3 dấu ấn có tầm ảnh hưởng lớn của người Việt trong công cuộc bảo vệ an ninh mạng trên toàn thế giới
Tự phát triển những ứng dụng, hệ thống,… có khả năng bảo vệ người dùng cuối lẫn doanh nghiệp trước bất kỳ những cuộc tấn công có chủ đích hay mã độc, virus,… Viettel Cyber Security đang khẳng định tên tuổi mình trong ngành bảo mật toàn thế giới.
Ngày 12/4/2019, Viettel công bố thành lập Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security), với sứ mệnh nghiên cứu, phát triển chuyên sâu và cung cấp các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin. Nhưng nếu đã theo dõi những bước tiến của ngành bảo mật tại Việt Nam từ lâu, bạn đã sớm nghe tên Trung tâm An ninh mạng Viettel. Thành lập từ năm 2011 với khởi điểm chỉ 6 người, và chính thức trở thành công ty riêng biệt sau 8 năm nhưng những dấu ấn về sự đóng góp hết mình cho công cuộc bảo vệ an toàn thông tin tại Việt Nam của Viettel Cyber Security là rất rõ ràng.
Với những người quan tâm đến lĩnh vực Công nghệ thông tin trên thế giới, giải thưởng thường niên IT World Awards từ năm 2006, được biết đến là sự kiện rất quan trọng, nhằm tôn vinh những thành tựu tiêu biểu của ngành CNTT trên toàn thế giới. Sự kiện này luôn thu hút và có sự tham gia của nhiều ông lớn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, Cisco, Dell… Dù tầm cỡ như vậy, người Việt cũng đã kịp ghi dấu ấn của riêng mình và Viettel được biết đến là doanh nghiệp Việt duy nhất từng giành giải thưởng cao quý này.
Ngày 27/6 năm 2017, Viettel Cyber Security đã đoạt giải tại giải thưởng danh giá IT World Awards, tổ chức tại San Francisco - đây là lần thứ 2 liên tiếp Viettel Cyber Security được vinh danh tại sự kiện này. Trong lễ vinh danh, có tới 2 sản phẩm an ninh mạng của Viettel Cyber Security đã đạt giải Đồng. Đầu tiên là Hệ thống phát hiện bất thường mạng viễn thông (TAD), có thể giúp bảo vệ sự an toàn cho mạng lõi báo hiệu viễn thông, giúp thuê bao di động tránh khỏi các nguy cơ bị theo dõi vị trí, nghe trộm, giả mạo số di động, đánh cắp tiền trong tài khoản… Đây đều là những biện pháp phòng chống chuyên nghiệp mà chỉ có một số ít những nhà mạng trên thế giới đã triển khai.
Sản phẩm được trao giải thứ 2 là ứng dụng Viettel Mobile Security. Dựa trên lợi thế của một nhà mạng, Viettel Mobile Security là ứng dụng bảo mật ở mức mạng lưới, được Viettel Cyber Security phát triển dành riêng cho các thiết bị di động, khi chủ động bảo vệ thiết bị, ngăn chặn mã độc từ xa, trước khi kẻ xấu tiếp cận đến thiết bị. Đây là điểm hoàn toàn khác biệt, vượt trội của Viettel Mobile Security trước các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Cuối năm 2017, ứng dụng Viettel Mobile Security một lần nữa gây được tiếng vang khi giành giải Bạc tại Lễ trao giải thưởng Kinh doanh Quốc tế Stevie Awards 2017. Nhờ vào sự khích lệ từ những giải thưởng quốc tế, đội ngũ chuyên gia tại Viettel Cyber Security đã tiếp tục đầu tư công sức, cố gắng phấn đấu để cho ra đời những giải pháp bảo mật hiện đại hơn.
Trước tình hình an toàn thông tin trên không gian mạng ngày càng trở nên phức tạp, sự chuẩn bị kỹ càng và đóng góp của Viettel Cyber Security là vô cùng cần thiết và rất đáng được ghi nhận.
Sản phẩm bảo mật của Viettel Cyber Security đã và đang được các doanh nghiệp trong nước đặt trọn niềm tin, đáng kể nhất phải là Cloudrity. Với tính năng Tường lửa ứng dụng Web (WAF – Web Application Firewall) và chống tấn công từ chối dịch vụ (Anti-DDoS), đây được coi là giải pháp bảo vệ website toàn diện trước các cuộc tấn công nhắm vào trang web hay các cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp. Được xây dựng dựa trên nền tảng điện toán đám mây, Cloudrity ghi điểm nhờ khả năng giúp khách hàng tiết kiệm chi phí lắp đặt các thiết bị bảo mật phần cứng nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các tính năng bảo mật website hiện đại nhất hiện nay.
Các tính năng phòng thủ và bảo vệ trang web được thiết lập trong Cloudrity cũng là các bộ lọc vững chắc nhằm loại bỏ các yêu cầu truy cập vượt quá cấu hình giới hạn của website. Các bộ lọc này còn phát hiện và nhận biết những cuộc tấn công tự động đến từ các bot độc hại hoặc các công cụ khác của tin tặc. Ngoài ra, với tính năng Tường lửa ứng dụng Web được tích hợp cùng với tri thức và kinh nghiệm từ các chuyên gia an ninh mạng hàng đầu tại Việt Nam, công nghệ bản vá ảo (Virtual Patching) giúp website của khách hàng luôn có được sự bảo vệ tốt nhất trước các cuộc tấn công khai thác lỗ hổng bảo mật mới nhất.
Bên cạnh Cloudrity, một sản phẩm nổi bật khác nữa của Viettel Cyber Security là giải pháp phát hiện, chống tấn công có chủ đích lớp Endpoint (Viettel Endpoint Detection & Response hay VCS-aJiant). Khác với các sản phẩm diệt virus truyền thống, VCS-aJiant là sản phẩm an toàn thông tin thế hệ mới, tập trung vào bài toán phát hiện và phản ứng với tấn công chủ đích kỹ thuật cao (tấn công APT) – một trong những loại tấn công nguy hiểm bậc nhất cho các tổ chức và doanh nghiệp hiện nay.
Các sản phẩm diệt virus hiện nay trên thị trường nhận diện mã độc dựa trên các dấu hiệu biết trước (signature) - các hành vi độc hại đặc trưng. Do đó chúng không thể nhận diện và ngăn chặn được tấn công chủ đích với các loại mã độc không biết trước (không có signature), hành vi mờ khó đánh giá, diễn ra trong khoảng thời gian dài. VCS-aJiant như giải pháp bổ trợ hoàn hảo, khi có cách thức hoạt động giống như các "camera" giăng khắp nơi trong toàn hệ thống, thu lại mọi hành vi dù là nhỏ nhất và đưa về xử lý tập trung với các công nghệ phân tích thông minh, xâu chuỗi các sự kiện nhận diện thành các cuộc tấn công có nghĩa và từ đó, đưa ra cảnh báo, điều tra và ngăn chặn tấn công ngay lập tức.
Việt Nam không phải là nơi duy nhất mà Viettel Cyber Security đang tiến hành những biện pháp nhằm bảo vệ an toàn thông tin. Công ty còn đang lãnh trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin cho hạ tầng mạng lưới viễn thông của Viettel tại 11 thị trường khác nhau trên toàn thế giới. Với hệ thống bảo mật hiện đại cùng nhân lực ngành ATTT hàng đầu, mỗi năm, hệ thống phòng thủ của VCS ngăn chặn được hơn 25.000 cuộc tấn công an ninh mạng của hacker trên toàn thế giới vào hệ thống của Viettel và khách hàng. Công ty cũng nắm trong tay thành tích phát hiện hơn 100 lỗ hổng zero day - dùng để chỉ những lỗi chưa từng được phát hiện trên thế giới của các hệ thống bảo mật uy tín toàn cầu. Đáng chú ý, nhiều lỗ hổng tìm ra đã được cả Google, Facebook, Microsoft vinh danh và trao thưởng.
Con người Viettel Cyber Security cũng đang đóng góp mạnh mẽ cho an ninh mạng toàn cầu. Danh sách Top 100 cao thủ bảo mật thế giới năm 2018 và 2019 do Microsoft công bố đều có sự hiện diện của những người đang công tác và làm việc cho Viettel Cyber Security. Trong năm 2019, người đó là anh Phạm Văn Khánh, được vinh danh ở vị trí thứ 41. Một tập đoàn công nghệ khổng lồ khác của Mỹ là Facebook cũng vinh danh một cách trân trọng chuyên gia an ninh mạng Khôi Dương thuộc top 100 "hacker mũ trắng" năm 2019.
Hơn ai hết, chúng ta đều hiểu rằng CNTT là một con đường bắt buộc để phát triển xã hội, phát triển quốc gia, như lời Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội từng phát biểu: "Cách duy nhất là chúng ta phải vừa xây, vừa bảo vệ, vừa chống lại các tác hại của nó. Chúng ta không thể để sự "sợ hãi" làm tụt hậu đất nước".
Và Viettel Cyber Security đang hàng ngày đặt những viên gạch chắc chắn để xây dựng nên bức tường bảo vệ an toàn cho không gian mạng Việt Nam.