MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 dự án giao thông hơn 10.000 tỷ đồng ở TP.HCM chuẩn bị 'nhấn nút' khởi công

Nút giao An Phú nằm tại điểm đầu của tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và là điểm cuối của đường Lương Định Của giao cắt với đường Mai Chí Thọ. Ảnh: Vũ Phạm

Nút giao An Phú nằm tại điểm đầu của tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và là điểm cuối của đường Lương Định Của giao cắt với đường Mai Chí Thọ. Ảnh: Vũ Phạm

Việc xây dựng nút giao An Phú, nâng cấp mở rộng QL50, xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn là 3 dự án giao thông trọng điểm kỳ vọng giải tỏa áp lực giao thông TP.HCM. Các dự án này do Ban quản lý dự án các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư.

Sở GTVT TP.HCM đánh giá, tình hình thực hiện các công trình giao thông kết nối vùng theo quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 còn chậm, chưa đồng bộ với quy mô dân số và tương xứng với vị trí, vai trò đầu tàu về phát triển kinh tế của TP.HCM. Quy hoạch giao thông ở TP.HCM đã bộc lộ những bất cập rất lớn, gặp nhiều khó khăn trong triển khai các công trình giao thông, giải phóng mặt bằng...

Cấp bách khu vực cửa ngõ

Dự án xây dựng nút giao An Phú (TP. Thủ Đức) và dự án nâng cấp mở rộng QL50 được người dân và doanh nghiệp chờ đợi từ rất lâu bởi ở những khu vực này lưu lượng giao thông lớn, thường xuyên quá tải, di chuyển mất rất nhiều thời gian.

Đối với nút giao An Phú, đây là dự án được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư hồi tháng 4/2021 với tổng vốn 4.000 tỷ đồng. Công trình nằm tại điểm đầu của tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và là điểm cuối của đường Lương Định Của giao cắt với đường Mai Chí Thọ.

Dự án được kỳ vọng giảm ùn tắc cho tuyến đường vào cảng Cát Lái (đường Đồng Văn Cống) và giao thông khu vực cửa ngõ phía Đông, kết nối thuận lợi với sân bay Long Thành khi dự án hoàn thành và đưa vào khai thác, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông khu vực Thủ Đức và của cả TP.HCM.

Trước đó, dự án dự tính khởi công vào tháng 10/2022, nhưng không kịp nên đã dời ngày khởi công vào dịp cuối năm. TP.HCM đang tính toán đưa dự án này về đích vào dịp 30/4/2025, nhân dịp 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong khi đó, đối với QL50, quy hoạch mở rộng tuyến đường này đã có từ những năm 2007. Tuy nhiên, do vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nên dự án vẫn chưa chưa thể triển khai. Ngày 10/1/2017, Bộ GTVT bàn giao dự án lại cho TP.HCM triển khai. Mặc dù rất cấp bách và cần thiết, nhưng cũng mới chỉ có đoạn qua Long An và Tiền Giang được mở rộng, còn đoạn 8km qua huyện Bình Chánh, TP.HCM vẫn chưa thể triển khai.

Lưu lượng giao thông ngày càng cao, QL50 đoạn qua huyện Bình Chánh đã quá tải, tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn giao thông, ngập nước khi mưa lớn…Người dân xung quanh tuyến đường này đã hết sức ngán ngẩm và mong chờ được nâng cấp, mở rộng từng ngày.

Anh K.D, ngụ huyện Bình Chánh cho biết, từ nhiều năm nay, tuyến đường này đã bị quá tải, vào giờ cao điểm là nỗi kinh hoàng khi các phương tiện nối đuôi nhau chật kín 2 bên đường. Là tuyến đường quốc lộ nhưng nếu so với các địa phương khác thì chỉ như tuyến đường huyện vì quá bé… Từ đó, kìm hãm sự phát kinh tế khu Nam Sài Gòn.

"Nếu so sánh với các khu khác ở TP.HCM thì khu vực phía Nam phát triển còn chậm, đường bé thế này thì phát triển sao được. Chưa kể những lúc trời mưa, giờ cao điểm, đi qua tuyến đường này đúng là gian khổ…", anh D. nói.

Từ TP.HCM đi qua Long An, rồi đến TP. Mỹ Tho, Tiền Giang có tuyến QL1 và QL50, chiều dài mỗi tuyến 70km. Nhưng trái ngược với tuyến QL1, QL50 đoạn qua huyện Bình Chánh mỗi chiều chỉ có 1 làn xe, gây khó khăn cho di chuyển, phát triển kinh tế, vận tải hàng hóa… Dự án này sẽ được khởi công vào cuối năm nay với tổng vốn khoảng 1.500 tỷ đồng.

Chờ hơn 6 năm

Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa được HĐND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2016, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng nhưng chưa triển khai. Sau khi Bộ GTVT điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất đến năm 2030, nâng công suất khai thác lên 50 triệu lượt khách/năm, TP.HCM điều chỉnh quy mô dự án đường nối để đồng bộ hạ tầng.

Hiện, tổng mức đầu tư dự án đã hơn 4.800 tỷ đồng, cuối năm nay sẽ khởi công và thực hiện dự án đến năm 2024. Trong tổng vốn đầu tư dự án, chi phí xây dựng chiếm gần 1.500 tỷ đồng và hơn 2.400 tỷ đồng để triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Công trình có chiều dài khoảng 4km. Điểm đầu tuyến giao đường Trần Quốc Hoàn - đường Phan Thúc Duyện. Điểm cuối tuyến giao đường C12 - đường Cộng Hòa - đường Trường Chinh. Phần cầu trước nhà ga T3, có chiều dài cầu khoảng 987,6 m, mặt cắt ngang cầu là 4 làn xe, chiều rộng từ 17 - 21m.

Dự án có 2 hầm chui tại nút giao thông đường Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn và nút giao đường Trường Chinh - đường Tân Kỳ Tân Quý. Diện tích đất sử dụng khoảng 15,5ha.

Đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa sẽ kết nối nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất theo quy hoạch điều chỉnh chi tiết sân bay Tân Sơn Nhất với hệ thống giao thông đô thị của TP.HCM. Đồng thời, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải theo quy hoạch của TP.HCM, phát triển mạng lưới đường giao thông trên địa bàn quận Tân Bình, cải thiện tình trạng giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Trước đó, Ban quản lý dự án các công trình giao thông TP.HCM dự tính khởi công vào quý II/2022 nhưng bất thành.

Theo Đình Nguyễn

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên