3 kiểu dùng tai nghe của người trẻ khiến tai tổn thương cực nhanh, có thể gây điếc đột ngột
Với nhiều người trẻ, tai nghe đã trở thành vật dụng hàng ngày không thể thiếu. Tuy nhiên, ít ai để ý đến việc dùng tai nghe thế nào mới đúng, mới tốt cho sức khỏe.
- 01-05-20221,1 tỷ người trẻ sẽ có nguy cơ bị điếc vì thói quen sử dụng tai nghe sai cách
- 08-11-20214 thói quen sử dụng tai nghe gây hại cho sức khỏe nhưng người nào cũng mắc phải ít nhất 1 cái
- 13-10-2021Đừng đeo tai nghe không dây quá 1 tiếng đồng hồ, tai của bạn cũng cần phải thở
Theo bác sĩ Hồ Mẫn - Trưởng Khoa Phẫu thuật Đầu và Cổ - Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhân dân Số 2 Nam Ninh (Trung Quốc), không khó để bắt gặp những người dùng tai nghe sai cách ngay xung quanh mỗi chúng ta. Điều quan trọng là họ không hề biết hành vi của mình gây hại đến cấu trúc tai và thính lực nhiều như thế nào.
Bà chia sẻ rằng, mặc dù công nghệ ngày càng hiện đại, các thiết bị tai nghe không ngừng được cải tiến nhưng hiểu biết, ý thức của người dùng mới là điều quyết định hiệu quả và tác động của chúng đến sức khỏe. Nếu dùng tai nghe sai cách, sẽ dẫn tới tích tụ nhiều ráy tai, tổn thương màng nhĩ, viêm tai ngoài, nhiễm trùng tai, suy giảm hoặc mất thính lực, ảnh hưởng đến não bộ…
Nên để bảo vệ tai, không muốn điếc đột ngột hay còn trẻ tuổi mà đã có thính lực như người cao tuổi thì hãy sửa ngay 3 thói quen xấu khi dùng tai nghe sau đây:
1. Dùng tai nghe với âm lượng quá lớn
Những người trẻ tuổi thường có xu hướng thích dùng tai nghe với âm lượng lớn, nhất là khi nghe nhạc. Bởi vì nó không chỉ khiến họ thỏa mãn sở thích âm nhạc mà còn để tránh những ồn ào từ bên ngoài khi ở nơi công cộng. Hoặc đơn giản là họ muốn tập trung, tạo ra cảm hứng khi làm việc, cải thiện tâm trạng…
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, thói quen nghe với âm lượng lớn bằng tai nghe rất có hại cho sức khỏe. Bác sĩ Hồ giải thích, suy giảm thính lực sẽ xảy ra nếu bạn tiếp xúc âm thanh có cường độ 85 - 90 decibels (dB) liên tục trên 2 giờ đồng hồ mỗi ngày và kéo dài trên 12 tháng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng với âm thanh ở ngưỡng 94dB, tai chúng ta có thể chịu đựng được 1 tiếng mỗi ngày. Còn với ngưỡng âm thanh là 105dB, tai con người chỉ có thể chịu đựng được khoảng 4 phút mỗi ngày.
Thói quen này có thể gây ù tai, mất thính giác, viêm nhiễm tai, rách màng nhĩ, tổn thương tế bào thần kinh. Vì vậy, bà nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ dùng quá 60% âm lượng của tai nghe.
2. Đeo tai nghe khi chạy bộ
Không khó để bắt gặp hình ảnh những người chạy bộ, tập thể dục thể thao đeo tai nghe trên đường, trong công viên hay các phòng tập gym. Tuy nhiên, thói quen này cũng gây hại cho tai nhiều hơn chúng ta tưởng.
Theo bác sĩ Hồ, một trong những lý do chính mà bạn nên để tai nghe ở nhà trong lúc tập chạy bộ là để đảm bảo an toàn cho bản thân. Việc đeo tai nghe có thể khiến bạn không cảm nhận được những sự việc xảy ra xung quanh. Đặc biệt là khi đang chạy bộ ở đường xe chạy, tai nghe sẽ khiến bạn không nghe thấy được tiếng còi xe và nguy cơ gặp phải tai nạn trên đường.
Ảnh minh họa
Tiếp theo, việc dùng tai nghe khi vận động mạnh, nhất là các loại tai nghe nhét tai có thể tăng nguy cơ chấn thương tai. Bản thân âm thanh sẽ trở nên không ổn định, dễ tác động tiêu cực đến màng nhĩ và ống tai. Chưa kể khi chạy toàn bộ cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, tai dễ ẩm ướt hơn nhưng lại bị tai nghe bịt chặt, dễ sản sinh vi khuẩn.
Vì vậy, nếu lặp lại hành vi đeo tai nghe khi chạy bộ lâu ngày có thể dẫn tới ù tai, chấn thương tai, viêm nhiễm tai, suy giảm thính lực. Ngoài ra, nó còn có thể tăng nguy cơ gặp tai nạn không đáng có và làm giảm hiệu quả chạy bộ. Bao gồm việc bị phụ thuộc vào tai nghe khi chạy hoặc chỉ chú tâm tới âm thanh trong tai nghe mà quên đi trải nghiệm chạy mới là quan trọng.
3. Đeo tai nghe khi ngủ
Đeo tai nghe khi ngủ cũng là một thói quen xấu rất dễ bắt gặp ở những người trẻ tuổi. Trong số đó, có những người bị phụ thuộc vào âm nhạc hoặc radio, khiến họ phải nghe một âm thanh gì đó mới có thể chìm vào giấc ngủ.
Số khác thì thích nghe nhạc cho dễ ngủ, tạo ra thế giới riêng của mình hoặc tránh những ồn ào xung quanh. Cũng có không ít người thì đeo tai nghe để xem phim, nghe nhạc, giải trí trước khi đi ngủ nhưng rồi ngủ quên mất mà không tháo tai nghe. Nhưng vì nguyên nhân gì thì việc đeo tai nghe khi ngủ rất có hại cho cả thính giác cũng như giấc ngủ.
Bác sĩ Hồ giải thích, xương tai và màng nhĩ của chúng ta là những cơ quan mềm và dễ bị tổn thương. Vì vậy kích thích âm lượng qua đêm có thể dẫn đến tổn thương các tế bào tóc của tai trong. Đồng thời, vỏ não cũng sẽ bị kích thích và không thể ngủ sâu, hệ thần kinh dễ bị rối loạn, gây mệt mỏi vào ngày hôm sau.
Nếu bạn đeo tai nghe và ngủ với tư thế nằm nghiêng, bạn có thể sẽ nằm đè lên tai nghe hoặc khiến tai nghe bị nhét quá sâu vào trong. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ suy giảm thính giác, tổn thương màng nhĩ, lâu ngày còn gây viêm tai, hoại tử.
Ảnh minh họa
Bản thân việc đeo tai nghe có thể khiến tư thế ngủ của bạn không thoải mái, ảnh hưởng đến xương. Bạn cũng dễ bỏ qua những trường hợp khẩn cấp vì bị giảm khả năng nghe trong lúc đó.
Ngoài 3 thói quen xấu kể trên, bác sĩ Hồ cũng nhắc nhở chúng ta không nên sử dụng tai nghe quá nhiều, thậm chí là lạm dụng tai nghe trong cuộc sống. Việc này khiến cho các tế bào thần kinh trong ốc tai phải làm việc quá sức, gây ra suy giảm thính lực hay có thể bị điếc. Thói quen này cũng có thể khiến không khí và máu khó lưu thông, dẫn đến tai dễ bị viêm nhiễm, tích tụ nhiều ráy tai và về lâu dài có thể gây suy giảm, thậm chí là mất thính giác.
Để bảo vệ tai, hãy nhớ quy tắc không nên đeo tai nghe quá 2 giờ đồng hồ mỗi ngày và không nghe liên tục quá 15 phút. Nếu công việc bắt buộc phải dùng tai nghe nhiều, hãy chọn loại tai nghe chất lượng tốt, thoải mái khi đeo, âm lượng sử dụng dưới 60%, để tai nghỉ ngơi mỗi 15 - 20 phút một lần và thường xuyên vệ sinh tai nghe.
Nguồn và ảnh: Kknews, Lifetimes, ETtoday
Phụ nữ Việt Nam