MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 mảnh ghép - Biden, Iran và giá dầu – sẽ tạo nên bức tranh tươi sáng?

01-11-2020 - 15:04 PM | Thị trường

Khả năng cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đắc cử Tổng thống và những trừng phạt đối với Iran được nới lỏng dần, cũng như những cam kết mà ông Biden đưa ra trong quá trình tranh cử sẽ trở thành những mối lo ngại mới cho con đường phục hồi giá dầu.

Giá dầu đã đảo chiều giảm xuống mức thấp nhất kể từ đợt thế giới phong tỏa lần 1 nhằm chống sự lây lan của Covid-19 (hồi mùa Xuân, khi dầu Tây Texas Mỹ - WTI - trong một khoảng thời gian ngắn ngủi đã bất thường lao xuống mức âm 37,63 USD/thùng). Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục ‘đeo bám’ thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, giờ đây lại có thêm yếu tố mới tác động mạnh không kém, đó là khả năng cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đắc cử Tổng thống và những trừng phạt đối với Iran được nới lỏng dần, cũng như những cam kết mà ông Biden đưa ra trong quá trình tranh cử.

Theo phân tích của Bloomberg News, nếu các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran mà Tổng thống Donald Trump áp đặt - và gần đây siết chặt thêm nữa – được nới lỏng, thì thị trường dầu mỏ thế giới sẽ có thêm 2 triệu thùng dầu thô xuất khẩu mỗi ngày từ Iran. Ông Iman Nasseri, giám đốc điều hành khu vực Trung Đông của công ty tư vấn FGE - trụ sở tại London, cho biết: "Trong vòng vài tháng sau cuộc bầu cử (nếu ông Biden đắc cử), chúng ta sẽ thấy dầu Iran tràn ra thi trường", và "Đây sẽ là vấn đề làm ‘đau đầu’ OPEC".

Nhà phân tích David Fyfe của Argus Media cho rằng: "Kịch bản như vậy có thể không xảy ra lập tức, nhưng bạn sẽ chứng kiến nó xảy ra trong vòng 6 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ Biden".

Trong quá khứ, giá dầu rẻ từng khiến người Mỹ vui mừng. Nhưng giờ đây, Mỹ đã là nước xuất khẩu dầu nhiều hơn là nhập khẩu thì mọi thứ đã thay đổi. Và đối với Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh, giá dầu rẻ gây tổn thất lớn.

Giá dầu ở mức hiện tại là thấp rất xa so với mong muốn của các nước sản xuất dầu, thậm chí không đủ trang trải chi phí sản xuất. Như vậy thì xu hướng giá rẻ cũng không thể bền vững.

Ông Bidan đã tỏ ra cởi mở hơn trong việc Mỹ sẽ quay trở lại Kế hoạch Hành động toàn diện chung – Hiệp ước đa phương nhằm ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân – nếu Iran tuân thủ trở lại các điều khoản đã cam kết. Còn Iran cho biết họ sẽ không tuân thủ đầy đủ trở lại nếu các lệnh trừng phạt chưa được dỡ bỏ. Tuy nhiên, vấn đề này hoàn toàn không dễ dàng.

Vậy nếu gạt vấn đề ông Biden sẽ nới lỏng những trừng phạt đối với Iran sang một bên, thì ông Biden sẽ có thể làm gì để thị trường dầu mỏ không bị ‘sụp đổ’?

Hiến kế giải quyết vấn đề này, học giả Karen Young thuộc Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ cho rằng, trong trường hợp ông Biden thắng cử thì, để thị trường dầu mỏ không bị ‘sốc’, Mỹ nên bắt đầu từng bước một các động thái ‘quy mô nhỏ’ nhằm "giảm sự leo thang căng thẳng ở khu vực Trung Đông và đồng thời hỗ trợ kinh tế hồi phục", thay vì đưa Iran quay trở lại thị trường cung cấp dầu mỏ ngay tức khắc. Theo bà, "Mỹ nên tác động để Iran và các nước Ảrập láng giềng xây dựng lòng tin bắt đầu từ năm 2021, chẳng hạn như cùng nhau hợp tác chống lại đại dịch Covid-19 và tham gia vào các hợp tác kinh tế khác khả thi, chẳng hạnh như thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015". Đổi lại, Iran sẽ cho các thanh sát viên vào khu vực kiểm soát để "thể hiện việc Iran sẵn sàng hợp tác với các sáng kiến quốc tế".

Stratfor, một công ty chuyên phân tích về địa chính trị, cũng có quan điểm gần tương đồng khi cho rằng cần có cách tiếp cận ‘dần dần’. Theo đó, trước mắt, Iran có thể đồng ý ngừng làm giàu uranium, hoặc giảm bớt các máy ly tâm tiên tiến để đổi lại là được nới lỏng một chút các hạn chế thương mại liên quan đến dầu  mỏ, chẳng hạn như có thể được xuất khẩu một khối lượng dầu mỏ nhất định.

Nếu các biện pháp xây dựng lòng tin như trên diễn ra tốt đẹp thì đến năm 2022, khi kinh tế thế giới hồi phục và nhu cầu dầu mỏ gia tăng mạnh mẽ, Mỹ và các nước láng giềng Ảrập của Iran sẽ nới lỏng nhiều thêm những hạn chế để Iran có thể được bổ sung lượng dầu xuất khẩu ra thế giới.

Ngoài vấn đề liên quan tới Iran, việc ông Biden đắc cử cũng sẽ tạo ra một số rủi ro khác đối với thị trường dầu mỏ. Trước hết, việc ông Biden thắng cử sẽ có khả năng tạo ra một tác động ngay mang  yếu tố địa chính trị, đó là kết thúc thỏa thuận OPEC+, một thỏa thuận đã giúp giá dầu thô hồi phục trong năm nay. Thỏa thuận của OPEC+ đã được ký vào tháng 4/2020, ngay sau khi Tổng thống Donald Trump và các thượng nghị sĩ từ các quốc gia sản xuất dầu mỏ đe dọa sẽ đình chỉ hỗ trợ quân sự cho Saudi Arabia nếu nước này không nhanh chóng cắt giảm sản lượng dầu thô để vực dậy thị trường. Cho đến thời điểm này, OPEC+ vẫn xác nhận sẽ theo đuổi kế hoạch đã vạch sẵn, đó là hạ mức cắt giảm sản lượng kể từ tháng 1/2021. Tuy nhiên, hiện liên minh này vẫn đang nghiêm túc yêu cầu mỗi thành viên phải tuân thủ hạn ngạch sản xuất được giao, bằng cách đưa ra "lời kêu gọi" những nước chậm trễ trong việc cắt giảm "nhanh chóng tuân thủ các cam kết của họ", từ nay đến cuối năm. 

Một tác động nữa đến thị trường dầu mỏ nếu ông Biden thắng cử, đó là ông đã cam kết nếu ông đắc cử thì Mỹ sẽ tái tham gia lại thỏa thuận khí hậu Paris, chi 2 tỷ USD cho năng lượng sạch, giảm khí thải cacbon của Mỹ và điện khí hóa ngành giao thông vận tải của đất nước. Như vậy, nếu ông Biden thắng cử thì đó sẽ đánh dấu thời điểm mà các nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới chính thức tham gia trở lại quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm tăng cường ngành nhiên liệu hóa thạch - loại bỏ các quy tắc về ô nhiễm và khí thải trong khi bổ nhiệm những người không quan tâm đến khí hậu và những người vận động hành lang trong ngành vào các vị trí quyền lực - sẽ bị đảo ngược. Tuy nhiên, trên thực tế, giá dầu trong năm 2020 vẫn có những khoảng thời gian tăng mạnh, mặc dù ngành năng lượng tái tạo ở Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh, bất chấp việc Tổng thống Trump ủng hộ dầu mỏ. 

 Xem xét những kịch bản trên, các chuyên gia năng lượng dự báo thị trường dầu mỏ sẽ còn tiếp tục chịu áp lực trong thời gian tới. Kết quả thăm dò của Reuters cho thấy, các n hà phân tích dự báo giá dầu trung bình từ  nay đến cuối năm 2020 sẽ ở mức 40 – 45 USSD/thùng, trung bình cả năm nay sẽ khoảng 42,32 USD/thùng (đối với dầu Brent); và sẽ hồi phục chậm chạp trong năm 2021, với mức giá trung bình năm tới sẽ là 49,76 USD/thùng. 

Vân Chi

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên