Nhà đầu tư đang dần chuyển sang chọn chứng quyền lướt sóng thay vì chứng khoán cơ sở
Trong tháng 12, thị trường chứng quyền có 4 mã đáo hạn, trong đó có đến 3 mã do CTCK SSI phát hành, gồm CFPT1903, CHPG1905, CMWG1904. Đây đều là những mã có thanh khoản tốt, và có những giai đoạn tăng giá ấn tượng trên 110%.
Từ khi thị trường CW đi vào vận hành 28/6/2019, đến nay, giới đầu tư đang chứng kiến sự tham gia của các tổ chức phát hành với số lượng lớn, như SSI với 13 mã, KIS 12 mã, HSC 7 mã, MBS 6 mã… tạo thêm sản phẩm cho các nhà đầu tư lựa chọn. Và đặc biệt phát huy "lợi ích" trong giai đoạn thị trường chứng khoán đang khó kiếm lời, nhiều cổ phiếu giảm nhưng dòng tiền chưa nhập cuộc, thì với vốn ban đầu bỏ ra nhỏ, thị trường CW vẫn có những phiên giao dịch sôi động.
Đến thời điểm hiện tại, có 20 mã CW đã đáo hạn và 38 mã đang giao dịch, trong tháng 12, chỉ có 4 mã đáo hạn, trong đó có đến 3 mã do CTCK SSI phát hành bao gồm CFPT1903, CHPG1905, CMWG1904 và mã CMWG1903 do HSC phát hành. Kết thúc phiên 20/12/2019, CMWG1904 vẫn đang duy trì sắc xanh với mức tăng 6,44%, CFPT1903 tăng 6,01%, CHPG1905 tăng 10,42%, trong khi CMWG1903 chìm trong sắc đỏ.
Trong khoảng 1 tháng qua, các chứng khoán cơ sở biến động mạnh và có xu hướng tiếp tục dao động mạnh cho đết hết năm 2019, qua đó sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư giao dịch. Theo SSI, dự kiến, các nhà đầu tư sẽ tham gia tích cực tới sát thời điểm đáo hạn nên thanh khoản sẽ tích cực và tổ chức phát hành cũng không gặp khó khăn trong việc tạo lập thị trường.
Đơn cử như 2 trong 3 mã chứng quyền sắp đáo hạn do SSI phát hành, thì có tới 2 chứng quyền CFPT1903 và CMWG1904 trong top 10 của thị trường. Cụ thể, giá trị giao dịch trung bình 1 phiên giao dịch trong 3 tháng gần nhất của CMWG1904 lên đến 1.112,5 triệu đồng, còn CFPT1903 671 triệu đồng, còn với CHPG1905 cũng đạt được mức hơn 221 triệu đồng.
Thanh khoản của hai chứng quyền CFPT1903 và CMWG1904 trong top 10 của thị trường
Trong quá trình niêm yết, CFPT1903, CHPG1905, CMWG1904 có những giai đoạn tăng giá rất ấn tượng, những NĐT biết chớp thời cơ cũng đã có thể thu về khoản lãi hơn gấp đôi. Theo ghi nhận từ phía SSI, phần đông các nhà đầu tư đều thực hiện chốt lời những mã này trước đáo hạn. Điều này cũng đồng nghĩa, có không ít NĐT đã thực sự kiếm lời tốt từ CW. Cụ thể, trong giai đoạn 7/8-12/11, CFPT1903 có được mức tăng giá đến 126%; CMWG1904 tăng 114% từ ngày 15/7 tới 27/09, CHPG1905 tăng 112% chỉ trong vòng hơn 2 tuần từ ngày 25/11 tới ngày 10/12 . Đối với các chứng quyền đang ở trạng thái có lãi (in the money), nhà đầu tư sẽ được lợi hơn về thuế nếu bán lại cho Tổ chức phát hành thay vì giữ tới lúc đáo hạn. Theo SSI, tỉ lệ mua lại chứng quyền đã phát hành của 3 mã CFPT1903, CMWG1904 và CHPG1905 lần lượt là: 77%, 60% và 38%.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán cơ sở lình xình, nhiều cổ phiếu còn giảm điểm mạnh, thì việc tìm kiếm đến sản phẩm khác là CW để có được mức sinh lời hơn 100% trong thời gian ngắn, khoảng 1-3 tháng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn. Cũng theo đại diện SSI chia sẻ, khi thị trường tăng, giá chứng quyền tăng mạnh, có khá nhiều nhà đầu tư bán lại chứng quyền cho công ty chứng khoán nhằm chốt lời. Ví dụ vào ngày 01/11/2019, khi giá cổ phiếu VHM tăng trần, giá chứng quyền CVHM1902 của SSI tăng 19% trong một ngày, nhiều nhà đầu tư chốt lời, công ty đã mua lại hơn 80% số lượng chứng quyền đang lưu hanh chỉ trong một ngày. Ngược lại khi thị trường giảm, nhiều nhà đầu tư muốn bắt đáy đã mua chứng quyền vào khá nhiều như là một cách bắt đáy với số vốn thấp.
Theo nhận định của SSI, mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong xu hướng giảm điểm, tuy nhiên, tình hình kinh tế vĩ mô nhìn chung vẫn rất khả quan, tăng trưởng vượt mục tiêu và duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN. Việt Nam cũng nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á, đồng thời bối cảnh kinh tế thế giới cũng diễn biến thuận lợi với chính sách nới lỏng tiền tệ tại các ngân hàng trung ương. Đây có thể là cơ hội đối tốt với nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu/chứng quyền với giá rẻ.
Riêng về đầu tư chứng quyền, SSI cũng khuyến cáo nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ, ngoài vấn đề về giá, nhà đầu tư còn cần chú ý tới những tham số khác như giá thanh toán, ngày đáo hạn, thanh khoản, độ biến động nội hàm và kể cả thông tin về Tổ chức phát hành. Theo ghi nhận từ SSI, vào những ngày thị trường giảm, SSI chủ yếu bán ròng chứng quyền ra thị trường, những ngày thị trường tăng, SSI chủ yếu mua ròng chứng quyền vào. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đang dùng chứng quyền để lướt sóng thị trường khá tốt. Đối với các chứng quyền được tạo lập thị trường tốt, giá của chứng quyền sẽ biến động khá sát theo biến động của chứng khoán cơ sở thông qua mô hình định giá Black-Scholes.
Giai đoạn quý 1 năm 2020, SSI cũng dự định phát hành thêm một số các chứng quyền khác dựa vào những mã cổ phiếu tốt và có khả năng tăng giá tốt nhằm giúp cho nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn hấp dẫn hơn.
Theo thống kê ngày 17/12 của HOSE, SSI đã phát hành 24 triệu chứng quyền, chiếm 44% toàn thị trường về tổng giá trị phát hành. Giá trị giao dịch của các mã chứng quyền của SSI chiếm khoảng 65% giá trị giao dịch toàn thị trường chứng quyền. Đặc biệt đối với mã CFPT1903, đáo hạn trong tuần này có giá trị giao dịch gần bằng 34% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường chứng quyền. Trung bình, giá trị giao dịch hàng ngày các mã của SSI cũng chiếm tầm 50% giá trị giao dịch toàn thị trường chứng quyền.