MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 kịch bản tăng trưởng năm 2024 tại TP Hồ Chí Minh

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 diễn ra sáng 6/1, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh không để kịch bản tăng trưởng quý I năm nay lặp lại như năm 2023.

Năm 2023, thu hút vốn đầu tư FDI thành phố đứng đầu cả nước. Đây cũng là năm đầu tiên TP Hồ Chí Minh có doanh nghiệp thành lập mới vượt con số hơn 50.000. Tuy nhiên, tình hình khó khăn sẽ còn tiếp diễn, vì vậy thành phố đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng, gồm bất lợi, cơ sở và kịch thuận lợi. Trong đó, nếu thuận lợi, mức tăng trưởng sẽ đạt từ 7,5 - 8%. 

Tuy nhiên để đạt được kết quả trên, chính quyền TP Hồ Chí Minh phải có những giải pháp đột phá để đạt được mục tiêu đề ra, trong đó nhấn mạnh việc đẩy nhanh triển khai Nghị quyết 98; tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, giúp các nhà đầu tư có thể bước vào giai đoạn thi công xây dựng với các dự án lớn tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, cảng Cần Giờ.

Nguồn thu đảm bảo và tăng trưởng tốt, đảm bảo chi đầu tư phát triển tăng và chiếm tỷ trọng khá trong tổng chi ngân sách địa phương để tạo lực tăng trưởng kinh tế. Với giả định trên, tăng trưởng kinh tế năm 2024 của thành phố sẽ đạt 7,51%, dự báo khoảng 7,13 - 7,95%.

Với 3 kịch bản đã được xây dựng, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh dự báo tăng trưởng kinh tế của thành phố sẽ đạt trong khoảng 6,29 - 7,05%, dự báo là 6,67%. Tuy nhiên, nếu chương trình phục hồi kinh tế được triển khai hiệu quả, Nghị quyết 98 triển khai hiệu quả được nhiều nội dung, thì tăng trưởng kinh tế sẽ đạt trong khoảng 7,13 - 7,95%, dự báo là 7,51%.

Như vậy, mục tiêu tăng trưởng của TP Hồ Chí Minh năm 2024 từ 7,5 - 8% đặt ra trong bối cảnh thuận lợi nhất đòi hỏi chính quyền TP Hồ Chí Minh phải có những giải pháp đột phá để đạt được mục tiêu đề ra.

3 kịch bản tăng trưởng năm 2024 tại TP Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Nhận định về tình hình năm 2024, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, trong bối cảnh năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn và tiềm ẩn khả năng sụt giảm tăng trưởng trong quý I, do đó mục tiêu tăng trưởng 7,5 - 8% là cao và thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị của thành phố phải có giải pháp cụ thể ngay từ đầu năm. 

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị các sở, ngành tập trung phân tích các điểm mạnh, hạn chế từ kết quả của năm 2023 như khả năng hấp thụ vốn, tiến độ giải quyết công việc, giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ triển khai lập quy hoạch thành phố để khắc phục, chấn chỉnh, tránh tình trạng văn bản “chạy qua chạy lại”, tâm lý chờ chỉ đạo gây trì trệ trong việc triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Cũng tại hội nghị, nhấn mạnh TP Hồ Chí Minh đã xác định rõ mục tiêu cũng như nhận thức những khó khăn phải đối mặt, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cho rằng cần ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng một cách bền vững là đầu tư, tiêu dùng, du lịch, xuất khẩu; tính toán lại và có giải pháp thích ứng với xu hướng mới, không chỉ trông chờ vào các thị trường, đối tác truyền thống; với đầu tư công, phải theo sát, chuẩn bị kế hoạch, kiểm tra, giám sát để điều chỉnh kịp thời. Lĩnh vực bất động sản đang "ấm dần", các đơn vị liên quan cần tiếp tục giải quyết các vướng mắc để thị trường phát triển lành mạnh.

Bên cạnh các nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng yêu cầu các sở, ngành chú trọng phát triển toàn diện, đồng bộ lĩnh vực văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, dịch vụ y tế, bảo vệ tài nguyên môi trường của thành phố. Đồng thời, từng đơn vị phải siết chặt kỷ cương, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu chung về kinh tế - xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo.

Theo Ban Thời sự

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên