MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 câu chuyện về người Mentor qua góc nhìn của lãnh đạo ABBank: Một tổ chức 2.700 con người thay đổi chỉ nhờ trả lời 3 câu hỏi!

05-06-2019 - 11:52 AM | Doanh nghiệp

Ông Phạm Duy Hiếu - quyền CEO Ngân hàng An Bình (ABBank), Phó Chủ tịch của Startup Vietnam Foundation - đã chia sẻ 3 câu chuyện về người Mentor. Câu chuyện đầu tiên ở chính ABBank, khi vị CEO ngân hàng trẻ nhất Việt Nam thời điểm đó ngập lụt trong hàng trăm email, với số lượng công việc đổ dồn của 2.700 người. Lúc ấy, một người Mentor xuất hiện và hỏi ông 3 câu hỏi…

3 câu chuyện về người Mentor qua góc nhìn của lãnh đạo ABBank: Một tổ chức 2.700 con người thay đổi chỉ nhờ trả lời 3 câu hỏi! - Ảnh 1.
3 câu chuyện về người Mentor qua góc nhìn của lãnh đạo ABBank: Một tổ chức 2.700 con người thay đổi chỉ nhờ trả lời 3 câu hỏi! - Ảnh 2.

Năm 2012, khi làm CEO một ngân hàng, rất nhiều người đến nói "Anh Hiếu giúp tôi giải quyết việc này, việc kia…" Số lượng công việc của một ngân hàng 2.700 con người đổ dồn vào tôi. Khi tôi về nhà mở email thì hàng trăm email yêu cầu cần được giải quyết. Gần như tôi ngập lụt trong đống công việc ấy, không biết giải quyết thế nào.

May mắn cho tôi, tôi đã gặp được một người Mentor. Đó là GS. Paul Brown. Giáo sư ngồi với tôi, và hỏi 3 câu hỏi.

- "Em có bao nhiêu nhân viên?"

"Em có 2.700 nhân viên".

- "Bao nhiêu người báo cáo công việc trực tiếp cho em?"

Tôi bắt đầu đếm. Các Phó Tổng GĐ sẽ gọi điện, GĐ chi nhánh, những trưởng phòng quan trọng, trưởng dự án, những nơi có sự cố đều có thể gọi điện đến… Cỡ khoảng 100 người.

3 câu chuyện về người Mentor qua góc nhìn của lãnh đạo ABBank: Một tổ chức 2.700 con người thay đổi chỉ nhờ trả lời 3 câu hỏi! - Ảnh 3.

Lúc ấy, giáo sư mới nói: "Trên thế giới, năng lực của một nhà lãnh đạo xuất sắc cũng chỉ làm việc với 8 người, không ai làm việc với cả trăm người. Khi làm việc với người thứ 9, thời gian sẽ bị chia ra. Với người thứ 10, thời gian lại tiếp tục chia ra nữa".

"Đến người thứ 15 - 20, chắc chắn em không thể làm việc với họ nữa. Mà lúc ấy, họ sẽ gọi chủ động tìm đến em, vì khi ấy em không còn khả năng dẫn dắt, lãnh đạo được nữa. Em là người bị công việc cuốn theo".

Tiếp đó, GS. Paul hỏi tôi câu thứ 3: "Trong 100 người hay gọi điện đến, em thì em hài lòng với bao nhiêu %?"

"20%", tôi đáp.

Sau 3 câu trả lời, tôi biết mình phải làm gì.

Tôi trở về phân cấp ủy quyền, giao trọng trách cho những người có năng lực thực sự. 6 tháng sau, công việc của ABBank trở nên nề nếp hơn và đi vào hiệu quả. Tôi thoát khỏi tình trạng ngập lụt và bận rộn ban đầu.

Bạn thân mến, bận rộn và ngập lụt chắc là là một cái ngu ngốc của thế hệ này. Bởi bận rộn và ngập lụt như thế làm sao chúng ta thể hiện vai trò dẫn dắt được. Chúng ta bị hoàn cảnh dẫn dắt nên không nhận ra. Thầy tôi nói rằng "Busy is new stupid" (tạm dịch: Bận rộn là một từ "ngu ngốc" mới).

Mentoring vô cùng quyền năng khi giúp tôi thay đổi lại thói quen làm việc. Có một cái gì đó mới được áp dụng từ một tư duy mới, làm một cách khác. Kết quả: Cả một tổ chức 2.700 con người thay đổi chỉ nhờ trả lời 3 câu hỏi với 1 người. Đó là người Mentor của tôi. Tôi từng là người được mentor và nó giá trị như thế đấy!

3 câu chuyện về người Mentor qua góc nhìn của lãnh đạo ABBank: Một tổ chức 2.700 con người thay đổi chỉ nhờ trả lời 3 câu hỏi! - Ảnh 4.

Tôi biết một người thầy, một lương y quái kiệt. Thầy có bệnh nhân là một ông trưởng họ rất gia trưởng. Không rõ cháu ông trưởng họ này làm gì mà ông nổi cáu, gặp thầy mà bảo: "Tôi muốn giết nó. Nó là đứa khốn nạn…"

Thầy bất ngờ hỏi: "Xin hỏi anh, anh muốn giết nó bằng cách nào? Thuốc độc, lấy dao đâm, hay nhờ người nào đó giết nó?"

"Tôi muốn dùng dao đâm chết nó".

Vị lương y cầm con dao đưa vào tay người trưởng họ, rồi bảo: "Cầm con dao này đâm chết nó, rồi tôi chở ông đi trốn".

Người trưởng họ sững lại, đưa tay cầm con dao mà run lẩy bẩy, rồi đánh rớt. Giây phút đó ông ta nói: "Như vậy không cần thiết, như vậy không đáng thầy ạ".

Cuối năm đó, lần đầu tiên gia đình người trưởng họ này chứng kiến ông mở cửa cho người cháu kia vào thắp hương trên bàn thờ dòng họ. Cả gia đình ôm nhau khóc và cảm ơn thầy.

3 câu chuyện về người Mentor qua góc nhìn của lãnh đạo ABBank: Một tổ chức 2.700 con người thay đổi chỉ nhờ trả lời 3 câu hỏi! - Ảnh 5.

Tôi hỏi thầy: "Thầy mạo hiểm thế! Nhỡ lúc đó đưa dao họ đâm chết người kia…"

Thầy trả lời: "Người nào còn nói giết người được thì không giết được đâu. Còn người có thể giết người sẽ không nói gì hết. Lúc đó mới thực sự nguy hiểm".

"Tôi cũng đứng ở đó mà. Tôi chỉ cho anh ta thấy giết người không phải điều anh ta mong muốn. Khi anh ta cầm dao, anh ta biết rằng đấy không phải điều chính anh ta mong muốn. Nếu anh ta muốn giết người, tôi phải dùng cách khác can thiệp".

Mentor giúp bạn nhận ra được bạn thực sự mong muốn điều gì. Có phải bạn thực sự muốn khởi nghiệp hay không? Đấy là lựa chọn từ bên trong con người bạn, không có đúng - sai.

Mỗi một người có sự lựa chọn. Người Mentor giúp bạn thúc đẩy hành động để có trải nghiệm và bài học.

Người Mentor sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện thất bại cũng như thành công, và sẽ kể câu chuyện thất bại nhiều hơn thành công, bởi mục đích của họ không phải để khoe khoang, không phải để chứng tỏ mình trước bạn, mà mục tiêu là muốn bạn học được, phát triển và tin tưởng vào bản thân mình.

3 câu chuyện về người Mentor qua góc nhìn của lãnh đạo ABBank: Một tổ chức 2.700 con người thay đổi chỉ nhờ trả lời 3 câu hỏi! - Ảnh 6.

Người Mentor sẽ phát huy tính độc lập của bạn. Bạn đến xin họ giải pháp nhưng họ sẽ thường hỏi ngược lại bạn "Hey, giải pháp của bạn là gì?", để phát triển tư duy của bạn, rồi sau đó mới chia sẻ câu chuyện của họ.

Terry Paulson là một diễn giả nổi tiếng thế giới. Đang học lớp 11 thì ông được vào làm tại Công ty thang máy Stanford Linear. Ở đây, ông chọn Jack Nichols - một quản lý cấp trung của công ty làm Mentor cho mình. Mỗi lần ông ấy đi gặp Jack để được Mentor. Jack hay dắt ông đi bộ ở một vườn hoa.

Cứ mỗi lần Terry hỏi: "Vấn đề của tôi đây, theo ông giải pháp là gì?" Jack lại hỏi lại: "Terry ạ, cậu nghiên cứu vấn đề này nhiều hơn tôi. Cậu tâm huyết với vấn đề này nhiều hơn tôi, giải pháp của cậu là gì?"

3 câu chuyện về người Mentor qua góc nhìn của lãnh đạo ABBank: Một tổ chức 2.700 con người thay đổi chỉ nhờ trả lời 3 câu hỏi! - Ảnh 7.

Lúc ấy Terry thất vọng lắm. Terry nghĩ "Ông là người rất giỏi, vì thế tôi mới chọn ông là Mentor của tôi. Sao lại hỏi ngược lại tôi như thế?" Nhưng Jack rất kiên định.

Dần dần, Terry hình thành thói quen mỗi lần đến hỏi Jack thì trong đầu đã có sẵn giải pháp của mình.

Kết thúc quá trình Mentor, Jack tiễn Terry ra tận bến xe, tại đó Jack nói: "Terry à, tôi muốn cho cậu biết một việc. Cậu vô cùng xuất sắc. Những câu hỏi mà cậu hỏi khi tôi hỏi ngược lại cậu, cho thấy tư duy của cậu phát triển mỗi ngày. Tôi HỌC được ở cậu rất nhiều, trong đó có nhiều giải pháp mà chính tôi sẽ có thể áp dụng trong công việc của tôi. Tôi xin phép cậu được phép áp dụng điều đó. Cậu có đồng ý hay không?"

Cảm giác của Terry lúc ấy thế nào? "Yes, ông ấy là Mentor mà còn muốn học hỏi mình nữa. Mình làm được rồi". Và Terry đã tin vào chính bản thân mình. Terry đã thần tượng Jack suốt 17 năm. Cứ mỗi lần gặp khó khăn, lại tưởng tượng Jack ở bên sẽ nói câu gì, và ông ấy học cách giải quyết của Jack.

18 năm sau, Terry trở thành 1 diễn giả nổi tiếng và là một doanh nhân thành công. Bang Florida tổ chức một hội thảo lớn và mời ông đến để chia sẻ với những nhà lãnh đạo hàng đầu của Mỹ. Khi Terry bước lên sân khấu, ông nhìn thấy Jack. Đấy là lần đầu gặp lại Jack sau 18 năm, Jack ngồi ngay hàng ghế đầu tiên.

Terry nói: "Tôi nhận ra ngài rồi".

Nhưng thật ngạc nhiên, Jack đã quên mất Terry. Jack không còn nhớ về cậu học trò 18 năm trước từng được Jack mentor tại vườn hoa. Giờ nghỉ giải lao, Terry cố gắng nhắc lại ký ức cho Jack nhớ, Jack không thể nhớ được, nhưng nước mắt của ông tuôn rơi: "Terry, đây là giây phút hạnh phúc nhất cuộc đời của tôi, bởi vì em đã trưởng thành. Em đã trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc. Không quan trọng tôi có nhớ được em hay không, nhưng đây là giây phút hạnh phúc nhất cuộc đời của tôi".

3 câu chuyện về người Mentor qua góc nhìn của lãnh đạo ABBank: Một tổ chức 2.700 con người thay đổi chỉ nhờ trả lời 3 câu hỏi! - Ảnh 8.
3 câu chuyện về người Mentor qua góc nhìn của lãnh đạo ABBank: Một tổ chức 2.700 con người thay đổi chỉ nhờ trả lời 3 câu hỏi! - Ảnh 9.

Bạn thân mến, người Mentor là như vậy, họ đảm bảo sự trưởng thành của bạn, phát triển một cách độc lập, không phụ thuộc vào họ. Đó mới là người Mentor đúng nghĩa.

Giống như bác sỹ, bác sỹ giỏi là người chữa khỏi cho bệnh nhân và đừng bao giờ mong bệnh nhân quay trở lại nữa. Họ khỏe rồi, sống tốt rồi, không cần đến mình nữa. Còn bác sỹ nào mà tính toán: Chữa khỏi cho người bệnh 90% thôi, 10% còn lại để họ quay trở lại "cống nộp" cho mình, thì người đó không còn là bác sỹ nữa.

Người Mentor dịch ra là người cố vấn trong khởi nghiệp, sẽ là người phát triển bạn, chia sẻ mối quan hệ cho bạn, thúc đẩy bạn hành động để bạn có sự trưởng thành, chia sẻ bài học quý giá cho bạn. Và họ, đến tột cùng, đảm bảo bạn là người tung cánh với sự tự do của bạn, không lệ thuộc nữa. Giây phút đó là giây phút hạnh phúc của người Mentor.

Theo Bài : Bảo Bảo (ghi) Thiết kế: Hương Xuân

Trí thức trẻ

Trở lên trên