3 "bàn đạp thần tốc" để chạy nước rút thành CEO
Bình quân, để trở thành CEO thực thụ phải mất 24 năm. Song, trên thực tế, nhiều cá nhân đã có thể rút ngắn con đường này nhờ sở hữu những bí quyết dưới đây - họ được gọi là các CEO "nước rút".
Thông thường, hầu như tất thảy chúng ta đều nghĩ rằng những người đã trở thành CEO một cách nhanh chóng phải là các cá nhân có bằng tốt nghiệp loại xuất sắc hay sở hữu một công việc tốt khi mới ra trường. Tuy nhiên, dữ liệu thu thập được từ một dự án nghiên cứu mang tên "Gen CEO" lại không cho là như vậy.
Trong dự án kéo dài 10 năm này, Elena L. Botelho và Kim R. Powell đã thu thập dữ liệu từ hơn 17.000 quản lý cấp cao và nghiên cứu chi tiết khoảng 2.600 CEO, với mục tiêu tìm ra những cá nhân có khuynh hướng trở thành CEO cũng như phương pháp của họ. Ngoài ra, nghiên cứu còn tiến hành quan sát cả các CEO "nước rút" - những người leo đến vị trí lãnh đạo nhanh hơn nhiều lần so với con số trung bình để trở thành CEO thực thụ là 24 năm.
Sau quá trình phân tích các CEO "nước rút" một cách kỹ lưỡng, Botelho và Powell đã đi đến một kết luận đáng ngạc nhiên: Những cá nhân bước nhanh nhất trên con đường trở thành CEO không hề đi theo một lộ trình thăng tiến hoàn hảo như nhiều người vẫn mường tượng.
Trên thực tế, các CEO thăng tiến thần tốc không hề có bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh và cũng chẳng phải là nhân viên lâu năm với bề dày kinh nghiệm. "Bàn đạp" thành công của họ đến từ chính các quyết định táo bạo trên con đường sự nghiệp. Dưới đây là 3 loại "bàn đạp" mà 97% các CEO "nước rút" đều sở hữu ít nhất 1 thứ.
1. Bước nhỏ, thậm chí lùi lại để tiến xa
"Gen CEO" chỉ ra rằng con đường dẫn bạn đến vị trí lãnh đạo hiếm khi đi theo một đường thẳng. Đôi khi, bạn phải lùi về phía sau hoặc đi hẳn sang một bên để có thể tiến lên phía trước. Theo nghiên cứu, hơn 60 % các CEO "nước rút" đều đã từng có ít nhất một lần đảm nhiệm vai trò nhỏ hơn tại một giai đoạn nào đó trong sự nghiệp. Đó có thể là việc ra mắt sản phẩm mới, công tác tại một phòng ban mới, chuyển sang làm cho một công ty nhỏ hơn hoặc khởi nghiệp. Với mỗi trường hợp, các nhà lãnh đạo tương lai sẽ được tích lũy thêm lượng kiến thức cùng kinh nghiệm quản lý tương ứng, giúp họ vượt trội hơn so với những người đồng trang lứa.
Adam Poswolsky - tác giả cuốn sách The Quarter-Life Breakthrough - chia sẻ: "Nếu bạn cho rằng con đường thăng tiến chỉ đơn giản giống như việc leo lên một chiếc thang thẳng đứng, thì đó thực sự là một quan niệm sai lầm. Poswolsky nói rằng các nhà lãnh đạo trẻ nên hình dung bản thân mình giống như một chú ếch, đang phải nhảy qua nhảy lại giữa các tán lá sen khác nhau trong cái hồ mang tên "sự nghiệp".
2. Thực hiện bước nhảy vọt
Hơn ⅓ các CEO "nước rút" đều có được sự thăng tiến vượt bậc nhờ thực hiện những bước nhảy vọt trong khoảng 10 năm đầu làm việc. Các CEO này thường "đánh liều", chấp nhận rủi ro để dấn thân vào những vai trò mới, thứ mà vốn dĩ họ chưa từng một lần bắt gặp và cũng chưa sẵn sàng để đảm đương.
Bằng cách chấp nhận cơ hội mà bản thân chưa sẵn sàng, họ bị đặt trong tình thế phải "vừa làm vừa học" và kết quả là thu về được nhiều kinh nghiệm hữu ích hơn cho sự nghiệp sau này. Một trong những đặc điểm quan trọng ở các CEO "nước rút" là quan niệm: "Bạn là người tạo ra may mắn cho chính bản thân mình". Cụ thể, hãy xin cấp trên cho tham dự vào các dự án lớn, liên quan đến nhiều chuyên ngành hay đề xuất gánh vác nhiều trọng trách hơn và dám đương đầu với các thử thách khó khăn, phức tạp.
Mấu chốt của vấn đề là thay vì nói bỏ cuộc quá sớm, hãy tập thói quen biết dấn thân, biết nói "Dạ, được!" với cơ hội và thử thách, bất chấp bạn có sẵn sàng hay chưa.Brian Wong - CEO của công ty quảng cáo trên di động Kiip, năm nay 26 tuổi - nói rằng sai lầm thường thấy nhất ở các doanh nhân trẻ là không biết cách xây dựng sự tự tin.
3. Gánh vác mớ bòng bong khổng lồ
Nghe có vẻ phản tác dụng và vô cùng phiêu lưu, song, một trong những cách nhanh cũng như hữu hiệu nhất để chứng minh năng lực lãnh đạo của bạn là việc gánh vác trên vai mớ bóng bong khổng lồ. Đó có thể là một sản phẩm bán ế, một công ty thua lỗ hay đang trên bờ vực phá sản hoặc bất cứ rắc rối nào cần thiết một giải pháp nhanh chóng. Nghiên cứu cho thấy có tới hơn 30% CEO "nước rút" đã thành công dẫn dắt đội ngũ của mình qua cơn khó khăn.
Có thể nói, khó khăn và thử thách là cơ hội vàng cho các nhà lãnh đạo tương lai thể hiện khả năng đánh giá tình huống, ra quyết định dưới áp lực, tính toán rủi ro, tập hợp mọi người xung quanh và sự kiên trì khi đối mặt với nghịch cảnh. Nói cách khác, đó là bước chuẩn bị tuyệt vời cho một CEO thực thụ.
DNSG