"3 đứa con bị đất đá vùi hết"- Đôi mắt vô hồn của người mẹ, anh bộ đội thành giá đỡ truyền nước cho nạn nhân ở Trà Leng
Hà My bị gãy xương đùi. Cô bé cắn răng không khóc 1 tiếng khi được khiêng 17km từ Trà Leng ra quốc lộ rồi thét lên đau đớn khi được bộ đội sơ cứu. Mẹ cô bé tay nắm chặt tay Hà My, tay kia bồng con.
- 30-10-2020Bão liên tiếp, nhiều trường đại học giảm từ 50-100% học phí cho sinh viên miền Trung
- 30-10-2020Nước mắt cụ bà mất 8 người thân trong vụ sạt lở ở Quảng Nam: "Con nhắn tôi cẩn thận sạt lở, nhưng giờ con chẳng còn nữa"
- 29-10-2020Clip kinh hoàng ở Quảng Nam: Người phụ nữ bị lũ quét cuốn phăng giữa đường, thoát chết thần kỳ nhờ được người dân kéo lại
Thảm hoạ ở nóc Ông Lục
Nóc Ông Lục, ngôi làng nhỏ với chỉ 200 nhân khẩu người M’nông, nằm gọn dưới chân ngọn núi không tên ở xã Trà Leng , huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Nóc nhỏ, người dân trong nóc sống quanh quẩn với nhau. Người trong nóc biết hết mặt nhau, từ đứa trẻ nít đến già làng.
Bão số 9, cơn cuồng phong 20 năm mới xuất hiện một lần đổ bộ vào đất liền. Người dân nóc Ông Lục ngồi yên trong nhà chờ bão qua. Buổi trưa ngày 28/10, bão chẳng chút suy yếu mà ngày càng hung dữ. Người trong nóc chưa từng thấy trời nổi giận đến thế. Gió giật ầm ầm. Mưa như trút nước.
Thảm hoạ ở nóc Ông Lục.
"Em đang nằm nghỉ ở trong nhà vì mưa bão. Căn nhà đổ ầm một cái, đất đá tràn vào. Em chỉ biết co giò bỏ chạy thoát thân. Nhìn lại thì cả căn nhà, cả nóc bị vùi trong bùn đất", anh Đinh Văn Thượng (25 tuổi), bàng hoàng nhớ lại.
Anh Thượng băng rừng, băng núi từ Trà Leng tìm ra Quốc lộ 40B ở xã Trà Dơn cầu cứu. 24h sau vụ sạt lở , anh Thượng tay vẫn run run, nói lắp bắp khi kể lại phút thoát nạn. "Cả làng bị vùi lấp, không còn gì cả", anh Thượng lặp đi lặp lại câu nói đầy ám ảnh.
Già làng thôn 1 xã Trà Dơn, Nguyễn Ngọc Anh, hơn 50 tuổi từ sáng sớm ngày 29/10 vẫn cùng trai tráng vượt 17km tìm vào Trà Leng.
"Mình nghe tiếng núi lở biết trong đó gặp nạn nên cùng đám trai vào để hy vọng cứu được người. Cả nóc Ông Lục chẳng còn chi cả. Mình với mấy đứa trẻ gánh mấy đứa nhỏ bị thương vượt suối, vượt rừng ra đường lớn tìm bác sĩ", già Anh kể.
Những thanh niên Trà Dơn gánh những nạn nhân gặp nạn, vượt 17km đường rừng, qua sông, qua dốc ra quốc lộ 40B để được chăm sóc y tế.
Chiều muộn 29/10, lực lượng cứu hộ tiếp cận được nóc Ông Lục. Tất cả tan hoang. Những căn nhà gỗ bị vùi trong đống bùn đất. Tài sản của người M’nông nằm trong bùn đất. Người già khóc, phụ nữ khóc, trẻ con ngơ ngác nhìn. Nhiều người làng nóc Ông Lục bị vùi trong đất.
Bộ đội, công an, người làng cùng nhau đào bới dưới đống bùn đất ướt nhẹp. 6 người làng lần lượt được tìm thấy. Thi thể họ được tìm thấy sâu dưới 2 mét đất. Xung quanh thi thể là những bức ảnh chụp gia đình, là tờ giấy khen của các con, là tập vở, những cuốn sách giáo khoa còn mới, những cuốn vở mới viết được vài trang giấy.
Những thi thể được tìm thấy ở nóc Ông Lục
Họ được tắm rửa rồi làm lễ cúng. Người làng đau đớn đưa họ về đất ngay sau đó theo phong tục của người M’nông. Vẫn còn 13 người làng mất tích chưa tìm thấy, họ đang còn dưới đống bùn đất. Người nhà họ ngồi dưới chân núi, ôm nhau khóc.
Tiếng thét xé lòng của cô bé M’nông
Trận lở núi kinh hoàng vùi lấp nhà cửa, vùi lấp người ở nóc Ông Lục. Hồ Hà My cùng em, mẹ cha, ông bà ngoại đang ở trong nhà tránh bão số 9 thì đất đá ào xuống. Căn nhà đổ sập, chìm trong bùn đất.
Chị Hồ Thị Hà bế con gái Sa Ny. Cô bé hoảng sợ, thiếp đi trong lòng mẹ.
Cha mẹ Hà My chạy thoát ra ngoài được. Họ quay lại đào bới liên tục. Hà My cùng em gái Sa Ny được cha mẹ đào lên từ đống bùn đất. Bà ngoại cũng được tìm thấy. Ba bà cháu bị thương nặng, Hà My bị nặng nhất khi bị gãy xương đùi.
"Vợ chồng em không đào được cha lên. Cha chết rồi vẫn chưa tìm được. Em sợ lắm", chị Hồ Thị Hà đau đớn kể.
Chị Hà cùng chồng lấy tấm gỗ cố định chân cho con. Chồng chị chạy đi tìm người giúp. Những thanh niên trẻ từ Trà Dơn vào ứng cứu. Họ cho mẹ con chị Hà, bà ngoại Hà My lên những chiếc võng rồi gánh bộ ra Quốc lộ 40B.
"Em sợ lắm", chị Hà vẫn chưa hết hoảng sợ nói.
"Con bé gãy xương đùi, đi suốt 17 cây số đường núi, lội sông, trèo dốc mà không khóc một tiếng. Nó cắn răng chịu đựng. Cái chỗ xương gãy trên đùi sưng to như đùi người lớn, nó vẫn không khóc", anh Hồ Tấn Cường, trú thôn 1 xã Trà Dơn, người gánh Hà My ra ngoài, cảm phục kể.
Quân y tiếp nhận cô bé M’nông từ những người gánh võng. Họ động viên, an ủi cô bé cùng cả gia đình và những người làng đang bị thương khác. Chân cô bé sưng vù, đôi mắt to tròn vô hồn, thất thần. Các chiến sĩ quân y nhẹ nhàng tháo chiếc nẹp tạm để cố định lại trước khi chuyển đến bệnh viện. Nhẹ nhàng, cẩn thận, họ sợ làm cô bé đau.
Tiếng khóc thét của Hà My khi chiếc xương đùi bị gãy được cố định lại bằng nẹp y tế.
Chiếc nẹp y tế được đưa vào chân cô bé. Anh chiến sĩ quân y bó lại chiếc nẹp. Cô bé M’nông mới chỉ 7 tuổi khóc thét lên từng tiếng. Đau đớn. Miệng cô bé thốt lên những tiếng gọi mẹ. Mẹ cô đang bồng em, ngồi bệt xuống chiếc cáng quân y nơi con gái nằm. Tay bồng con gái nhỏ, tay kia chị Hà nắm chặt tay Hà My. Hai mẹ con mắt ướt nhoè.
Những người có mặt chứng kiến, công an, bộ đội, cán bộ, người dân đều bật khóc. Những tiếng xuýt xoa bật lên từ môi những người chứng kiến. Tiếng thét của cô bé dừng khi chiếc nẹp cố định xong.
Chị Hà cùng 2 con sau thảm hoạ.
"Thương con bé quá, đau lắm, vết gãy xương đùi gây nhức vô cùng. Về bệnh viện các bác sĩ sẽ mổ ngay cho bé", anh chiến sĩ quân y thốt lên.
Chị Trần Thị Diệu (29 tuổi) đang nằm trên giường bệnh Trung tâm y tế huyện Bắc Trà My. Diệu cũng là người vừa thoát khỏi thảm hoạ ở nóc Ông Lục cùng 1 người con. Vợ chồng Diệu có 4 người con thì 3 cháu đã bị vùi lấp.
"Ba đứa con bị đất đá vùi hết. Con mình đứa nhỏ nhất mới 10 tháng. Chồng mình còn ở lại trên đó tìm con, mình được đưa về đây để bác sĩ chữa trị", Diệu nói, ánh mắt vô hồn, hoảng loạn.
Như Diệu, như mẹ con Hà, Hà My, 13 người khác ở nóc Ông Lục đã được đưa về Trung tâm y tế huyện để điều trị y tế. Tất cả họ đều bàng hoàng, thảng thốt, sợ hãi sau cơn thảm hoạ.
Nghĩa quân dân ở nơi thảm hoạ
Một ngày dốc toàn lực, mặt trời khuất sau ngọn núi, những chàng trai mặc áo lính vẫn tiếp tục đi về phía Trà Leng. Từ sáng sớm, 50 chiến sĩ Trung đoàn bộ binh 885, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam, đã băng đường rừng, băng qua những đoạn đường sạt lở đầy bùn đất, lội bộ tìm cách vào Trà Leng. Nhiệm vụ của họ được xác định rõ ràng: tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở Trà Leng.
Những người lính tiếp tục lên đường vào Trà Leng.
Binh nhất Hồ Xuân Thuận nhẹ nhàng nói nhận lệnh là đi ngay. Bà con mình trong đó đang gặp nạn lớn, người lính phải về với bà con.
"Mình là lính, lại là người đồng bào nên nôn nóng lắm. Chỉ huy thông báo là mình xung phong đi liền. Mình chỉ mong sớm đến hiện trường để giúp bà con một tay", Thuận nói.
Hành trang của Thuận cùng đồng đội là túi gạo, chiếc xẻng đào bới, mấy chiếc nồi, bó củi khô để nhóm bếp.
Cánh tay anh chiến sĩ quân y đầy cơ bắp, rắn chắc nhẹ nhàng hết sức có thể bế Hà My từ chiếc võng xuống cán y tế. Người lính y tế dày dạn trong những lần cứu hộ, cứu nạn phút chốc bỗng lúng túng trước tiếng thét thất thanh của nạn nhân mới chưa đủ 7 tuổi. Anh liên tục an ủi động viên cô bé.
Những chiến sĩ quân y nhẹ nhàng hết sức chăm sóc cho Hà My. Chị Hà tay bồng con, tay nắm chặt tay con.
"Đau thêm một tí thôi con ơi, đau một tí nữa thôi. Chú chữa chân cho con nhé. Chân con chú chữa lành để đi học, đi chơi nhé", miệng nói, tay làm, đôi mắt đầy xót xa nhìn cô bé bệnh nhân.
Nơi hiện trường thảm hoạ sạt đất, những người lính cụ Hồ lại tất bật dùng cuốc, xẻng đào bới từng mét đất. Mồ hôi họ túa ra như tắm. Họ từng phút, từng giờ tìm kiếm các nạn nhân dưới lớp bùn đất.
Anh bộ đội thành giá đỡ để truyền nước cho nạn nhân thảm hoạ Trà Leng
"Đây là nhiệm vụ nhưng là tình đồng bào, dân quân anh ạ. Biết bà con còn nằm dưới đất, tụi em phải tìm cho bằng được. Ở dưới đó lạnh lẽo lắm", một chiến sĩ mặt trẻ măng của Trung đoàn 885 thổ lộ.
Hơn 8h tối, những đoàn quân áo lính vẫn tiếp tục vào Trà Leng. Họ mang theo lương thực, nước uống cho những người dân mới trải qua thảm hoạ kinh hoàng. Bóng đêm bao phủ. Trà Leng, Nam Trà My im ắng đến đáng sợ. Đâu đó trong những căn nhà còn sót lại sau thảm hoạ lở đất, tiếng khóc xót xa phá vỡ cả màn đêm tĩnh lặng. Người thân của họ vẫn chưa tìm được.
Pháp luật và Bạn đọc