3 nhà vô địch Olympia kín tiếng bất ngờ cùng xuất hiện sau nhiều năm: Ai cũng thay đổi chóng mặt nhưng sự nghiệp người nào đỉnh nhất?
Cả 3 nhà vô địch Olympia cùng nhau lộ diện trên sóng VTV khiến nhiều khán giả thích thú.
- 17-08-2021Thí sinh Olympia lý giải: "Tại sao dầu bắn lung tung khi xào rau", cảnh báo 1 việc cực kỳ nguy hiểm lúc nấu ăn
- 15-08-2021Câu hỏi Olympia khiến 4 thí sinh bó tay: Kiến thức lớp 5 nhưng lại siêu phức tạp, chỉ được tính trong 15 giây
- 26-07-2021Quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2020: "Buồn cả đêm vì Văn được 8,25", tiết lộ trường đại học đã chọn
Những nhà vô địch của Đường Lên Đỉnh Olympia sau thành công của cuộc thi thường có điểm chung là rất kín tiếng trước truyền thông. Điều này càng khiến công chúng tò mò hơn về cuộc sống của họ.
Song mới đây, trong chương trình IELTS FACE- OFF mùa 3 phát sóng trên VTV7, ekip đã chơi lớn mời được hẳn 3 quán quân Olympia các năm. Mỗi nhà vô địch xuất hiện trong talkshow này đều khiến khán giả thích thú. Trong khi 2 nhà vô địch năm thứ 2 Phan Mạnh Tân và năm thứ 11 Phạm Thị Ngọc Oanh chia sẻ cuộc sống hiện tại của mình từ phía đầu cầu Australia thì Lê Viết Hà - Quán quân năm thứ 7 kết nối với khán giả từ TP.HCM, nơi anh đang sinh sống và làm việc.
Phan Mạnh Tân - Nhà vô địch Olympia năm thứ 2
Trong chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia mùa thứ 2, cậu học trò Phan Mạnh Tân (lớp chuyên Toán, THPT chuyên Hà Tĩnh) đã giành chiến thắng thuyết phục để mang về cho mình suất du học toàn phần Úc cho 4 năm học.
Là người kín tiếng, Phan Mạnh Tân ít khi chia sẻ trên trang cá nhân về cuộc sống của mình. Chỉ biết rằng, anh chàng đang công tác tại công ty IBM danh tiếng, có cuộc sống viên mãn bên gia đình.
Anh chàng du học ngành Công nghệ thông tin. Quán quân Olympia học giỏi đến mức được chọn học 1 năm danh dự (không qua Thạc sĩ) rồi được chuyển thẳng sang làm Tiến sĩ tin học. Sau khi tốt nghiệp, Phan Mạnh Tân có cơ hội được ở lại trường đại học để tiếp tục gắn bó với nghiên cứu và giảng dạy.
Song sau đó đã từ chối để nhận lời mời làm việc cho tập đoàn IBM - tập đoàn công nghệ thông tin lớn bậc nhất toàn cầu. Từ vị trí kiến trúc sư phần mềm, anh chàng đã trở thành Quản lý cấp cao thuộc bộ phận tư vấn.
Hiện tại, Phan Mạnh Tân đang có 2 cậu con trai kháu khỉnh. Vợ anh cũng là du học sinh, từng hoạt động chung hội sinh viên Việt Nam.
Sau gần 20 năm sinh sống ở Úc, anh có nhiều trải nghiệm về cuộc sống nơi này. Trong IFO, anh cho biết, với tuýp người đàn ông của gia đình như anh thì xứ sở chuột túi là một môi trường tuyệt vời.
Anh tâm sự: "Với các con, tôi muốn làm bạn với chúng, tôi muốn chia sẻ nhiều kinh nghiệm nhất có thể với chúng và tôi đoán là vì tôi lớn lên rất gần gũi với bố, chúng tôi chơi thể thao cùng nhau, cùng chơi cầu lông và đá bóng nên tôi muốn các con mình có những trải nghiệm tương tự. Ở Úc, tôi muốn tiếp tục điều đó với các con và tôi cảm thấy rằng nếu bạn muốn làm điều đó với các con của mình, thì điều đó khá dễ dàng ở Melbourne nói riêng!"
Trong một cuộc chia sẻ khác trên VTV, Quán quân Olympia cũng từng tiết lộ nguyên nhân chưa trở về nước. Bởi gia đình Phan Mạnh Tân đang sống ổn định ở nước ngoài, việc thay đổi sẽ gây đảo lộn cuộc sống nên anh hi vọng, khi các con tầm 18 tuổi sẽ có cơ hội quay về Việt Nam. Hiện tại, anh cho biết mình vẫn đang ở giai đoạn giữa của đại dịch và ở lần giãn cách xã hội thứ sáu ở Melbourne. Anh và vợ vẫn duy trì công việc tại nhà, còn các con đang học trực tuyến.
Lê Viết Hà - Nhà vô địch Olympia năm thứ 6
Trong số các Quán quân Đường Lên Đỉnh Olympia đã đi du học, Lê Viết Hà là thí sinh quyết định trở về nước tiếp tục xây dựng sự nghiệp. Anh từng học trường THPT Chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi, xuất sắc trở thành chủ nhân của chiếc vòng nguyệt quế trong trận chung kết Đường Lên Đỉnh Olympia lần thứ 7 năm 2007 với giải thưởng là suất học bổng trị giá 35.000 USD.
Được biết, Lê Viết Hà là con cả trong một gia đình có hai anh em tại TP. Quảng Ngãi. Trước ngày ra Hà Nội dự trận chung kết, anh đã chủ động tìm mọi thông tin, kiến thức chủ yếu qua internet. Anh chàng học sinh lớp 12 Toán trường THPT Chuyên Lê Khiết này tự nhận mình học khá môn Toán và Hóa, còn "học Văn thì hơi dở" và cũng cảm thấy rất tiếc khi trả lời sai câu hỏi về phản ứng xảy ra khi đốt than.
Nhận được học bổng anh chàng sang Úc du học và đây cũng là người duy nhất sở hữu 2 bằng cử nhân xuất sắc tại Đại học Kỹ thuật Swinburne với ngành Công nghệ Robot và ngành Khoa học Máy tính. Sau đó, Lê Viết Hà tiếp tục học lên bậc thạc sĩ tại Đại học Deakin, Úc, chuyên ngành Quản trị Kinh doanh.
Cựu vô địch Olympia về nước vào năm tháng 12/2017, anh đảm nhận công việc cán bộ chịu trách nhiệm về các khoản đầu tư tại Mekong Capital - một công ty vốn tư nhân tập trung vào Việt Nam; tới năm 2020, anh trở thành Giám đốc điều hành tại Pizza 4P's.
Nói về lý do trở về Việt Nam, anh cho biết với anh, Việt Nam đại diện cho một thị trường tăng trưởng. Anh cho rằng Úc là một trong những nền kinh tế cũ, với mức tăng trưởng 2% một năm, dân số không quá trẻ, công việc đã làm ở Úc chủ yếu là ngành công nghiệp nặng đã được đầu tư trong một thời gian dài. Còn Việt Nam đại diện cho một thị trường tiêu dùng lớn hơn và thú vị hơn với nhiều thứ mới mẻ. Anh nghĩ rằng bản thân sẽ hào hứng hơn và sẽ có nhiều cơ hội cạnh tranh tại đây.
Phạm Thị Ngọc Oanh - Nhà vô địch Olympia năm thứ 11
Cách đây 10 năm, Phạm Thị Ngọc Oanh đã trở thành Quán quân Olympia năm 2011 với số điểm chung cuộc 230. Nối gót các anh chị, Ngọc Oanh lên đường sang Đại học Swinburne (Úc) du học ngành Thương mại Kế toán và Tài chính.
Trước đó, Ngọc Oanh là cựu học sinh trường THPT Tiên Lãng (Hải Phòng). Cô nàng từng là học sinh giỏi 12 năm liền và giành giải Nhì học sinh giỏi Hóa năm lớp 12. Sau cuộc thi, thông tin về cô nàng rất ít ỏi trên báo chí.
Nói về vấn đề này, cô tâm sự: "Tôi nhớ khi tham gia chương trình vào năm 2011, lúc đó tôi mới 18 tuổi và tôi nhớ mình đã nhận được cả những phản hồi tích cực và tiêu cực từ giới truyền thông và cộng đồng mạng vào thời điểm đó. Tôi đã không được trang bị những thứ như vậy. Tôi luôn sống một cuộc sống được che chở, một cuộc sống yên bình, nhờ vào cha mẹ tôi. Chính vì điều đó, tôi chọn cách sống khá kín đáo, tránh những tiêu cực từ giới truyền thông."
Giống như biết bao Quán quân Olympia khác, suất du học Úc đã thay đổi cuộc đời của Ngọc Oanh. Sau khi tốt nghiệp đại học, Ngọc Oanh tiếp tục ở lại Melbourne 2 năm để tích lũy kinh nghiệm và xin học bổng học Thạc sĩ tại Mỹ.
Sau đó, cô nàng thi chứng chỉ CFA (Chartered Financial Analyst - chứng chỉ quy chuẩn trong ngành tài chính) với thành tích đỗ level cao nhất - mức 3.
Cô nàng tâm sự về chứng chỉ này: "Quả thực quá trình học cho level 2 và level 3 rất vất vả. Mình không có quá nhiều thời gian ôn thi vì việc mới khá nặng và phải học nhiều thứ mới".
Sau 10 năm, Ngọc Oanh đã gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp. Cô thường xuyên chia sẻ những hình ảnh trên trang cá nhân về cuộc sống và công việc hiện tại của mình.
Doanh nghiệp và tiếp thị