MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 đại cao thủ của Thủy Hử: Cứ 'tung chưởng' là khiến Ngũ Hổ Lương Sơn khốn đốn, số 1 vô cùng cao thâm

14-10-2024 - 22:35 PM | Sống

Đại cao thủ đứng ở vị trí số 1 từng khiến hàng loạt chiến tướng dũng mãnh của Lương Sơn Bạc bại trận thảm hại.

Trong Tứ đại danh tác của văn học Trung Hoa (sắp xếp theo thứ tự xuất hiện, gồm Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử, Tây Du Ký, Hồng Lâu Mộng), thì Thủy Hử của Thi Nại Am thu hút rất nhiều độc giả bởi lượng nhân vật đông đảo, cốt truyện ly kỳ và vô số màn tỉ thí võ công nghẹt thở. Trong Thủy Hử, câu chuyện hấp dẫn và nổi tiếng bậc nhất vẫn là chuyện về Ngũ Hổ tướng của Lương Sơn Bạc.

5 cao thủ võ công xuất quỷ nhập thần, có tài mưu lược hơn người, dũng mãnh như hổ thuộc Ngũ Hổ tướng Lương Sơn đó là: "Đại Đao" Quan Thắng, "Báo Tử Đầu" Lâm Xung, "Tích Lịch Hoả" Tần Minh, "Song Tiên" Hô Diên Chước và "Một Vũ Tiễn" Trương Thanh.

Tuy nhiên...

Có ba đại cao thủ bên ngoài Lương Sơn, sở hữu võ công phi phàm, sức địch vạn người, mưu sự như thần cùng tài biến hóa cao thâm khiến Ngũ Hổ Lương Sơn - vốn tưởng bất khả chiến bại - có thể nghi ngờ mạng sống của mình mỗi khi đụng độ. 

"Núi này cao còn có núi khác cao hơn". Tuy là "nhóm nhân vật" chính trong Thủy Hử, nhưng không phải lúc nào 108 anh hùng Lương Sơn Bạc cũng có kết cục viên mãn. Đó là lý do, 108 hảo hán tụ nghĩa rồi lên đường cùng thủ lĩnh Tống Giang chinh Nam phạt Bắc nhưng cuối cùng chỉ có 27 chiến tướng còn sống sót trở về. 

Vậy Tam đại cao thủ bên ngoài Lương Sơn Bạc là ai?

Top 3: Đại thống lĩnh Vương Hoán - Thủ lĩnh của Thập đại Tiết độ sứ

Đụng độ Lâm Xung - 78 hiệp bất phân thắng bại

Trong nguyên tác Thủy Hử, Vương Hoán nổi lên như một vị thần chiến tranh vô dùng uy dũng, can trường, dày dặn kinh nghiệm. Võ nghệ của người này rất cao cường và không hề thua kém Hổ tướng Lâm Xung - Võ sư dạy thương cho 80 vạn cấm quân Đông Kinh. Cuộc tỉ thí võ công uy chấn thiên hạ của Vương Hoán trong Thủy Hử phải kể đến màn đơn đả độc đấu với Lâm Xung. Cả hai đánh nhau hơn 78 hiệp mà không thể phân định thắng thua.

3 đại cao thủ của Thủy Hử: Cứ 'tung chưởng' là khiến Ngũ Hổ Lương Sơn khốn đốn, số 1 vô cùng cao thâm- Ảnh 1.

Lâm Xung từng là võ sư của 80 vạn cấm quân Đông Kinh mà cũng không thể đánh bại Vương Hoán sau 78 hiệp. Ảnh: Youtube

Vương Hoán xuất hiện ở chương 78 của Thủy Hử. Sau lần mang quân thảo phạt Lương Sơn Bạc bị thất bại, Cao Cầu may mắn sống sót trở về và chọn Vương Hoán thân chinh đánh lại Lương Sơn.

Vốn là thủ lĩnh của Thập đại Tiết độ sứ (10 võ quan chỉ huy bị thất sủng, tụ tập dưới quyền của Vương Hoán), Vương Hoán dẫn Thập đại Tiết độ sứ đề xuất với Cao Cầu một kế hoạch tác chiến quân Lương Sơn: Chia quân thành 2 cánh. Cánh thứ nhất, điều động quân bộ và quân mã thám thính đường đi vào Lương Sơn. Cánh thứ hai, triển khai quân thủy lên các tàu chiến tấn công căn cứ Lương Sơn song song.

Cao Cầu gật gù đồng ý, lập tức chia các tướng lĩnh tinh nhuệ thành 2 cánh, trong đó Vương Hoán và một người khác thuộc Thập đại Tiết độ sứ làm tướng tiên phong 2 cánh quân. 

Tống Giang cùng các tướng quân và binh lính xuống núi đối đầu quan binh. Vương Hoán khi ấy là một lão tướng dày dặn kinh nghiệm thúc ngựa ứng chiến. Khi thấy Vương Hoán, Tống Giang cho rằng tướng địch đã già, không thể chiến đấu nên yêu cầu quan binh cử một chiến tướng trẻ hơn.

Vương Hoán nghe thấy vậy vô cùng tức giận, cầm giáo xông thẳng vào Lương Sơn. Tống Giang cử Lâm Xung lên đối đầu. Kinh ngạc thay, sau khi trải qua 78 hiệp đấu, hai tướng bất phân thắng bại. Cuối cùng, cả hai đành phải thu quân.

Ở độ tuổi trung tuần, Vương Hoán vẫn có thể chiến đấu lại với một Lâm Xung trẻ tuổi, dũng mãnh. Điều này cho thấy, võ công của Vương Hoán không kể thua kém Hổ tướng Lương Sơn. Nếu Vương Hoán còn ở thời kỷ đỉnh cao, e rằng Lâm Xung không phải đối thủ.

Top 2: Hàn Tồn Bảo - dòng dõi trâm anh thế phiệt

Đụng độ Hô Diên Chước 80 hiệp bất phân thắng bại.

Hàn Tồn Bảo có thể là cái tên khá xa lạ với nhiều người nhưng người này là cháu nội của Hàn  Trung Ngạn - vị Thừa tướng nổi tiếng thời Bắc Tống. Thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt, Hàn Tồn Bảo ngay từ nhỏ đã được học võ công, thông thạo binh thư. Tài năng cứ thế vang chấn khắp chốn. Về sau, Hàn Tồn Bảo phục vụ cho triều đình, dưới trướng của Cao Cầu.

Khi hay tin Tống Giang dẫn binh mã đến gần thành khai chiến, Cao Cầu lập tức ra lệnh cho quân ra khỏi thành nghênh chiến. Thấy Hổ tướng Lương Sơn cưỡi ngựa làm tướng tiên phong, trên lá cờ thêu 5 chữ "Song Tiên" Hô Diên Chước, Cao Cầu hạ lệnh cho Hàn Tồn Bảo mang quân đi đánh.

3 đại cao thủ của Thủy Hử: Cứ 'tung chưởng' là khiến Ngũ Hổ Lương Sơn khốn đốn, số 1 vô cùng cao thâm- Ảnh 2.

Nhân vật "Song Tiên" Hô Diên Chước trên phim ảnh. Nguồn: Sohu

Hàn Tồn Bảo không hề do dự, bởi trước đó, người này đã từng bất mãn với Hô Diên Chước thời Hô Diên Chước (khi chưa quy thuận Lương Sơn) được Cao Cầu tin tưởng, trọng dụng hơn mình. Nay, có cơ hội đối đầu Hô Diên Chước, Hàn Tồn Bảo không thể bỏ lỡ cơ hội.

Nắm trong tay cây kích Phương Thiên do mình chế tạo, Hàn Tồn Bảo tự tin thúc ngựa ra trận. Ban đầu, Hô Diên Chước đánh giá thấp kẻ thù, chủ quan đến mức không cần dùng đến binh khí nổi tiếng là hai ngọn roi thép mệnh danh "Song Tiên" của mình để giao đấu. Kết quả, cả hai đấu với nhau 50 hiệp vẫn bất phân thắng bại.

Lúc này, khi Hô Diên Chước nhận ra Hàn Tồn Bảo không phải là một đối thủ tầm thường, thậm chí võ công còn ngang ngửa, bèn thoái lui rồi thúc ngựa chạy vài dặm để lấy vũ khí. Đâu ai ngờ, khi có "Song Tiên" trong tay, Hô Diên Chước cũng không thể đánh bại Hàn Tồn Bảo.

Khi Hô Diên Chước quay ngựa liền bị Hàn Tồn Bảo đuổi theo. Đến bên một con suối, cả hai lại lao vào giao đấu. Vó ngựa khiến dòng nước chảy đục ngầu. Giữa một bên là cây kích dài, sắc bén đấu với một bên là hai ngọn roi thép uy lực, trận chiến lại kéo dài thêm 30 hiệp vẫn không thể phân định thắng thua.

Cuộc đụng độ chỉ ngã ngũ khi viện binh của Lương Sơn là Trương Thanh đến. Trương Thanh cũng là Hổ tướng của Lương Sơn. Khi ấy, Hàn Tồn Bảo mới bị bắt sống.

Có thể nói, màn đơn đả độc đấu với Hàn Tồn Bảo là trận gay cấn nhất của Hô Diên Chước trong Thủy Hử. Dù là trên lưng ngựa hay đấu tay đôi, Hổ tướng Hô Diên Chước cũng không thể hạ thủ Hàn Tồn Bảo. Nếu không có Trương Thanh, e rằng Hô Diên Chước khó lòng thắng nổi.

Top 1: Ảo ma vương Kiều Đạo Thanh

Khiến Lý Quỳ, Lâm Xung, Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng thua trận thảm hại.

Trong Thủy Hử, để gọi tên một cao thủ ma võ song tu thì chỉ có cái tên Kiều Đạo Thanh. Không chỉ đạo pháp cao thâm có thể hô mưa gọi gió, Kiều Đạo Thanh còn am hiểu các loại ảo ảnh - nên được mệnh danh là Ảo ma vương - và sở hữu võ công vô cùng cái thế.

3 đại cao thủ của Thủy Hử: Cứ 'tung chưởng' là khiến Ngũ Hổ Lương Sơn khốn đốn, số 1 vô cùng cao thâm- Ảnh 3.

Nhân vật Kiều Đạo Thanh trên phim ảnh. Nguồn: Sohu

Khi nắm giữ chức Điền Hổ quốc sư, Kiều Đạo Thanh khiến nghĩa quân Lương Sơn không ít lần lâm vào cảnh khốn đốn khi theo lệnh triều đình dẫn binh đánh Điền Hổ. Người này không chỉ bắt sống được nhiều tướng lĩnh tài giỏi của Tống Giang mà thậm chí còn khiến đích thân Tống Giang từng muốn rút kiếm tự vẫn.

Khi còn nhỏ, Kiều Đạo Thanh đã ham mê luyện kiếm và gậy. Lớn lên, người này theo học phép thuật, ảo ảnh tại nơi được mệnh danh là "Ngọn núi đầu tiên của Đạo giáo" ở Cam Túc, Trung Quốc ngày nay.

Thời điểm triều đình nhà Tống phái quân của Tống Giang đi chinh phạt Điền Hồ, một chương chiến đấu kinh điển trong Thủy Hử nổ ra.

Trong trận chiến đầu tiên, Tống Giang phái "Hắc Toàn Phong" Lý Quỳ ra trận. Vì chủ quan khinh địch, Lý Quỳ dù mệnh danh là "Cơn Lốc Đen" nhưng vẫn bị luồng gió đen khổng lồ do Kiều Đạo Thanh nhắm mắt niệm chú mà thành, bao vây và đánh cho tan tác.

Trong trận chiến thứ hai, Tống Giang biết được thực lực của Kiều Đạo Thanh không nên coi thường nên đã đích thân dẫn quân chủ lực đi chinh phục. Trong số đó có Hổ tướng Lâm Xung, Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng và các tướng Lương Sơn dũng mãnh khác. Không thể ngờ, tất cả đều bị đánh bại bởi phép thuật cao siêu của Kiều Đạo Thanh.

3 đại cao thủ của Thủy Hử: Cứ 'tung chưởng' là khiến Ngũ Hổ Lương Sơn khốn đốn, số 1 vô cùng cao thâm- Ảnh 4.

Ảnh minh họa phép thuật đỉnh cao của Kiều Đại Thanh. Nguồn: Baidu

Đúng như biệt hiệu Ảo ma vương, Kiều Đại Thanh biến chiến trận trên đồng bằng thành biển rộng chỉ trong một giây, khiến cho các chiến tướng dũng mãnh như Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm đứng hình, không thể di chuyển. Đến ngay cả Tống Giang cũng suýt tự vẫn vì ảo ảnh cao minh của Điền Hổ quốc sư.

Trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc này - quân Lương Sơn suýt phải chấp nhận thất bại cay đắng trước Điền Hổ thì may mắn thay "Bậc thầy Đạo pháp" Công Tôn Thắng xuất hiện và lật ngược tình thế.

Nhờ tài phép lạ biến hóa khôn lường, Công Tôn Thắng và Kiều Đại Thanh đã đánh nhau một trận trời long đất lở. Phút cuối, Công Tôn Thắng phải sử dụng Ngũ Lôi Thiên Tâm - một phép thuật hệ Lôi mà hầu hết đạo sĩ đều khổ luyện mới có - mới có thể đánh bại Kiều Đại Thanh.

Trong Thủy Hử, Thi Nại Am đã vượt qua những ràng buộc của hiện thực và dùng trí tưởng tượng để miêu tả sức mạnh của Kiều Đại Thanh - người có ma võ song tu đỉnh cao đến mức khiến Hổ tướng Lương Sơn và thủ lĩnh Tống Giang không thể địch nổi. Đây chính là điểm hấp dẫn của Thủy Hử đối với những người hâm mộ tác phẩm này.

Tham khảo: Sohu, Baidu, Thủy Hử

Theo Trang Ly

Đời sống pháp luật

Trở lên trên