MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 lý do khiến nước Mỹ lo lắng về Donald Trump

17-11-2016 - 10:45 AM | Tài chính quốc tế

Nếu như Trump thực hiện đúng những lời cam kết khi tranh cử, ông sẽ tạo ra rất nhiều sự thay đổi lớn trên mọi lĩnh vực.

Nước Mỹ sẽ ra sao dưới thời Donald Trump?

Trước hết, về chính sách, ông Trump cam kết sẽ huỷ bỏ chương trình Obamacare. Tuy nhiên, động thái này sẽ đẩy 20 triệu người Mỹ khó khăn vào tình trạng không có bảo hiểm y tế. Kế hoạch giảm thuế của ông chủ yếu chỉ có lợi cho người giàu và có thể sẽ gây ra thâm hụt ngân sách, góp phần đẩy tỉ lệ nợ so với GDP tăng 25% vào năm 2026.

Bên cạnh đó, ngay cả khi ông Trump không thực sự trục xuất bộ phận dân nhập cư trái phép, thì ông cũng sẽ thúc đẩy các chính sách chia rẽ sắc tộc. Ông Trump còn đe doạ áp dụng thuế quan nhằm yêu cầu nhượng bộ thương mại từ phía Trung Quốc, Mexico và Canada, cũng như yêu cầu huỷ bỏ Hiệp định Thương mai Tự do Bắc Mỹ.

Bộ phận người nghèo tại nước Mỹ được lợi chủ yếu nhờ tiêu dùng các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ, thay vì thu lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh có tính cạnh tranh cao. Vì vậy, chủ nghĩa bảo hộ của tân tổng thống có thể sẽ khiến nhóm người này ngày càng nghèo hơn.

Nếu ông Trump châm ngòi chiến tranh thương mại thì nền kinh tế toàn cầu mong manh có thể sẽ lâm vào suy thoái. Với mức lãi suất ngân hàng gần chạm mức 0, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải chật vật để khắc phục tình hình.

Trên trường quốc tế, ông Trump cho biết mình phản đối hiệp định đóng băng chương trình hạt nhân của Iran. Nếu hiệp định này thất bại, ông Trump sẽ buộc phải lựa chọn giữa tấn công các cứ điểm hạt nhân của Iran hoặc ngồi yên chứng kiến Trung Đông phát triển hạt nhân.

Ông còn mong muốn đảo ngược hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Mong muốn này không chỉ gây hại cho môi trường Trái đất, mà còn hạ thấp vị thế đối tác đàm phán của nước Mỹ.

Trên hết, ông có thể sẽ huỷ bỏ các liên minh của nước Mỹ - sức mạnh lớn nhất của quốc gia này. Ông Trump đòi hỏi các nước đồng minh phải trả thêm chi phí cho các hoạt động an ninh, nếu không ông sẽ rút can thiệp quân sự của Mỹ tại nước đó.

Động thái này của ông sẽ làm NATO suy yếu, đẩy các nước đông Âu đang trực tiếp đối mặt với Nga vào thế yếu. Không những vậy, động thái này còn góp phần thúc đẩy Trung Quốc bành trướng về phía biển Đông. Nhật Bản và Hàn Quốc có thể sẽ buộc phải phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ.

Thứ hai, người Mỹ lo ngại về tính cách của ông Trump. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông tỏ ra dễ xúc động và liên tục có những phát ngôn khiến người khác bị sốc. Trong khi đó người đứng đầu của một quốc gia cần tỏ ra bình tĩnh và chín chắn hơn. Đối mặt với những lời phê phán chỉ trích của các nghị sĩ, yếu tố quyết định thành công của ông phụ thuộc hoàn toàn vào việc ông có sẵn sàng bỏ qua và cùng họ thoả thuận hay không.

Khi bị báo giới giễu cợt trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã từng dùng luật phỉ báng để đe doạ họ. Nhưng khi chính thức trở thành tổng thống, ông cần phải làm ngơ và ủng hộ họ.

Khi chính phủ các nước xúc phạm ông, ông cần cân nhắc hành xử dựa trên lợi ích của nước Mỹ thay vì lòng tự tôn của mình.

Nếu ông Trump không thể kiềm chế sự oán giận của mình, thì nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ sớm sa vào nhiều xung đột không đáng có.

Cuối cùng, nguyên nhân khiến nhiều người Mỹ lo lắng chính là những yêu cầu đặt ra cho tổng thống. Ở Trump thiếu sự ổn định mà phòng Bầu Dục yêu cầu. Ông Trump có thể uỷ nhiệm cho cấp dưới của mình (như tổng thống Reagan đã từng làm); tuy nhiên, nhóm chiến dịch của ông lại không hề phù hợp làm chính trị.

Ông Trump luôn cho rằng kinh nghiệm kinh doanh của mình sẽ giúp ông trở thành một nhà đàm phán chính trị thành công. Dù vậy, nếu một thoả thuận kinh doanh thất bại, ông Trump có thể chọn mua một toà nhà chọc trời hay xây một sân golf khác; nhưng ngược lại, nếu thất bại trong việc đạt được thoả thuận với tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Trump và nước Mỹ sẽ không còn đường lui.

Không chỉ vậy, để kiểm soát kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, ông Trump cần phải có cả kinh nghiệm và sự phán xét sáng suốt.

Tương lai không chắc chắn

Một ưu điểm của hiến pháp nước Mỹ là hạn chế phạm vi tổn hại do một tổng thống gây ra. Người Mỹ hiện nay chỉ có thể hi vọng rằng ông Trump sẽ chứng minh cho họ thấy những nghi ngờ của họ là vô căn cứ; hoặc nếu ông thất bại, thì một vị tổng thống tốt hơn sẽ đắc cử.

Tuy nhiên, nếu ông Trump thất bại, sự bất mãn của những công dân Mỹ giận dữ, những người đã bỏ phiếu cho ông, sẽ ngày càng tăng thêm. Và điều này rất có thể sẽ mở đường cho một tổng thống mới còn mang khuynh hướng phá vỡ hệ thống mạnh mẽ hơn ông Trump.

Cử tri Mỹ đã tự mình phủ nhận cơ chế thị trường mở và nền dân chủ tự do cổ điển mà người Mỹ luôn bảo vệ. Pháp, Ý và nhiều nước châu Âu khác có lẽ sẽ sớm đi theo con đường này.

Khi ông Trump còn đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ của mình tại Nhà Trắng, thì công cuộc giành chiến thắng lâu dài và khó khăn cho chủ nghĩa quốc tế tự do lại mới chỉ bắt đầu.

Quỳnh Mai

Economist

Trở lên trên