt điểm vi phạm xây dựng trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn xã này ngay trong tháng 11-2018.
Một biệt thự đang hoàn thiện tại xã Minh Phú vào tháng 10-2018
Cụ thể tại xã Minh Phú có 18 công trình xây dựng xâm phạm vào đất rừng. Tất cả 18 công trình này đều nằm tại thôn Lâm Trường. Hiện có 3 chủ đầu tư của 3/18 công trình vi phạm là các ông bà Phạm Đức Thắng, Đỗ Việt Anh và bà Trần Thị Kim đã có văn bản đồng ý tự tháo dỡ.
Đối với 15 công trình vi phạm còn lại, UBND huyện Sóc Sơn sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ tự khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.
Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, UBND huyện Sóc Sơn cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, sẵn sàng phương án cưỡng chế công trình vi phạm trong trường hợp các hộ không chấp hành.
Huyện Sóc Sơn dự kiến, sẽ xử lý dứt điểm các công trình vi phạm tại tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú trong tháng 11-2018.
Vị lãnh đạo này cũng cho hay riêng 27 trường hợp công trình xây dựng trái phép, xâm phạm vào đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí hiện vẫn đang chờ kết quả làm việc của Thanh tra TP Hà Nội, sau đó mới có phương án xử lý. UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo tạm đình chỉ thi công đối với các công trình này.
“Chúng tôi cũng đang tích cực phối hợp với Thanh tra TP Hà Nội rà soát lại việc chuyển nhượng, cấp giấy phép xây dựng cho các công trình này. Đây là vụ việc rất phức tạp vì có liên quan tới nguồn gốc rừng, đất rừng từ hơn 30 năm về trước. Vì vậy, chỉ sau khi có kết luận thanh tra, địa phương mới xử lý trách nhiệm cán bộ có liên quan và cưỡng chế các công trình có vi phạm” – vị lãnh đạo này nói.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh