3 kiểu nuôi dạy của cha mẹ ban đầu khiến con vô cùng ngoan ngoãn nhưng hậu quả về sau vô cùng đáng sợ
Những đứa trẻ hay bị đối xử như vậy thường có một điểm chung là rụt rè và bất an. Biểu hiện rõ ràng và trực tiếp nhất ở trẻ: sợ bóng tối, sợ đi nhà trẻ, sợ ngủ một mình.
- 30-04-2023Cha mẹ để ý dạy dỗ kỹ nếu trẻ có 3 tính cách này
- 30-04-2023Không phải điểm số, đây mới là 2 điều mẹ Nhật chú trọng dạy dỗ con mình
- 30-04-2023Nên nói gì khi con gào khóc và thắc mắc vì sao bố mẹ phải đi làm?
Mỗi người có quan điểm khác nhau trong nuôi dạy con trẻ, nhưng nguyên tắc chung là cha mẹ luôn bình tĩnh, kiểm soát tốt cảm xúc trong mọi tình huống. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh dùng nỗi sợ, sự xấu hổ để dọa và khuyến khích đứa trẻ thay đổi hành vi. Trẻ em hiện nay đang chịu nhiều áp lực, càng sử dụng nỗi sợ, sự xấu hổ để dọa thì lợi bất cập hại, các con sẽ bị tổn thương nhiều hơn.
Có những kiểu giáo dục đe dọa để lại ám ảnh tâm lý cho trẻ:
1. Đe dọa bỏ rơi con
Trong siêu thị ở Trung Quốc, một cậu bé cầm món đồ chơi trên tay, rưng rưng nước mắt nhìn mẹ cầu xin. Người mẹ ngước mắt nhìn giá ghi trên kệ, khẽ nhíu mày. Chi phí tháng này đã vượt quá ngân sách, không thể tiêu tiền vào những món đồ chơi vô nghĩa này. Chị hứa với con lần sau sẽ mua, nhưng đứa trẻ lên năm biết rằng mẹ đang dối mình. Cậu òa khóc.
Tiếng khóc của đứa trẻ nhanh chóng thu hút sự chú ý của các nhân viên và rất đông người qua đường. Thấy con ương ngạnh, người mẹ cuối cùng cũng "chiến thắng" bằng một lời đe dạo: "Mẹ chỉ đếm đến ba thôi. Con không bỏ đồ chơi xuống, mẹ sẽ không cho con đi về nhà đâu". Nghe mẹ nói vậy, đứa trẻ lập tức nín khóc.
Đối với cách làm của người mẹ này, nếu phân tích kỹ từ góc độ dài hạn, bạn sẽ thấy rằng mặc dù tổn thất về tài chính có thể tránh được nhưng cách giáo dục này sẽ có tác động xấu đến tính cách của đứa trẻ.
"Bố/mẹ chỉ đếm đến ba", "Bố/mẹ không yêu thương con nếu con làm điều này một lần nữa"... Về cơ bản, mọi đứa trẻ đều nghe thấy những câu nói quen thuộc này trong thời thơ ấu. Mỗi khi những lời đe dọa này này phát ra, hiệu quả luôn thấy được ngay lập tức.
Nhưng, những lời nói ấy đã gây ra bao nhiêu tổn thương cho tâm hồn non nớt của trẻ, liệu cha mẹ đã thực sự nghĩ đến và cân nhắc hay chưa? Những đứa trẻ hay bị đối xử như vậy thường có một điểm chung là rụt rè và bất an. Biểu hiện rõ ràng và trực tiếp nhất ở trẻ: sợ bóng tối, sợ đi nhà trẻ, sợ ngủ một mình.
2. Đe dọa bằng nhân vật "đáng sợ"
Khoảng 7 giờ tối một ngày cuối tuần, cảnh sát ở một địa phương của Trung Quốc nhận được điện thoại của người dân báo rằng đã tìm thấy một đứa trẻ mất tích.
Người phụ nữ sau khi nhìn thấy đứa trẻ, muốn đi lên hỏi xem chuyện gì xảy ra, nhưng đứa nhỏ nhìn thấy bà liền chạy nhanh hơn. Sợ đứa trẻ sẽ xảy ra chuyện, cuối cùng cô đã gọi điện cho cảnh sát, hy vọng có thể giải quyết vụ việc.
Khi cảnh sát đến, họ chỉ bước tới để hỏi thăm, nhưng điều khiến họ ngạc nhiên là càng tới gần, đứa trẻ càng khóc dữ dội. Vừa khóc vừa van xin: "Chú cảnh sát đừng bắt cháu, cháu là một cậu bé ngoan". Những người làm nhiệm vụ cũng không biết làm sao, vội vàng giải thích: "Bạn nhỏ à, các chú tới giúp con, đều là người tốt" nhưng đứa trẻ vẫn run cầm cập sợ hãi, nhất định không chịu lên xe công vụ.
Mãi đến gần 10 giờ đêm, phụ huynh của em này mới nhận ra rằng con mình đã biến mất và vội vàng gọi cảnh sát để được giúp đỡ. Sau khi biết con không sao, họ mới thở phào nhẹ nhõm. Trong khi làm thủ tục nhận con, một cảnh sát không nhịn được, hỏi dò: "Sao đứa nhỏ lại sợ chúng tôi như vậy nhỉ? Ai cũng biết cảnh sát là để giúp người mà".
