MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 bên muốn giành lại 260 tỷ trong đại án tham nhũng tại Vinashinline

20-02-2017 - 08:02 AM | Xã hội

Số tiền các bị cáo phải bồi thường là hơn 260 tỷ đồng, nhưng tại phiên tòa xét xử đại án tham nhũng, có 3 đơn vị đứng ra đề nghị được nhận số tiền này.

Trong phiên tòa xét xử đại án tham nhũng xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương (Vinashinlines), theo diễn biến phiên tòa trong ngày 18/2, các bị cáo phải bồi thường số tiền bị coi là tham ô tài sản lên tới 260 tỷ đồng, trong đó riêng Giang Kim Đạt phải bồi thường khoảng 249 tỷ đồng.

Một vấn đề phát sinh tại phiên tòa là xuất hiện 3 nguyên đơn dân sự bao gồm: Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương (Vinashinlines), Tổng Công ty Hàng hải VN (Vinalines) và Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin). Cả ba nguyên đơn đều yêu cầu các bị cáo bồi thường số tiền bị coi là tham ô tài sản.

Bị cáo Trần Văn Liêm - cựu TGĐ Vinashinlines tại tòa sơ thẩm.

Đại diện ủy quyền của Vinashin, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt trình bày, thời điểm xảy ra vụ án, Vinashinlines đang thuộc sở hữu 100% của Vinashin. Vinashinlines mua tàu cũng sử dụng vốn từ tổng công ty thông qua công ty tài chính VFC. Hiện nay, Vinashinlines đang nợ của VFC số tiền hơn 48 triệu USD và 73 tỷ đồng từ mua 8 con tàu và chưa có khả năng thu hồi. Bởi vậy, theo bà Nguyệt, số tiền bồi thường trong vụ án phải được chuyển trả cho Vinashin.

Trong khi đó, ông Bùi Xuân Khôi – đại diện ủy quyền của Vinalines cho biết, từ tháng 6/2010, Vinashinlines đã được chuyển nguyên trạng kể cả công nợ sang Vinalines theo quyết định 926 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện Vinalines đang phải gánh nợ 6.000 tỷ đồng của Vinashinlines.

Do Vinashinlines được chuyển nguyên trạng về Vinalines, nên ông Khôi cho rằng, số tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án Tổng công ty Hàng hải Việt Nam phải là đơn vị được nhận tiền bồi thường.

Trong khi đó, đại diện của Vinashinline tại phiên tòa thì cho rằng, vụ việc xảy ra tại Vinashinlines, cho nên số tiền bồi thường thiệt hại do các bị cáo chiếm đoạt phải được chuyển về cho đơn vị này.

Luật sư Phan Trung Hoài – Đoàn LS TP.HCM – người bào chữa cho bị cáo Giang Kim Đạt – cựu quyền trưởng phòng kinh doanh của Vinashinlines cho hay, việc xuất hiện tình tiết mới có tới “ba nguyên đơn dân sự” cho thấy, quá trình điều tra và truy tố chưa làm rõ được tư cách nguyên đơn dân sự, cũng như chưa làm rõ được bản chất khoản tiền 260 tỷ đồng mà cơ quan tố tụng xác định là tiền hoa hồng mua tàu hay gửi giá cước cho thuê tàu có được hạch toán vào doanh thu của Vinashinlines hay không.

Theo ông Phan Trung Hoài, trong quá trình xét hỏi, đại diện của Vinashin khẳng định cho đến thời điểm hiện nay không có văn bản nào quy định điều chỉnh về việc hạch toán khoản tiền hoa hồng hay gửi giá cước cho thuê tàu.

Đến 2011 mới có quy chế tài chính nội bộ về vấn đề này… Mặt khác, bà Nguyệt cho biết, một chi tiết mới là trong quá trình chuyển giao Vinashinlines sang Vinaslines, hoàn toàn không có các khoản hoa hồng hay chênh lệch gửi giá cước cho thuê tàu nói trên.

Vấn đề mới phát sinh này chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ quá trình chuyển đổi quản lý Vinashinlines giữa hai tổng công ty, cũng như chưa làm rõ được những thiệt hại (nếu có) phát sinh từ hành vi bị coi là sai phạm của các bị cáo, đồng thời chưa có căn cứ buộc các bị cáo phải bồi thường cho ai?

Theo tài liệu tố tụng, trong thời gian từ 2006-2009, các bị cáo Trần Văn Liêm – cựu TGĐ, Giang Kim Đạt – cựu quyền trưởng phòng kinh doanh và Trần Văn Khương – cựu kế toán trưởng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để tham ô hơn 260 tỷ đồng tiền hoa hồng từ các hợp đồng mua tàu biển và chênh lệch giá cước cho thuê tàu. Số tiền này các bị cáo để ngoài sổ sách kế toán của Vinashinlines nhằm chiếm đoạt.

Theo Bộ Tài chính, các khoản hoa hồng liên quan đến mua tàu, thuê tàu không được hoạch toán là trái quy định của pháp luật. Quan điểm của VKS Nhân dân Hà Nội là các bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường tiền thiệt hại cho Vinashinlines.

Trong khi đó, LS Phan Trung Hoài thì lại cho rằng, việc Vinalines, Vinashinlines được xác định là nguyên đơn dân sự nhưng không có đơn yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại, chỉ trình bày miệng tại phiên toà là không phù hợp với Khoản 1, Điều 52, Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003.

Theo Việt Đức

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên