MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 năm làm môi giới BĐS: Tháng cao nhất kiếm 100 triệu, "xui" thì không có đồng nào, đồng nghiệp "cướp khách" và những lần chấp nhận "cắt máu" để có giao dịch

25-04-2022 - 08:03 AM | Sống

Hiểu rõ hơn về ngành nghề đang "hot" bậc nhất hiện nay!

Môi giới BĐS đang là nghề nhiều người quan tâm hiện nay, bởi vì mức thu nhập khá cao, ngay cả đối với những người mới ra trường. Có nhiều người còn ví von rằng, chỉ cần bán được 2 căn hộ cao cấp, năm đó coi như "mùa nông nhàn".

Đây cũng được xem là một công việc vô cùng cạnh tranh. Câu chuyện "cắt máu" (trích một hoặc toàn bộ số hoa hồng mà sales được hưởng sau khi có giao dịch thành công tặng cho khách hàng) hay tình trạng "cướp khách" không hề hiếm. Dù vậy, vẫn có rất nhiều người muốn làm trong ngành này và cảm thấy đây là con đường phát triển bản thân hiệu quả nhất.

Để hiểu rõ chủ đề này, cùng gặp Minh Phương, 27 tuổi, người đã có 3 năm kinh nghiệm trong nghề môi giới BĐS.

3 năm làm môi giới BĐS: Tháng cao nhất kiếm 100 triệu, xui thì không có đồng nào, đồng nghiệp cướp khách và những lần chấp nhận cắt máu để có giao dịch - Ảnh 1.

Minh Phương

Xin chào Minh Phương,

Phương đã làm trong ngành môi giới BĐS từ lúc nào và tại sao bạn chọn ngành này?

Mình làm môi giới BĐS được 3 năm, hiện đang làm trong lĩnh vực BĐS chuyển nhượng. Chọn ngành này một phần là vì tính cách thích những công việc được gặp gỡ và giao tiếp nhiều. Bên cạnh đó, mình thấy sales BĐS giúp phát triển bản thân rất tốt vì được gặp gỡ với nhiều kiểu khách hàng khác nhau, học hỏi được nhiều từ họ. Thu nhập không giới hạn và luôn có thể chủ động. Thời gian làm việc cũng linh hoạt nên đôi khi mình vẫn có thời gian để tìm hiểu và học hỏi thêm một vài lĩnh vực khác.

Thu nhập của môi giới BĐS thường là từ những nguồn nào? Mức thu nhập cao nhất và thấp nhất bạn từng nhận được là bao nhiêu?

Nghề này thì thu nhập chính là từ hoa hồng sau mỗi thương vụ mua bán thành công. Thường thường khi giao dịch thành công, mình sẽ được chủ nhà trả phí từ 1-3% giá trị giao dịch tùy loại hình BĐS.

Chẳng hạn, nếu làm một dự án BĐS mới, mình sẽ trong vai trò đại lý, hoặc nhà phân phối, bán hàng trực tiếp cho chủ đầu tư, có bảng hàng cụ thể từng căn, từng lô. Hầu như không cần quá quan tâm về nguồn hàng, song sẽ phải di chuyển theo từng dự án, thậm chí là ngồi trực tại dự án để có thể tiếp cận được khách hàng. Còn đối với BĐS chuyển nhượng, mình sẽ phải chủ động hơn về nguồn hàng, đi tìm kiếm những người có nhu cầu bán nhà, bán đất. Lợi thế là có thể cố định khu vực hoạt động và tập trung làm tại một khu vực thôi. Thu nhập thì BĐS mới có thể sẽ có mức hoa hồng cao hơn BĐS chuyển nhượng (thông thường sẽ chỉ là 1%) nhưng chi phí cho việc truyền thông của BĐS mới thường sẽ cao hơn so với BĐS chuyển nhượng vì mức độ cạnh tranh khác nhau.

3 năm làm môi giới BĐS: Tháng cao nhất kiếm 100 triệu, xui thì không có đồng nào, đồng nghiệp cướp khách và những lần chấp nhận cắt máu để có giao dịch - Ảnh 2.

Mình đã làm qua một vài môi trường doanh nghiệp BĐS, thì cũng tùy doanh nghiệp, có nơi không hề có lương cứng, mình làm được thì mới có thu nhập. Còn ở doanh nghiệp mình đang làm thì có hỗ trợ lương cứng cho anh em nhưng thực ra thì cũng chỉ đủ để bù vào chi phí truyền thông hàng tháng. Như mình làm BĐS chuyển nhượng, thông thường cách tiếp cận hiệu quả nhất là đăng tin trên website. Vì để có được lượng khách hàng ổn định, thông thường bọn mình phải bỏ ra 3-5 triệu vào truyền thông đăng tin.

Thực chất nếu thuận lợi, sau khi trừ đi các chi phí thu nhập hàng tháng cũng được xem là khá ổn. Còn để nói về con số cao nhất từng nhận thì nó có nhiều mốc, ví dụ như trong 1 vụ giao dịch, hoặc trong 1 tháng, 1 tuần,... Đối với cá nhân mình không phải thuộc top xuất sắc của công ty, thì tháng cao nhất mình có thể kiếm tới 100 triệu, tháng thấp nhất là không có gì.

Dạo gần đây, có rất nhiều môi giới BĐS sử dụng MXH chẳng hạn như TikTok và Facebook để xây dựng thương hiệu cá nhân và kết nối với khách hàng tiềm năng. Bạn thấy lợi ích và hạn chế từ việc này là gì?

Theo mình thì lợi ích từ việc sử dụng các MXH để tiếp cận tập khách hàng là khá lớn, qua đó đem lại nhiều cơ hội hơn. Tuy nhiên, nó cũng có một số hạn chế từ phương pháp này.

Đầu tiên là về đối tượng khách hàng. Theo mình, thông thường khi một người truy cập vào các ứng dụng MXH thường mang tâm lý giải trí, hoặc tìm hiểu cho biết, chứ không thật sự có tâm lý nghiêm túc cho việc mua nhà, thậm chí có những người hoàn toàn không có nhu cầu nhưng vẫn tìm hiểu cho vui. Cho nên cho dù có mang lại lượng khách hàng lớn nhưng độ tiềm năng của khách hàng là không cao, sẽ mất nhiều thời gian cho việc chăm sóc, định hướng khách hàng và ra được kết quả giao dịch.

Ngoài ra là vấn đề bảo mật thông tin, cái này cũng hơi đặc thù vì mình đang làm loại hình BĐS chuyển nhượng. Điều quan trọng nhất tạo nên sự cạnh tranh của một môi giới BĐS chuyển nhượng là thông tin, vị trí của căn nhà. Một khi công khai rộng rãi thông tin thì phải chấp nhận khả năng lộ thông tin cho các đối thủ cạnh tranh, hoặc thậm chí có những khách hàng biết được thông tin căn nhà sẽ sẵn sàng tìm đến trực tiếp, bỏ qua môi giới.

3 năm làm môi giới BĐS: Tháng cao nhất kiếm 100 triệu, xui thì không có đồng nào, đồng nghiệp cướp khách và những lần chấp nhận cắt máu để có giao dịch - Ảnh 3.

Có thể thấy trường hợp "cắt máu" và "cướp" khách hàng trong lĩnh vực môi giới BĐS khá nhiều. Bạn đã bao giờ gặp chuyện này, đặc biệt là bị chính đồng nghiệp "cướp" khách hàng chưa?

Đầu tiên, mình thường xuyên gặp phải trường hợp "cắt máu". Mình đặc biệt không ủng hộ điều này bởi vì nó vô hình tạo nên một tiền lệ xấu cho khách hàng, ảnh hưởng đến cả các đồng nghiệp sau này. Tuy nhiên có một số trường hợp bắt buộc môi giới BĐS phải cắt máu để đạt được mục đích có giao dịch, có thu nhập, còn hơn là không có gì. Bản thân mình cũng nhiều lần phải cắt máu để có thể có giao dịch, tuy nhiên chỉ ở mức nhỏ để cả khách hàng và chủ nhà cảm thấy thoải mái, gọi là có sự hỗ trợ của cả 3 bên để mua bán được diễn ra thuận lợi.

Còn chuyện bị chính đồng nghiệp "cướp" khách thì mình đã gặp phải nhiều lần (cười). Bởi vì trong một công ty có vài chục đến vài trăm nhân viên bán hàng, việc trùng khách hàng xảy ra thường xuyên. Một phần cần sự may mắn, nhưng hơn hết vẫn là kỹ năng cá nhân quyết định việc khách hàng lựa chọn ai. Mình rất thoải mái trong vấn đề này, cờ đến tay ai người đó phất. Khách hàng không phải của riêng một ai hết. Có những lúc mình chốt khách hàng mà người khác chăm hàng tháng hàng trời, do vậy khi nó xảy ra với bản thân, mình cũng thấy khá bình thường.

3 năm làm môi giới BĐS: Tháng cao nhất kiếm 100 triệu, xui thì không có đồng nào, đồng nghiệp cướp khách và những lần chấp nhận cắt máu để có giao dịch - Ảnh 4.

Bạn nghĩ sao về chuyện khách hàng yêu cầu môi giới BĐS "cắt máu"? Bạn đã bao giờ gặp những rắc rối khó giải quyết với khách hàng chưa?

Thực ra cũng có thể hiểu cho khách hàng vì tâm lý ai đi mua hàng cũng muốn giảm được chi phí nhiều nhất có thể, đặc biệt với BĐS là một tài sản có giá trị rất lớn, có khi cả đời người chỉ mua có 1 lần. Tất nhiên, khách hàng cũng có người này người kia. Có những người hoàn toàn tôn trọng thu nhập của môi giới, cũng sẽ có một số khách hàng thẳng thắn yêu cầu môi giới cắt máu, thậm chí đe dọa sẽ mua của môi giới khác nếu không cắt máu. Các trường hợp trên mình đều gặp rồi, tuy nhiên mình luôn suy nghĩ là: "Tôi không thiếu khách, khách nào không tử tế tôi từ chối chăm sóc."

Mình cũng từng gặp nhiều trường hợp chẳng hạn như khách hàng đã cọc rồi nhưng sau cuối cùng lại quyết định bỏ. Vì nhiều khi khách hàng quyết định chốt mua theo cảm xúc, có thể khi đó họ cảm thấy thích căn nhà nhưng sau khi suy nghĩ hoặc có tác động từ người thân họ lại quyết định không mua nữa.

Ngoài ra, việc này đôi khi cũng do chủ nhà nữa. Có thể sau khi tiến hành đặt cọc, họ về suy nghĩ cảm thấy không muốn bán nữa, thành ra việc mua bán cũng không thể diễn ra được. Thông thường khi hợp đồng đặt cọc bị hủy, môi giới vẫn nhận được 50% - 100% phí môi giới quy định rõ trên hợp đồng, nên cá nhân mình cũng không quá buồn nếu gặp phải trường hợp này

Với bạn, điều gì là khó khăn nhất trong ngành môi giới BĐS?

Khó nhất trong nghề này là khả năng giao tiếp và tâm lý vững vàng. Mình nghĩ những người mang tính cách hướng nội sẽ khá khó tiếp cận và thành công với công việc này vì cái quan trọng của môi giới là phải truyền đạt được thông tin cũng như định hướng được cho khách hàng về sản phẩm của mình, nếu không thể giao tiếp tốt được thì hoàn toàn không thể thành công được với công việc này.

Ngoài ra thì tâm lý cũng rất quan trọng, vì mình cũng đã từng trải qua những giai đoạn cực kỳ áp lực khi không có thu nhập, muốn từ bỏ. Nếu không kịp lấy lại tinh thần làm việc thì khả năng đào thải là rất cao.

3 năm làm môi giới BĐS: Tháng cao nhất kiếm 100 triệu, xui thì không có đồng nào, đồng nghiệp cướp khách và những lần chấp nhận cắt máu để có giao dịch - Ảnh 5.

Bạn có lời khuyên nào cho những người đang muốn trở thành môi giới BĐS không?

Nghề này không hề khó, các bạn cứ suy nghĩ thoải mái, tích cực tiếp thu kiến thức nghề nghiệp, hiểu thật kỹ về sản phẩm, đừng ngại lao ra thị trường để trực tiếp chiến đấu với đối thủ, hay ngay cả khách hàng. Nếu muốn "tồn tại" lâu dài trong lĩnh vực này, phải có tâm với nghề. Quan trọng là tâm lý thoải mái, đừng quá áp lực về tài chính, hay đừng áp lực khi nhìn người khác thành công sớm hơn mình. Kiên trì và giữ vững tâm lý là sẽ có thành quả.

3 năm làm môi giới BĐS: Tháng cao nhất kiếm 100 triệu, xui thì không có đồng nào, đồng nghiệp cướp khách và những lần chấp nhận cắt máu để có giao dịch - Ảnh 6.

Hơn thế nữa, môi giới BĐS là một nghề rất tiềm năng, cũng là một nghề giúp các bạn trẻ trưởng thành cũng như phát triển bản thân cực kỳ. Nhu cầu mua và bán nhà, đất lúc nào cũng có, cho dù có dịch bệnh hay khủng hoảng kinh tế đi chăng nữa thì con người vẫn cần nhà ở, nên nếu có cơ hội thử sức với nghề môi giới BĐS thì đừng ngần ngại.

Cảm ơn Minh Phương vì những chia sẻ!

https://kenh14.vn/3-nam-lam-moi-gioi-bds-thang-cao-nhat-kiem-100-trieu-xui-thi-khong-co-dong-nao-dong-nghiep-cuop-khach-va-nhung-lan-chap-nhan-cat-mau-de-co-giao-dich-20220422121056227.chn

Theo Rika - Mai Linh

Pháp luật & bạn đọc

Trở lên trên