Một người có vẻ có kinh nghiệm giải thích: "Hiện nay một số bậc cha mẹ thích dùng cảnh sát để dọa con cái. Một khi con cái mắc lỗi, họ sẽ nói rằng nếu con ở như vậy chú cảnh sát sẽ đưa con đi".
Phương pháp này có thể có tác dụng tức thời, khiến trẻ sợ hãi và tạm thời im lặng nghe lời, nhưng cách làm thiển cận như vậy sớm muộn gì cũng gây ra hậu quả. Đứa trẻ sẽ có ấn tượng xấu không thể xóa nhòa với cảnh sát, một khi gặp phải chuyện không giải quyết được cũng không dám gọi cảnh sát.
Đối tượng cha mẹ dùng để dọa nạt không chỉ là công an mà có thể là bác sĩ, giáo viên, thậm chí là những người vô gia cư gần đó. Kết quả là trẻ em có sự nhầm lẫn về xã hội này , chúng chỉ sợ công an và bác sĩ, không kính trọng thầy cô và không có thiện cảm với những người vô gia cư.
Trước những rắc rối vô lý và sự bướng bỉnh của trẻ em, đàn áp, ép buộc và mua chuộc đã trở thành vũ khí tốt nhất để kỷ luật. Nhưng kiểu giáo dục này chẳng qua chỉ có tác dụng nhất thời.
3. Đe dọa bằng bạo lực
Mới đây, một đoạn video quay cảnh con bị bắt nạt, phụ huynh yêu cầu con gọi lại nếu không bố sẽ đánh con đã thu hút sự chú ý. Đáng nói, với phương pháp dạy con như vậy, ông bố này vẫn nhận được sự đồng tình của một số lượng lớn cư dân mạng.
Trong một đoạn video ngắn, đứa trẻ chạy đến bên cha khóc lóc kể bị bạn cùng lớp bắt nạt và muốn tìm kiếm sự an ủi, giúp đỡ. Nhưng người cha chứng kiến lại cho rằng đứa trẻ quá nhút nhát, muốn nahan trường hợp này để huấn luyện con. Anh ta ép con: "Con đánh lại cho bố, nếu con không đánh thì bố sẽ đánh con".
Đứa con lúng túng trước "mệnh lệnh" của bố, chỉ biết đánh trả vài cái cho có, thế mà lại bị bố đánh lại thật mạnh. Trong video, phương pháp giáo dục nghiêm khắc của ông bố cũng ngay lập tức nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ đông đảo cư dân mạng, thậm chí nhiều bậc cha mẹ còn muốn học theo. Nhưng có lẽ họ không bao giờ xem xét từ góc độ của cậu bé.
Nếu bạn đang bị bắt nạt và nói với bố mẹ, bố mẹ không những không an ủi mà còn mắng mỏ hoặc đánh bạn bằng nắm đấm, rồi bắt bạn phản ứng lại, bạn sẽ nghĩ thế nào?
Hầu hết mọi người hiểu ý định ban đầu của ông bố này, anh ta hy vọng rằng con cái sẽ phản kháng khi đối mặt với sự bắt nạt. Nhưng khích lệ tinh thần không bao giờ hiệu quả nếu chỉ bằng cách ép buộc và đe dọa. Trong một môi trường như vậy, trẻ sẽ dần thiếu đi cảm giác an toàn, kéo theo đó là áp lực lớn, để lại trong lòng một bóng đen không thể xóa nhòa.
Cách giáo dục mang tính đe dọa, ép buộc của cha mẹ thường là thủ phạm khiến con cái trở nên rụt rè, hèn nhát. Sự áp đặt của cha mẹ khiến chúng không dám phản kháng, suốt ngày phải nhìn thái độ người lớn để ứng xử.
Trong sự trưởng thành của con cái, ảnh hưởng của cha mẹ là rất quan trọng, mỗi lời nói và việc làm đều quyết định hướng đi sau này của trẻ. Khi một đứa trẻ không vâng lời, hãy nhớ lại xem con đã được giáo dục đúng cách chưa. Thực ra, cách dạy con tốt nhất chính là làm gương. Chỉ khi bạn đáp ứng các tiêu chuẩn của chính mình, con bạn mới học cách đáp ứng các tiêu chuẩn của bạn.
Khi trẻ gặp vấn đề, là cha mẹ, chúng ta không nên chỉ dạy dỗ, phê bình trẻ từ góc độ của mình mà nên giao tiếp với trẻ nhiều hơn và nhìn nhận vấn đề từ góc độ của trẻ. Với các trẻ mầm non hay tiểu học, các con chưa thể nói hết cảm xúc của mình. Nhưng với độ tuổi lớn hơn, những lời nói mang tính dọa nạt dễ gây ra sự xa cách giữa trẻ và bố mẹ
Cần giúp trẻ nhận thức đúng và sai thông qua phân tích, từ đó có hành vi phù hợp. Để làm được điều này, cần quá trình dạy trẻ từ nhỏ đến lớn, kiên trì, tỉ mỉ và tận tụy. Và chỉ có sự khen ngợi, động viên mới mang lại cho trẻ sự tự tin và động lực chứ không phải đe dọa.
Phụ nữ Việt Nam